COVID-19 tới 6h sáng 17/3: Trên 8.500 ca tử vong mới; Pháp, Ý 'sẵn sàng' nối lại tiêm vaccine AstraZeneca

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 8.500 ca tử vong mới, nâng tổng số người chết lên trên 2,68 triệu ca. Pháp và Italy tuyên bố sẵn sàng nối lại tiêm vaccine AstraZeneca tuỳ theo kết luận của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA).

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Boris Johnson giới thiệu vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca/Oxford tại trung tâm thí nghiệm ở Orpington, Đông Nam London, Anh ngày 15/2/2021. AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 17/3 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 121.186.338 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.680.512 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 410.954 và 8.585 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 97.678.983 người, 20.826.843 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 88.603 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (68.727 ca), Mỹ (44.226 ca) và Ấn Độ (28.869 ca); Brazil cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.024 ca), tiếp theo là Mỹ (900 ca) và Italy (502 ca)

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 30.183.162 triệu người, trong đó có 549.019 ca tử vong. Brazil ghi nhận tổng cộng 11.594.204 ca nhiễm, bao gồm 281.626 ca tử vong. Trong khi đó, Ấn Độ xếp thứ ba với 11.438.464  ca bệnh và 159.079 ca tử vong.

Tính theo tỷ lệ dân số, CH Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 221 người tử vong. Tiếp đến là Bỉ với 195 người và Slovenia 189 người/100.000 dân.

Chú thích ảnh
 Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở New York, Mỹ, ngày 8/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ: 22% dân số đã được tiêm vaccine

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 16/3 cho biết, gần 111 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm tại Mỹ. Gần 22% dân số, tương đương 72 triệu người, đã nhận được ít nhất 1 mũi tiêm, và gần 12% dân số, khoảng 39 triệu người đã được tiêm đủ 2 mũi.

Venezuela siết chặt đi lại từ thủ đô

Bộ trưởng Giao thông Venezuela Hipolito Abreu cho hay sẽ siết chặt đi lại đối với những người đi và đến từ khu vực thủ đô của nước này.

Phát biểu trên truyền hình, ông Abreu cho biết các dịch vụ giao thông công cộng đến quận thủ đô, các bang Miranda và La Guaira, phía Bắc Venezuela, sẽ tạm dừng từ ngày 15-21/3 tới. Các biện pháp hạn chế này cũng được thực hiện đối với người dân tại bang Bolivar, giáp Brazil. Những người tại các khu vực bị hạn chế này sẽ không được phép đi tới các khu vực khác trừ trường hợp có giấy phép đặc biệt.

Tuy nhiên, những lao động thuộc lĩnh vực kinh tế thiết yếu và ưu tiên được phép đi lại và sử dụng các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm hay tàu hỏa nối thủ đô Caracas tới các thành phố lân cận. Lượng người sử dụng phương tiện công cộng sẽ bị khống chế ở mức khoảng 800.000 lượt người/ngày, so với mức 1,5 triệu lượt người/ngày trước đây.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID tại Montana, Mỹ. Ảnh: Getty Images 

Châu Âu: Pháp, Italy "sẵn sàng" nối lại tiêm vaccine AstraZeneca 

Theo CNN, trong một tuyên bố chung ngày 16/3, chính phủ Pháp và Italy cho biết họ "sẵn sàng" nối lại tiêm vaccine AstraZeneca tuỳ theo kết luận của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA). Tuyên bố chung được Văn phòng Thủ tướng Italy công bố cho biết, quyết định ngừng sử dụng vaccine này được đưa ra như "một biện pháp đề phòng tạm thời".

Dự kiến, EMA sẽ đưa ra kết luận về vaccine AstraZeneca trong ngày 18/3. 

Việc triển khai tiêm vaccine AstraZeneca tới nay đã bị đình chỉ tại hơn 10 quốc gia châu Âu do lo ngại một số lượng nhỏ bệnh nhân xuất hiện tình trạng máu đông cục sau tiêm.

"Các yếu tố sơ bộ được EMA chia sẻ ngày hôm nay rất đáng khích lệ", tuyên bố chung cho biết. "Thủ tướng Emmanuel Macron và Mario Draghi sẵn sàng nối lại các chiến dịch tiêm chủng với vaccine AstraZeneca rất nhanh nếu đánh giá bổ sung của EMA là tích cực".

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Hãng AstraZeneca/Oxford tại trung tâm vaccine ở Stuttgart, miền Nam Đức ngày 12/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuyên bố được đưa ra sau khi Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Agnès Pannier-Runacher xác nhận rằng quyết định đình chỉ việc triển khai vaccine AstraZeneca ở Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Đức vào ngày 15/3 đã được phối hợp với nhau.

Ngày 16/3, thêm CH Cyprus, Luxembourg, Latvia và Thuỵ Điển quyết định đình chỉ sử dụng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca.

Thủ tướng Anh khẳng định vaccine AstraZeneca an toàn và hiệu quả

Trong một bài viết đăng trên tờ The Times ngày 16/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định vaccine của AstraZeneca an toàn và phát huy tác dụng rất hiệu quả. Động thái trên diễn ra sau khi một số nước trên thế giới ngừng sử dụng loại vaccine này do lo ngại nguy cơ sinh cục máu đông. Theo ông Johnson, vaccine này được sản xuất tại nhiều nơi, từ Ấn Độ tới Mỹ cũng như Anh và đang được sử dụng trên toàn thế giới. 

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) thị sát việc tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 Oxford/Astrazeneca tại The Hive, phía Bắc London, ngày 25/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Estonia: Thủ tướng Kallas nhiễm COVID-19

Thủ tướng Estonia - bà Kaja Kallas đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bà chỉ sốt nhẹ và sẽ tiếp tục chỉ đạo công việc của chính phủ thông qua hình thức trực tuyến.

Tỷ lệ lây nhiễm tại Estonia trong 14 ngày qua là 1.448 ca/100.000 người dân - mức cao thứ 2 trên thế giới, chỉ sau CH Séc.

Quốc gia EU có 1,3 triệu dân này cũng là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do mắc COVID-19 cao nhất trên thế giới. Hệ thống y tế của Estonia đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp ở mức 2 và chuẩn bị được nâng lên mức cao nhất, cho phép các bệnh viện đang hết giường và nhân viên y tế có thể giảm việc điều trị những bệnh không nguy hiểm.

Đức: Ca nhiễm mới tăng 20% trong tuần trước

Viện Robert Koch (RKI) của Đức cho biết số ca nhiễm mới ở nước này tăng tới 20% trong tuần trước.

Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới/100.000 người tăng lên 83 và RKI cảnh báo con số này có thể tăng lên mức 200 vào giữa tháng sau. Do hậu quả của việc gia tăng trở lại số lượng ca mắc mới bệnh COVID-19 và việc dừng tiêm phòng vaccine của AstraZeneca, chính quyền thủ đô Berlin đã quyết định đình chỉ tất cả các kế hoạch nới lỏng hạn chế xã hội vốn đã được lên bước nới lỏng đối với các hạn chế đã được lên kế hoạch trước đó, cho tới khi có thông báo mới. Theo đó, lĩnh vực ẩm thực, văn hóa vẫn bị đóng cửa hoặc hạn chế, việc trở lại trường học của học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 đã bị hủy bỏ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Lviv, Ukraine ngày 30/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Na Uy áp dụng các biện pháp siết chặt mới

Tương tự, chính quyền thủ đô Oslo của Na Uy cũng thông báo các biện pháp siết chặt mới nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19, trong đó có việc đóng cửa các trường trung học cơ sở và hạn chế số người đến thăm tại nhà. Ngoài ra, sinh viên cũng buộc phải học từ xa và trẻ mẫu giáo sẽ được nghỉ học trong suốt kỳ nghỉ Lễ Phục sinh, trừ trường hợp con cái của nhóm lao động thiết yếu. Các nhà chức trách đồng thời chỉ cho phép tối đa 2 người tới thăm gia đình khác.

Bỉ cho mở cửa lại một phần các trường Đại học

Trong khi đó, ngành giáo dục bậc cao tại Bỉ đã chuyển sang chế độ "da cam", cho phép các trường đại học và cao đẳng mở cửa trở lại một phần. Theo quyết định mới nhất này, 20% sinh viên sẽ được phép đến trường học song phải thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 1,5m. Số sinh viên và nhân viên giáo dục còn lại sẽ học tập và làm việc từ xa. Trong khoảng thời gian từ 5-11/3, Bỉ ghi nhận trung bình 2.718 ca mắc mới mỗi ngày, giảm 15% so với tuần trước đó. Cho tới nay, Bỉ đã ghi nhận tổng cộng 808.283 ca mắc, trong đó 22.441 ca tử vong.  

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Vienna, Áo, ngày 13/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Pháp: Phát hiện ca nhiễm biến thể mới

Bộ Y tế Pháp thông báo đã phát hiện 1 trường hợp ở vùng Brittany nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Chưa có dấu hiệu cho thấy biến thể mới này nguy hiểm hay dễ lây nhiễm hơn các biến thể đã phát hiện tại Anh, Brazil hay Nam Phi. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh số bệnh nhân mắc COVID-19 đang phải điều trị tích cực tại Pháp đã tăng thêm 92 người lên mức 4.219 người.

Đây là mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2020. Cuối tuần qua, các bệnh viện ở khu vực thủ đô Paris - vốn đang điều trị cho hơn 1/4 tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 nặng trên toàn quốc, đã bắt đầu chuyển bệnh nhân sang các vùng khác nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế ở vùng thủ đô.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Boulogne-Billancourt, Pháp ngày 8/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Á- Campuchia lần đầu tiên ca mắc mới lên mức 3 con số

Trong ngày 16/3, Campuchia lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức 3 chữ số. Toàn bộ 105 ca nhiễm mới đều liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2” dẫn tới đợt bùng phát đại dịch lần thứ ba tại nước này. Trong nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19, Thủ tướng Hun Sen đã yêu cầu chính quyền các tỉnh, thành tạm thời cấm tụ tập đông người, đồng thời trao thêm quyền cho lãnh đạo các tỉnh, thành có thể cấm hoặc mở lại các địa điểm để có thể ngừng hoặc nối lại các hoạt động vì diễn biến dịch ở các tỉnh khác nhau.

Nhật Bản: Thủ tướng Suga tiêm mũi vaccine COVID đầu tiên

Ngày 16/3, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên để chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ vào tháng 4 tới. Như vậy, ông Suga đã trở thành quan chức chính phủ đầu tiên của Nhật Bản chính thức được tiêm vaccine. Dự kiến 3 tuần sau, ông Suga sẽ được mũi tiêm thứ 2 trước khi thực hiện chuyến công du Mỹ. Khoảng 80-90 quan chức Nhật Bản cũng sẽ được tiêm vaccine trước khi tháp tùng ông Suga đến Mỹ. 

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (giữa) được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại thủ đô Tokyo ngày 16/3/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
 

Trung Quốc cấp phép vaccine COVID mới

Cơ quan chức năng Trung Quốc đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với một loại vaccine ngừa COVID-19 mới, nâng tổng số vaccine ngừa COVID-19 được thông qua do nước này phát triển lên 4 loại.

Đây là vaccine do công ty TNHH Dược phẩm sinh học Zhifei Longcom An Huy và Viện Khoa học Trung Quốc đồng phát triển. Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 vào tháng 10/2020 và đang tiến hành giai đoạn thử nghiệm cuối cùng ở Uzbekistan, Pakistan và Indonesia. Vaccine đã được cấp phép sử dụng ở Uzbekistan vào ngày 1/3 vừa qua. Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy vaccine được chứng minh có khả năng tạo kháng thể với cả các biến thể của virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
 Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trung Quốc thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới, theo đó cho phép những người nước ngoài nhập cảnh nếu họ đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 do nước này sản xuất. Tuy nhiên, những người đến Trung Quốc sẽ vẫn phải đối mặt với quy định cách ly lên tới 3 tuần. Nước này đã đóng cửa biên giới đối với hầu hết người nước ngoài kể từ tháng 3/2020 nhằm kiềm chế dịch bệnh. Đến nay, Trung Quốc chưa phê duyệt bất kỳ loại vaccine ngừa COVID-19 nào do nước ngoài sản xuất. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 14/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 16/3: Trên 56.000 ca tử vong; Campuchia ca mắc mới lên 3 con số
COVID-19 tại ASEAN hết 16/3: Trên 56.000 ca tử vong; Campuchia ca mắc mới lên 3 con số

Ngày 16/3, các nước ASEAN đã ghi nhận gần 11.200 ca mắc mới và 196 ca tử vong. Số ca tử vong trên toàn khối đã vượt 56.000, trong khi Campuchia lần đầu tiên ghi nhận ca nhiễm mới ở mức 3 con số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN