Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 13/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 13.022.313 ca, trong đó có 570.999 người thiệt mạng.
Các nước cũng ghi nhận 7.573.141 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 58.920 và 4.877.853 ca đang điều trị tích cực.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (55.680 ca), Ấn Độ (29.108 ca) và Brazil (23.869 ca); trong khi Brazil đứng đầu về số ca tử vong (với 608 người chết), tiếp theo là Ấn Độ (500 ca) và Mỹ (368 ca).
Thế giới ghi nhận ca nhiễm mới trong ngày cao kỷ lục
Ngày 12/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày ở mức cao kỷ lục, với tổng cộng 230.370 ca trong vòng 24h.
Theo báo cáo cập nhật theo ngày về tình hình dịch COVID-19, mức tăng lớn nhất này chủ yếu từ các nước như Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. Kỷ lục trước đó được WHO ghi nhận là vào hôm 10/7 với 228.102 ca nhiễm/ngày. Số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu vẫn duy trì ở mức 5.000 ca/ngày.
Oxfam: Khủng hoảng đói sau đại dịch có thể giết nhiều người hơn COVID-19
Một báo cáo của Oxfam cảnh báo cuộc khủng hoảng thiếu lương thực đã bị trầm trọng hơn bởi đại dịch có thể giết nhiều người mỗi ngày hơn chính dịch bệnh COVID-19. Oxfam cho biết, ước tính 12.000 người có thể chết đói mỗi ngày, liên quan đến COVID-19 vào cuối năm nay. Trong khi đó, theo số liệu của trường Đại học Johns Hopkins, ngày có nhiều người thiệt mạng nhất vì dịch COVID-19 là 17/5, khi có 8.890 người tử vong.
"Đại dịch là 'cọng rơm cuối cùng' với hàng triệu người đã phải vật lộn vì những tác động của xung đột, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và một hệ thống thực phẩm bị phá huỷ đã khiến hàng triệu nông dân và người lao động lâm vào đói nghèo", quyền Tổng giám đốc Oxfam Chema Vera nói.
Mỹ: Bang Florida ghi nhận số mắc mới cao kỷ lục
Ngày 12/7, bang Florida của Mỹ thông báo đã ghi nhận 15.299 ca dương tính mới với virus SASR-CoV-2 trong 24 giờ qua, qua đó trở thành bang có số ca mắc COIVD-19 mới trong 1 ngày cao kỉ lục kể từ khi đại dịch này bắt đầu bùng phát tại Mỹ.
Trong khi đó, cùng ngày Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy Devos nhấn mạnh "quy định học sinh trở lại trường học vào mùa Thu là cần thiết". Quan chức phụ trách điều phối chiến dịch xét nghiệm quốc gia của Mỹ Brett Giroir cũng cho rằng một số thay đổi "đơn giản" có thể góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Đó là "tránh quán rượu và đeo khẩu trang nơi công cộng". Ông cũng nhấn mạnh Mỹ "quyết tâm không để thua" trong cuộc chiến chống COVID-19. Theo ông Giroir, phát biểu của Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia, là "không đúng 100%" về cách thức nước Mỹ cần tiếp cận với đại dịch và không tính đến "lợi ích quốc gia tổng thể".
Những phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ. Theo trang worldometers, tính đến 6h sáng 13/7 (theo giờ VN), tổng số ca COVID-19 tại Mỹ đã tăng lên 3.411.003, bao gồm 137.770 ca tử vong.
Mỹ Latinh: Nhiều nước vẫn thêm hàng nghìn ca bệnh mỗi ngày
Điểm nóng Brazil ghi nhận 23.869 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca bệnh lên 1.864.681 người, bao gồm 72.100 ca tử vong, tăng thêm 608 ca. Trong khi đó các nước Mỹ Latinh khác như Peru, Chile vẫn ghi nhận thêm hàng ngàn ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Mexico, quốc gia nằm ở khu vực Bắc Mỹ, xác nhận thêm 6.094 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 295.268 người, bao gồm 34.730 ca tử vong.
Châu Âu: Một số nước áp đặt trở lại các hạn chế
Tại châu Âu, Hungary thông báo áp dụng các biện pháp hạn chế mới với hoạt động đi lại qua biên giới từ ngày 14/7 tới, để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh sau khi số ca mắc mới tại một số quốc gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Theo đó, các công dân Hungary trở về từ những quốc gia có nguy cơ dịch bệnh cao, ở các thang đánh giá nguy cơ "vàng" và "đỏ", sẽ được kiểm tra y tế tại biên giới và sẽ được cách ly 14 ngày kể cả khi không mắc bệnh. Những người có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus 5 ngày trước khi nhập cảnh sẽ không phải thực hiện những quy định này. Người nước ngoài đến từ các quốc gia có nguy cơ dịch bệnh ở mức "vàng" sẽ phải tuân thủ những quy định tương tự. Còn lại, những người nước ngoài đến từ quốc gia có nguy cơ dịch bệnh ở mức "đỏ" sẽ không được phép nhập cảnh.
Tại Anh, khoảng 200 nhân viên làm việc tại một nông trang vùng West Midlands của vùng England ngày 12/7 đã được yêu cầu cách ly sau khi ít nhất 73 người trong số họ dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện nông trang AS Green & Co thuộc hạt Herefordshire cũng đã được phong tỏa. AS Green & Co là nông trang rau chuyên cung cấp cho các siêu thị.
Theo Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, mỗi tuần ở Anh phát hiện ra hơn 100 ổ dịch nhỏ lẻ tại các địa phương, chính quyền phải tiến hành phong tỏa khoanh vùng, đồng thời tiến hành xét nghiệm tại nhà cho mọi người dân sống trong khu có ổ dịch. Thống kê công bố cùng ngày cũng cho thấy số ca mắc mới COVID-19 được xác nhận tại Anh đã giảm từ mức đỉnh hơn 6.000 hồi tháng 4 xuống còn 650 trong ngày 12/7, trong bối cảnh nhà chức trách đã tăng cường xét nghiệm.
Vùng Andalusia ở miền Nam Tây Ban Nha sẽ trở thành vùng thứ 4 ở nước này quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, cả ở không gian trong nhà và ngoài trời. Quy định này, có hiệu lực từ ngày 14/7 tới, được đưa ra nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan trong bối cảnh xuất hiện các ổ dịch lớn tại nhiều khu vực trên cả nước.
Tại Pháp, nhóm 14 bác sĩ thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau đã kêu gọi chính phủ nước này ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn trong vấn đề đeo khẩu trang. Trước thực trạng nhiều người dân Pháp bắt đầu lơ là thực hiện các khuyến cáo phòng dịch cơ bản như giữ khoảng cách xã hội, các bác sĩ khuyến cáo thực hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi cộng cộng, kể cả ở bên trong các tòa nhà, cũng như giữ khoảng cách an toàn với người xung quanh và rửa tay thường xuyên.
Australia: Bang Victoria ở "giai đoạn nguy hiểm"
Ngày 12/7, bang Victoria phát hiện thêm 273 ca mắc mới, đánh dấu tròn một tuần bang đông dân thứ 2 ở nước này ghi nhận số ca bệnh trong ngày ở mức 3 con số. Phát biểu họp báo, Thống đốc bang Daniel Andrews cảnh báo bang Victoria đang trong "giai đoạn nguy hiểm", đồng thời khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng dịch và hạn chế ra khỏi nhà. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp ở bang Victoria, 7 bang và vùng lãnh thổ khác của Australia đã cấm những người đến từ Victoria để ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 2.
Tại châu Á, chỉ trong một ngày, Ấn Độ phát hiện thêm 29.108 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số bệnh nhân COVID-19 tại quốc gia lên 879.466 người, trong đó có 23.187 trường hợp tử vong. Hiện Ấn Độ đứng thứ 3 thế giới về số ca nhiễm và thứ 8 về số ca tử vong. Do nóng lòng muốn khởi động nền kinh tế bị tê liệt do dịch bệnh và đưa hàng triệu người dân quay trở lại làm việc, Chính phủ Ấn Độ đầu tháng 6 vừa qua đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa với 1,3 tỷ dân được áp đặt hồi tháng 3. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh các ca nhiễm mới đã buộc một số bang và thành phố công nghiệp lớn tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Tại Iran, lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã mô tả làn sóng lây nhiễm trở lại COVID-19 ở nước này là "thực sự đáng buồn" và kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm giúp kiểm soát dịch bệnh.
Iran ghi nhận 2.186 ca mắc COVID-19 trong ngày 12/7, nâng tổng số ca bệnh lên 257.303 người, bao gồm 12.829 ca tử vong.
Trong khi đó, sau 5 ngày liên tiếp không phát hiện thêm ca mắc COVID-19, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế đi lại được áp đặt sau khi bùng phát ổ dịch tại khu chợ bán buôn Tân Phát Địa hồi đầu tháng 6. Theo đó, người dân từ các khu vực có nguy cơ rủi ro thấp có thể tự do ra vào Bắc Kinh. Theo thông báo mới nhất của Ủy ban Y tế Bắc Kinh hôm 12/7, tổng số ca nhiễm tại thành phố, kể từ khi cụm dịch mới được phát hiện tại chợ đầu mối Tân Phát Địa ngày 11/6, hiện là 335. Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) đã công bố báo cáo cho biết tình hình dịch bệnh liên quan tới chợ đầu mối này đã được kiểm soát hiệu quả.
Hong Kong (Trung Quốc) lo ngại tình hình dịch mất kiểm soát
Chiều 12/7, Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục ghi nhận 38 ca mới mắc COVID-19, trong đó có 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 13 ca không rõ nguồn lây. Tổng cộng, Hong Kong ghi nhận 1.469 ca nhiễm, trong đó có 7 ca tử vong.
Nhà chức trách Hong Kong hình dung tình hình có phần mất kiểm soát, nếu người dân tiếp tục buông lỏng các biện pháp phòng dịch thì dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh. Trên truyền thông xã hội, người đứng đầu chính quyền Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga bày tỏ lo ngại dịch bệnh đã lại trở nên nghiêm trọng trong những ngày gần đây.
Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo thông báo thêm 206 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp thành phố này ghi nhận hơn 200 ca mắc mới/ngày. Tới nay, thủ đô của Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 7.927 ca mắc bệnh, chiếm khoảng 1/3 tổng cố ca mắc trên cả nước. Hiện người dân và giới chức Tokyo đang ngày càng lo ngại nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai tại thành phố có 14 triệu dân này.
Hàn Quốc cho biết từ đầu tuần tới, quốc gia này sẽ yêu cầu những khách nhập cảnh đến từ một số quốc gia bị đánh giá là rủi ro cao về dịch bệnh phải có giấy xác nhận xét nghiệm âm tính với virus. Theo website của các Sứ quán Hàn Quốc tại nước ngoài thì danh sách quốc gia bị đánh giá rủi ro cao gồm Bangladesh, Pakistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Hàn Quốc đang chứng kiến số ca nhiễm "nhập khẩu" gia tăng đáng lo ngại từ trung bình 6 ca/ngày hồi tháng 5 lên 11 ca/ngày trong tháng 6 còn tháng 7 này con số đó đã nhảy lên 20 ca/ngày. Đặc biệt, khách nhập cảnh từ 4 quốc gia kể trên có tỷ lệ nhiễm cao.
Tại khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế Campuchia xác nhận thêm 15 trường hợp mắc COVID-19 trong ngày qua, là những công dân Campuchia trở về nước từ Saudi Arabia hôm 10/7. Do tình hình dịch bệnh tại Campuchia có nhiều dấu hiệu tích cực,
Thái Lan đã bắt đầu mở cửa trở lại các cửa khẩu biên giới tại tỉnh Sa Kaeo để phục vụ các thương nhân Campuchia trong 5 giờ mỗi ngày, trong bối cảnh các chợ vùng biên bên phía Thái Lan dần trở lại kinh doanh.
Trong khi đó, dịch vẫn diễn biến phức tạp tại Indonesia. Quốc gia này ghi nhận thêm 1.681 ca mắc bệnh trong 1 ngày qua, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 75.699 người. Số ca tử vong vì dịch bệnh cũng tăng thêm 71 ca lên 3.606 ca. Hiện Indonesia là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý, quốc gia này mới phát hiện một ổ dịch liên quan tới một học viện quân sự, ghi nhận gần 1.300 người có kết quả dương tính với virus. Trong số 1.280 ca được xác nhận nhiễm virus, có 991 học viên còn lại là các nhân viên nhà trường và người thân trong gia đình.
Nam Phi: Nối lại lệnh giới nghiêm trên toàn quốc
Tối 12/7 theo giờ địa phương, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramphosa tuyên bố nước này tiếp tục duy trì lệnh phong tỏa cấp độ 3 song sẽ tăng cường một số biện pháp mạnh mẽ hơn bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này gần chạm mốc 300.000 người.
Tổng thống Ramaphosa cho biết bắt đầu từ ngày 13/7, nước này cấm mọi hoạt động mua bán đồ uống có cồn, đồng thời tái áp dụng lệnh giới nghiêm toàn quốc vào ban đêm. Ông cũng yêu cầu siết chặt quy định về việc bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng, công sở và trường học.
Tính đến hết ngày 12/7, Nam Phi ghi nhận 276.242 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong đó có 4.079 trường hợp tử vong và 127.715 người khỏi bệnh. Hiện tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại nước này nằm ở mức 1.5%, thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình 4.4% trên thế giới.