Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 43.000 ca), Ấn Độ (36.127 ca) và Brazil (31.142 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.270 ca), Brazil (874 ca) và Nga (819 ca).
Nga ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ trước đến nay
Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Nga khi nước này ngày 14/8 ghi nhận số ca tử vong trong một ngày cao nhất từ trước đến nay. Theo nhà chức trách Nga, trong 24 giờ qua, nước này có 819 người không qua khỏi, nâng tổng số ca tử vong lên 169.683 ca. Hiện tổng số ca bệnh tại Nga cũng đã tăng lên 6.579.212 ca sau khi có thêm 22.144 ca nhiễm mới.
Số ca nhiễm mới theo ngày tại Nga đã giảm so với thời kỳ đỉnh dịch vào tháng 7 vừa qua, thời điểm biến thể Delta đang lây lan mạnh ở nước này trong khi tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 lại diễn ra chậm chạp.
Thái Lan cảnh báo số ca mắc mới tăng cao nếu không gia hạn phong tỏa
Người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) Taweesilp Visanuyothin đã cảnh báo rằng số lượng các ca nhiễm mới hàng ngày có thể lên tới 70.000 ca trừ khi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt được gia hạn.
Ông Taweesilp trích dẫn ước tính của Bộ Y tế Thái Lan nói rằng số ca nhiễm hàng ngày vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 có thể vào khoảng 60.000 đến 70.000 bệnh nhân sau khi các biện pháp phong tỏa hiện tại kết thúc. Tuy nhiên, nếu các biện pháp phong tỏa được kéo dài đến tháng 9, số ca nhiễm mới hàng ngày sẽ ở mức khoảng 45.000 bệnh nhân và con số này vẫn còn cao.
Theo ông Taweesilp, để duy trì tình trạng lây nhiễm với tốc độ hiện tại khoảng 20.000 bệnh nhân mỗi ngày, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt phải được thực hiện trong ít nhất hai tháng cùng với việc tiêm chủng cho người cao tuổi và các nhóm đối tượng khác ở những khu vực rộng lớn hơn. Đây là kịch bản tốt nhất cho hệ thống y tế công cộng của Thái Lan. Với tỷ lệ lây nhiễm này, Thái Lan vẫn sẽ có đủ giường bệnh, trong khi tỷ lệ tử vong sẽ ở mức có thể kiểm soát được.
Theo các kịch bản nói trên, số ca tử vong vì COVID-19 hàng ngày sẽ là 800 trường hợp nếu có 60.000-70.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, 500 trường hợp nếu có 45.000 ca nhiễm mới mỗi ngày và dưới 200 trường hợp nếu có khoảng 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Chính phủ Thái Lan vào ngày 16/8 sẽ quyết định có gia hạn các biện pháp phong tỏa hay không, trong bối cảnh các ca nhiễm mới hàng ngày tiếp tục tăng. Chính phủ Thái Lan trước đó đã gia hạn các biện pháp phong tỏa và giới nghiêm ban đêm ở Bangkok và 28 tỉnh khác trong 2 tuần nữa từ ngày 3/8 đến 18/8.
Bộ Y tế Thái Lan sáng 14/8 cho biết nước này có thêm 22.086 ca mới cùng 217 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch lên 885.275 ca, trong đó có 7.343 người không qua khỏi.
Israel tổ chức tiêm vaccine suốt đêm tại Tel Aviv
Để thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, Chính phủ Israel đã triển khai một sáng kiến mới, tổ chức hoạt động tiêm trên quy mô lớn ở thành phố Tel Aviv suốt đêm 14/8.
Cơ quan Cấp cứu Quốc gia Israel (MDA) đã phối hợp với chính quyền Tel Aviv triển khai 2 xe cứu thương với một loạt bàn tiêm vaccine COVID-19 tại quảng trường Dizengoff, nhằm tạo điều kiện cho thanh niên và những người tham gia tiệc tùng có thể dễ dàng và nhanh chóng tiêm phòng ngay tại trung tâm thành phố. Sáng kiến này nhằm vào tất cả các đối tượng nằm trong diện tiêm vaccine COVID-19 theo quyết định của Bộ Y tế Israel, từ 12 tuổi trở lên. Thông báo của MDA cho hay những người chưa tiêm lần nào, đã tiêm một mũi và người từ 50 tuổi trở lên muốn tiêm liều 3 bổ sung đều có thể tới bàn đăng ký và tiêm ngay tại chỗ.
Các điểm tiêm vaccine tại quảng trường Dizengoff mở cửa từ 20h00 ngày 14/8 và hoạt động đến tận 4h00 ngày 15/8 (giờ Israel).
Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm vaccine COVID-19 liều 3 cho những người từ 50 tuổi trở lên. Đến nay, đã có hơn 5,8 triệu người tại Israel tiêm vaccine COVID-19 trên tổng dân số khoảng 9,3 triệu người, trong đó gần 5,4 triệu người đã tiêm đủ 2 liều và hơn 813.000 người đã tiêm liều thứ 3 bổ sung.
Ca mắc mới ở Trung Quốc giảm ngày thứ tư liên tiếp
Ủy ban Y tế Trung Quốc thông báo Trung Quốc 8 có 30 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, ngày thứ 4 liên tiếp giảm. Trong khi đó, số ca nhập cảnh mắc COVID-19 trong ngày này là 36 người.
Tính đến hết ngày 14/8, Trung Quốc có 94.326 ca nhiễm, bao gồm 4.636 ca tử vong. Hiện nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng được xác định có liên quan đến chùm ca lây nhiễm tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, bùng phát hồi cuối tháng 7.
Biến thể Delta lây lan tại Trung Quốc đã buộc nước này kích hoạt một loạt các biện pháp khống chế dịch như xét nghiệm trên diện rộng, hạn chế đi lại tại các thành phố bị ảnh hưởng.
Australia tăng mức phạt người vi phạm quy định phòng dịch
Giới chức Australia ngày 14/8 thông báo nước này sẽ tăng mức phạt người vi phạm quy định hạn chế để phòng dịch đang được áp dụng tại bang New South Wales (NSW) trong bối cảnh bang này ghi nhận số ca nhiễm lây nhiễm trong cộng đồng tăng cao ở mức chưa từng thấy.
Cụ thể, người vi phạm quy định đi ra ngoài đường khi không có lý do chính đáng hay lừa dối trong việc theo dõi, truy vết sẽ bị xử phạt 5.000 đôla Australia. Trong khi đó, người đi vào NSW mà không có giấy phép sẽ bị phạt 3.000 AUD.
Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian ngày 14/8 thừa nhận bang này đang trải qua thời kỳ dịch bệnh tồi tệ chưa từng thấy với 466 ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua, mặc dù lệnh phong tỏa toàn bang đang được áp dụng, trong đó riêng lệnh phong tỏa tại thành phố Sydney đã bước sang tuần thứ 8. Đây là ngày Australia ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao nhất với mức tăng 20% so với ngày trước đó. Theo bà Berejiklian, tình hình dịch bệnh trong tháng 9 và tháng 10 tới sẽ còn phức tạp hơn nữa.
Nhằm tăng cường giám sát để bảo đảm người dân thực hiện nghiêm túc các quy định phòng dịch mà chính quyền ban hành, hàng trăm quân nhân sẽ được bổ sung cho lực lượng giám sát hiện đang làm nhiệm vụ tại Sydney. Tính đến nay, Australia ghi nhận tổng cộng 38.658 ca mắc và 953 ca tử vong do COVID-19.
Số trẻ em nhập viện tăng kỷ lục tại Mỹ
Ngày 14/8, Mỹ ghi nhận số trẻ em nhập viện vì COVID-19 cao kỷ lục với 1.900 ca trong bối cảnh các bệnh viện ở khu vực miền Nam của quốc gia này đang phải gồng mình chống lại đợt bùng phát mới do biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng.
Theo dữ liệu từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, biến thể Delta đang gây bệnh cho hầu hết những người chưa tiêm chủng và khiến số ca nhập viện gia tăng nhanh chóng trong những tuần gần đây, trong đó số trẻ em phải nhập viện đã lên tới 1.902 ca. Trẻ em hiện chiếm khoảng 2,4% tổng số ca nhập viện vì COVID-19. Trẻ em dưới 12 tuổi chưa đủ điều kiện để tiêm chủng nên dễ bị nhiễm bệnh hơn, đặc biệt khi biến thể mới có khả năng lây truyền cao. Cựu Chủ tịch của Học viện Nhi khoa Mỹ Sally Goza cho biết: “Đây không phải là dịch COVID của năm ngoái. Dịch này còn tồi tệ hơn và con cái của chúng ta là những người sẽ bị ảnh hưởng”.
Theo Chủ tịch NEA Becky Pringle, các trường học nên áp dụng mọi chiến lược nhằm giảm thiểu lây nhiễm COVID-19, từ tiêm vaccine tới đeo khẩu trang để đảm bảo rằng học sinh có thể quay trở lại lớp học an toàn trong năm học này và tất cả những ai có thể tiêm phòng đều nên đi tiêm phòng.
Theo số liệu của hãng tin Reuters, Mỹ hiện ghi nhận trung bình khoảng 129.000 ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày, tăng gấp đôi sau hơn hai tuần. Số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhập viện đang ở mức cao nhất trong sáu tháng và trung bình 600 người chết mỗi ngày vì COVID-19, gấp đôi tỷ lệ tử vong vào cuối tháng 7.
Canada yêu cầu nhân viên khu vực công tiêm vaccine COVID-19 bắt buộc
Chính phủ Canada sẽ yêu cầu các nhân viên liên bang, lao động trong các ngành do liên bang quản lý và một số nhóm đối tượng khác phải tiêm chủng bắt buộc vaccine phòng COVID-19. Động thái này ghi dấu sự thay đổi quan điểm của Chính phủ liên bang Canada về yêu cầu tiêm vaccine.
Phát biểu trước báo giới ngày 13/8, ông Dominic LeBlanc cho biết động thái này, vốn sẽ tác động đến khoảng 1,5 triệu lao động và những người chọn di chuyển bằng đường hàng không, tàu hỏa liên tỉnh và du thuyền, là cần thiết để bảo vệ người dân trước các biến thể nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2.
Đối với những lao động từ chối tiêm chủng, ông LeBlanc cho hay những trường hợp này sẽ được các nhà quản lý dịch vụ công xử lý riêng, nhưng "tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là yêu cầu bắt buộc để được làm việc tại cơ quan liên bang hoặc làm việc cho Chính phủ Canada”
Hiện Chính phủ Canada chưa ấn định thời gian hiệu lực của yêu cầu trên. Tuy nhiên, ông LeBlanc cho biết đang nhắm mục tiêu triển khai vào đầu mùa Thu này.
Theo thống kê, gần 82% người Canada từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, trong khi 70% đã hoàn thành tiêm chủng. Tỷ lệ tiêm chủng đã chậm lại trong những tuần gần đây, trong khi số ca nhiễm biến thể Delta có xu hướng gia tăng.
Mexico ghi nhận trên 138.000 ca mắc COVID-19 dưới 17 tuổi
Bộ Y tế Mexico thông báo đã ghi nhận 138.335 trường hợp người dưới 17 tuổi mắc COVID-19, trong đó có 724 ca tử vong.
Theo bộ trên, quốc gia này đang trong làn sóng dịch thứ 3 và chỉ từ tháng 7 đến nay đã có 45.399 trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên mắc COVID-19. Đáng chủ ý là trong phần lớn các ca tử vong trên có 393 trường hợp là trẻ dưới 5 tuổi.
Cùng ngày, Mexico đã ghi nhận 22.785 ca nhiễm mới, trong đó có 603 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh từ đầu dịch lên 3.068.329 ca, trong đó có 247.414 ca tử vong.
Mexico hiện đứng thứ 4 thế giới về số ca tử vong do COVID-19, sau Mỹ, Brazil và Ấn Độ, và xếp thứ 16 thế giới về số ca bệnh. Trước tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, chính phủ Mexico đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Mexico đã tiếp nhận trên 90 triệu liều vacicne ngừa COVID-19, gồm Pfizer, AstraZeneca, Sputnik V, CanSino, Sinovac, Johnson & Johnson, và đã tiêm gần 76 triệu liều cho hơn 53,2 triệu dân, trong số này hơn 28,7 triệu người đã được tiêm đủ liều.
Bộ Y tế Mexico đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào tháng 9/2021, khi 75% dân số miễn dịch nhờ cơ thể tự sản sinh kháng thể hay thông qua tiêm chủng. Chính phủ Mexico đã dành 1,8 tỉ USD ngân sách để mua 250 triệu liều vaccine tiêm miễn phí cho người dân.
Guatemala tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Tại Guatemala, biến thể Delta đã khiến nước này phải ban hành một tình trạng khẩn cấp mới. Tổng thống Alejandro Giammattei cho biết nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp và sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ ngày 14/8 nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 do biến thể Delta gây ra.
Tổng thống Giammattei nhấn mạnh biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh và đang làm bùng phát các ổ dịch mới. Nhiều nước đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn dịch bệnh và Guatemala cũng ko phải là ngoại lệ. Theo ông Giammattei, tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh tại Guatemala sẽ kéo dài 30 ngày.
Theo quy định mới này, lệnh giới nghiêm ban đêm sẽ được áp đặt từ ngày 14/8, có hiệu lực từ 22h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Tình trạng khẩn cấp cũng cho phép chính phủ tăng cường mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác dập dịch, thiết lập mức giá tối thiểu và tối đa cho hàng hóa thiết yếu, đồng thời cấm tập trung đông người.
Guatemala, quốc gia có 17 triệu dân, ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm mỗi ngày, hiện có tổng cộng 411.731 ca bệnh, trong đó 11.085 ca tử vong vì COVID-19. Trước đó, Tổng thống Giammattei đã từng áp đặt tình trạng khẩn cấp vào tháng 3 năm ngoái khi nước này phát hiện ca COVID-19 đầu tiên.