Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (40.993 ca), Anh (38.009 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (23.948 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.158 ca), Romania (394 ca) và Ukraine (336 ca).
Như vậy, Nga tiếp tục đứng đầu thế giới về cả số ca mắc và tử vong mới. Số ca mắc mới ở Nga nói trên cũng là mức cao kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát ở nước này. Nga đang đứng thứ 5 thế giới xét về tổng ca mắc (trên 8,5 triệu ca) và tổng ca tử vong (trên 238.000 ca).
Xét từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia có tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với trên 46,8 triệu ca mắc và trên 766.000 ca tử vong.
Trong bối cảnh dịch bùng trở lại ở một số quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Quốc gia Gamaleya (Nga), ông Alexander Gintsburg cho biết những người đã tiêm vaccine COVID-19 vẫn có thể nhiễm bệnh vì chủng Delta có đặc tính tương tác đặc biệt với cơ thể.
Ông Gintsburg giải thích: “Người tiêm chủng vẫn bị mắc bệnh vì chủng Delta, các tế bào bộ nhớ không kịp hoạt động. Chủng Delta đã thay đổi bản chất tương tác với các tế bào và tồn tại bên trong các tế bào”. Ông Gintsburg cho biết thêm virus đã kịp xâm nhập vào các tế bào, do mức kháng thể bắt đầu giảm kể từ 6-8 tháng sau khi tiêm chủng và các tế bào nhớ còn lại bắt đầu sản xuất kháng thể vào ngày thứ 2 hoặc thứ 4 sau khi mắc bệnh, “song đã muộn”. Theo ông Gintsburg, virus lây lan từ tế bào này sang tế bào khác mà không rời khỏi chúng và tích tụ với số lượng rất lớn. Để liên tục có lượng kháng thể cao trong máu, cần tiêm nhắc lại sau mỗi 6 tháng.
Ngày 29/10, bác sĩ, Phó tiến sĩ y khoa Boris Churadze nhắc lại rằng khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, điều quan trọng là phải trải qua tất cả các giai đoạn tiêm chủng, nếu không sẽ có nguy cơ mắc COVID-19. Trước đó một ngày, ông Denis Protsenko, Bác sĩ trưởng Bệnh viện số 40 chuyên điều trị COVID-19 ở Kommunarka, Moskva đã cảnh báo người dân Nga rằng nguy cơ mắc bệnh sẽ xuất hiện trở lại ở người đã khỏi bệnh COVID-19 trong 6 tháng.
Dịch COVID-19 đang lây lan nhanh ở Trung Quốc
Số liệu thống kê của Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc trong khoảng thời gian từ ngày 17-29/10, nước này đã ghi nhận 377 ca mắc mới COVID-19.
Theo người phát ngôn NHC Mễ Phong, trong 14 ngày qua, đã có 14 tỉnh, thành của Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm mới lây lan trong cộng đồng hoặc các ca nhiễm không có triệu chứng. Ông thừa nhận "đợt dịch lần này vẫn đang diễn biến nhanh chóng".
Hắc Hà - một thành phố nhỏ với 1,3 triệu dân ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, giáp giới với Nga, thông báo có 26 ca mắc mới trong ngày 29/10, tăng gần gấp 3 so với 1 ngày trước đó. Giới chức NHC cho biết kết quả theo dõi và giải mã gene cho thấy ổ dịch ở Hắc Hà không liên quan đến đợt bùng phát dịch đang diễn ra ở vùng Tây Bắc Trung Quốc. Điều này cho thấy nguồn lây nhiễm có thể thâm nhập từ nước ngoài.
Tuần trước, NHC nhận định các ca nhiễm được phát hiện kể từ ngày 17/10 ở các vùng miền Bắc và Tây Bắc nước này có thể bắt nguồn từ nước ngoài.
Các thị trấn biên giới của Trung Quốc - những nơi có tương đối ít nguồn lực, có xu hướng bị thiệt hại nhiều hơn so với các thành phố lớn khi dịch bệnh bùng phát. Nhà chức trách các thành phố lớn cam kết sẽ kiểm soát nghiêm ngặt các sự kiện quốc tế quan trọng để giảm thiểu nguy cơ virus thâm nhập từ bên ngoài vào.
Phát biểu khi đi thị sát các thành phố Lan Châu và Thiên Thủy, thuộc tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc, Phó Thủ tướng nước này Tôn Xuân Lan đã hối thúc thực thi các biện pháp quyết liệt và hiệu quả nhằm kiểm soát sự gia tăng trở lại các ca mắc mới COVID-19. Bà nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tăng cường xét nghiệm axit nucleic, cũng như đẩy nhanh việc điều tra dịch tễ nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Theo bà, giới chức các địa phương cần nỗ lực ngăn chặn các ca nhập cảnh và việc tái bùng phát dịch bệnh tại địa phương, đồng thời thúc đẩy việc xây dựng hệ thống ứng phó khẩn cấp về y tế công cộng ở các khu vực miền Tây.
Số ca nhiễm trong đợt dịch lần này tại Trung Quốc vẫn thấp so với nhiều quốc gia khác. Hiện Trung Quốc vẫn duy trì chính sách "Zero COVID-19", kiểm soát chặt chẽ các khu vực biên giới và cảng biển nhằm ngăn chặn các ca nhập cảnh. Để tổ chức Olympic mùa Đông Bắc Kinh, dự kiến diễn ra vào tháng 2/2022 an toàn, các vận động viên và nhân viên người Trung Quốc tham gia sự kiện này phải được tiêm mũi vaccine tăng cường, trong khi các vận động viên nước ngoài được khuyến khích, nhưng không bắt buộc, tiêm mũi vaccine thứ 3.
Trung Quốc đang đặt mục tiêu hoàn thành việc tiêm chủng cho trẻ em từ 3-11 tuổi vào cuối tháng 12 tới. Tính đến nay, khoảng 75,8% trong số 1,4 tỷ người dân nước này đã hoàn thành việc tiêm chủng, và những người đủ điều kiện đang được tiêm mũi tăng cường.
Trong khi đó, chính quyền thành phố Cáp Nhĩ Tân, thuộc tỉnh Hắc Long Giang (Đông Bắc Trung Quốc), ngày 31/10 quyết định ngừng hình thức học trực tiếp đối với các cấp học mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở trong một tuần, bắt đầu từ ngày 1/11, để kiểm soát dịch COVID-19. Quyết định trên được đưa ra sau khi Sở Y tế tỉnh Hắc Long Giang ngày 30/10 ghi nhận 19 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Hàn Quốc bắt đầu tiêm phòng cho trẻ 12 đến 15 tuổi
Từ ngày 1/11, Hàn Quốc bắt đầu tiêm vaccine Pfizer phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 15 (trẻ có năm sinh từ 2006 đến 2009). Đây là một trong các biện pháp được áp dụng nhằm hiện thực hóa kế hoạch 3 giai đoạn “Chung sống với COVID” mà Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố. Cũng bắt đầu từ ngày 1/11, Hàn Quốc sẽ tiêm mũi nhắc lại cho những bệnh nhân suy giảm miễn dịch như bệnh nhân ung thư máu, bệnh nhân ghép tạng và những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Thông tin từ cơ quan phòng chống dịch quốc gia cho biết từ ngày 18/10, Hàn Quốc bắt đầu nhận đăng ký tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi và tính đến hết ngày 30/10, tỷ lệ đăng ký tiêm chủng khá thấp ở mức 26,4% tương đương với khoảng 493.055 trẻ đăng ký. Tỷ lệ đăng ký tiêm chủng cho trẻ em có thể bị ảnh hưởng bởi vừa qua xảy ra trường hợp một học sinh lớp 10 tử vong, 75 ngày sau khi tiêm vaccine Pfizer vào hôm 13/8. Hiện nguyên nhân tử vong vẫn chưa được công bố.
Bắt đầu từ 15/11, Hàn Quốc cũng tiến hành tiêm bổ sung cho nhân viên y tế, những người ở độ tuổi 50 trở lên và có bệnh nền cùng những đối tượng thuộc nhóm ưu tiên như công an, quân đội.
Về nguyên tắc, có thể tiêm mũi nhắc lại 6 tháng sau lần tiêm chủng đủ 2 mũi. Tuy nhiên, đối với những người bị suy giảm miễn dịch thì có thể tiêm bổ sung 2 tháng sau đó khi hoàn thành 2 mũi và được khám sàng lọc. Tiêm vaccine bổ sung có thể được tiến hành nhiều lần theo khuyến cáo của bác sĩ ở vào thời điểm nhất định để củng cố tác dụng phòng bệnh.
Lào lên kế hoạch mở lại các trường học trên cả nước
Chính phủ Lào ngày 31/10 quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch đến ngày 14/11, đồng thời lên kế hoạch để sớm mở cửa lại các trường học trên cả nước.
Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Lào nêu rõ trong bối cảnh dịch bệnh đã và đang lây lan ở 17/18 tỉnh thành trên cả nước, với số ca mắc mới lên tới trên 500 người/ngày trong suốt tháng 10 vừa qua, tăng 27,6% so với tháng 9/2021, việc kéo dài các biện pháp hạn chế là cần thiết để người dân Lào và công dân nước ngoại đang sống ở Lào được bảo vệ tối đa khỏi đại dịch, đồng thời giúp giảm thiểu các trường hợp tử vong. Thông báo nhấn mạnh song song với các biện pháp hạn chế, chính phủ cũng có các biện pháp nới lỏng để tạo điều kiện cho người dân sống trong điều kiện bình thường mới.
Tại các khu vực có các ca lây nhiễm trong cộng đồng, Chính phủ Lào sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống. Các nhà máy trong khu vực dân cư có lây nhiễm cộng đồng trong nhà máy hoặc trong khu dân cư cũng phải đóng cửa, ngoại trừ những nhà máy được Ủy ban phòng chống COVID-19 cho phép hoạt động.
Tại các địa phương không có các ca lây nhiễm trong cộng đồng, các cơ sở giáo dục ở mọi cấp học được đều phép mở cửa.
Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Lào cũng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Thể thao chuẩn bị các biện pháp và khuyến nghị để mở cửa trở lại các trường học và cơ sở giáo dục ở mọi cấp học trên cả nước; khẳng định việc mở cửa sẽ chỉ được phép đối với các trường đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết và được sự cho phép của Ủy ban Phòng chống COVID-19 cấp tỉnh có liên quan.
Campuchia khởi động chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ 5 tuổi
Ủy ban Quốc gia Campuchia về tiêm vaccine ngừa COVID-19 thông báo chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 5 tuổi sẽ chính thức được khởi động từ ngày 1/11.
Đây sẽ là chiến dịch tiêm chủng thứ 5 liên tiếp sau khi đợt đầu tiên được bắt đầu từ ngày 10/2 vừa qua cho người trên 18 tuổi; đợt hai từ ngày 1/8 cho thanh thiếu niên tuổi từ 12-17; từ ngày 17/9 với trẻ em từ 6-12 tuổi; trong khi lực lượng tuyến đầu chống dịch được tiêm mũi tăng cường vào đầu tháng 8. Hiện chưa có thông báo về số lượng trẻ em 5 tuổi được tiêm trong đợt này nhưng chiến dịch tiêm chủng thứ 5 cho thấy quyết tâm của Campuchia trong việc đạt mục tiêu tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho 91% trong tổng 16 triệu người dân nước này vào cuối năm nay.
Theo báo cáo của Bộ Y tế Campuchia, lần đầu tiên kể từ tháng 4, số ca nhiễm được ghi nhận trong ngày tại nước này giảm xuống dưới mức 100 ca. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận 95 ca mắc mới và 7 ca tử vong. Đây là ngày thứ 30 liên tiếp số ca mắc mới ở mức thấp trong bối cảnh Campuchia đang thực hiện “trạng thái bình thường mới”.
Tính đến nay, tổng số ca mắc tại Campuchia là 118.522 ca, trong đó 2.788 trường hợp tử vong.
Australia nới lỏng kiểm soát biên giới lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020
Ngày 1/11, Australia bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế biên giới được áp đặt trong 18 tháng qua với việc cho phép khoảng 14 triệu người dân nước này đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 tại các bang Victoria, New South Wales và thủ đô Canberra được phép đi lại tự do, bao gồm cả việc ra nước ngoài và nhập cảnh trở lại khi quay về.
Khoảng 47.000 công dân Australia và người có thẻ đăng ký thường trú tại nước này nhưng đang ở nước ngoài cũng được phép nhập cảnh trở lại. Theo đó, nhiều gia đình đã được đoàn tụ lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm ngoái.
Sau một thời gian dài áp dụng các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ nhất thế giới, đến nay Australia đã chuyển từ chiến lược “zero COVID” sang sống chung với virus SARS-CoV-2 thông qua hoạt động tiêm chủng mở rộng. Đến nay, hơn 80% trong số những người trên 16 tuổi ở 2 bang lớn nhất Australia và Lãnh thổ Thủ đô (ACT) đã được tiêm phòng vaccine đầy đủ, một điều kiện để nối lại hoạt động đi lại quốc tế.
Australia đã đóng cửa biên giới khi đại dịch bắt đầu bùng phát và chỉ cho phép một số công dân và thường trú nhân trở về từ nước ngoài, với thời gian cách ly 14 ngày bắt buộc trong khách sạn.
Mặc dù Sydney và Melbourne phải phong tỏa trong nhiều tháng, nhưng số ca mắc COVID-19 tại Australia vẫn thấp hơn nhiều nước với trên170.500 ca nhiễm và 1.735 trường hợp tử vong. Đến nay, hơn 77% người Australia đủ điều kiện đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, trong khi hơn 88% đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Mỹ cho phép trẻ em nước ngoài nhập cảnh không cách ly
Ngày 30/10, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ thông báo du khách nước ngoài dưới 18 tuổi đến Mỹ bằng máy bay không cần tự cách ly sau khi nhập cảnh.
Giám đốc CDC Rochelle Walensky đã ký quyết định sửa đổi về quy định cách ly đối với trẻ em nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ. Cụ thể, trẻ dưới 18 tuổi chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 không cần tự cách ly trong vòng 7 ngày sau khi nhập cảnh. Trước đó, một chỉ thị của CDC đã khiến nhiều người nước ngoài lo lắng trẻ em sẽ bắt buộc phải cách ly trong 1 tuần lễ sau khi đến Mỹ.
Từ ngày 8/11, Mỹ cũng sẽ tháo dỡ các giới hạn nhập cảnh đối với đa số người nước ngoài đã đến Anh, 26 nước thuộc khối Schengen, Ireland, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Iran và Brazil trong vòng 14 ngày trước đó.
Các hãng bay và nhiều tổ chức khác đã kêu gọi CDC Mỹ thay đổi quy định đối với trẻ em người nước ngoài với lý do việc trẻ bắt buộc phải tự cách ly sau khi nhập cảnh sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch quốc tế. Bên cạnh trẻ em, quy định miễn trừ cách ly cũng áp dụng cho công dân nước ngoài đang tham gia các thử nghiệm y khoa.