Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 5/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 18.660.448 ca, trong đó có 702.481 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 11.883.593 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 65.731 ca và 6.074.374 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 4/8, thế giới có 139 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 86 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, xu thế đại dịch bùng phát trở lại đang rõ ràng hơn.
Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới có Ấn Độ (51.282 ca), Brazil (50.256 ca) và Mỹ (47.329 ca); trong khi đó Mỹ (1. 124 ca) và Brazil (1. 117ca) và Ấn Độ (849 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, thứ ba. Nhiều nước đã quyết định lùi thời gian mở cửa nền kinh tế, đồng thời tái áp đặt các biện pháp giãn cách.
Châu Mỹ hiện là điểm nóng nhất của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Mỹ, Brazil, Mexico... Top10 nước có số ca tử vong cao nhất thế giới trong ngày thì châu Mỹ đóng góp tới 6 nước.
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh cho phép mở rộng quyền tiếp cận dịch vụ khám bệnh từ xa đối với 57 triệu người Mỹ - đa số sống tại khu vực nông thôn nghèo.
Sắc lệnh này có ý nghĩa quan trọng khi số ca nhiễm mới tăng vọt trong thời gian gần đây. Tổng thống Trump nhấn mạnh sắc lệnh mới sẽ đảm bảo rằng các dịch vụ khám bệnh từ xa sẽ vẫn tiếp tục được duy trì ngay cả khi tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng được dỡ bỏ.
Cùng ngày, hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ đã lên tiếng hối thúc các nhà lập pháp nước này gác lại những bất đồng chính trị và nhanh chóng thông qua gói cứu trợ COVID-19 mới trong bối cảnh các cuộc thảo luận giữa Nhà Trắng và đảng Dân chủ tại quốc hội lưỡng viện vẫn đang bế tắc.
Tới sáng 5/8, Mỹ hiện có 4.911.245 ca mắc COVID-19 và 160.052 ca tử vong.
Tại châu Âu, Nga hiện là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất khu vực, với 861.423 ca trong khi Anh ghi nhận nhiều ca tử vong nhất với 46.210 ca.
Đức đang đương đầu với làn sóng dịch thứ hai và các nguy cơ từ việc không tuân thủ quy định giãn cách xã hội đang gây uổng phí thành công bước đầu của nước này.
Báo Augsburger Allgemeine ngày 4/8 đăng bài phỏng vấn bà Susanne Johna - Chủ tịch tổ chức Marburger Bund, đại diện cho các bác sĩ ở Đức, cảnh báo mong muốn của người dân về việc được trở lại cuộc sống bình thường và sức ép từ việc phải tuân thủ các biện pháp hạn chế sẽ khiến thành công mà giới chức Đức đạt được cho tới nay bị xóa sạch. Bởi vậy, bà hối thúc người dân tuân thủ quy định giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và thực hiện đầy đủ các biện pháp khử trùng. Theo thống kê, Đức hiện có 212.331 ca nhiễm và 9.232 ca tử vong.
Ngày 4/8, Viện trưởng Viện Virus và Vi sinh vật học thuộc Trường Đại học Y Brandenburg, Giáo sư Frank T. Hufert đã đưa ra cảnh báo về khả năng bùng phát làn sóng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ hai tại Đức.
Cùng ngày, Ủy ban Khoa học Pháp cảnh báo "nhiều khả năng" làn sóng dịch COVID-19 thứ hai sẽ bùng phát vào mùa Thu hoặc mùa Đông năm nay do nước này ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gia tăng rõ rệt trong 2 tuần qua.
Trang chủ của Bộ Y tế Pháp đăng tải tuyên bố của Ủy ban trên nêu rõ tình hình tại Pháp hiện nằm trong tầm kiềm soát, nhưng số ca mắc COVID-19 đang tăng trở lại mùa Hè này. Về ngắn hạn, dịch bệnh trong tương lai chủ yếu phụ thuộc vào chính ý thức phòng bệnh của người dân.
Theo nghiên cứu do các chuyên gia tại Đại học College London cùng trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London thực hiện, nước Anh sẽ đương đầu với làn sóng dịch thứ hai với tốc độ lây lan cao gấp đôi trong mùa Đông năm nay so với thời điểm bắt đầu bùng phát dịch bệnh nếu mở cửa trở lại các trường học mà không triển khai hệ thống xét nghiệm và truy dấu hiệu quả hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết có thể ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ hai nói trên nếu 75% những người có triệu chứng mắc COVID-19 được xét nghiệm và được phát hiện, đồng thời có thể truy dấu 68% số người từng tiếp xúc với những người này, hoặc 87% số người có triệu chứng được phát hiện và 40% những người tiếp xúc với họ được xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2.
Cùng ngày, Chính phủ Anh xác nhận nước này có thể sẽ hạn chế đi lại tại thủ đô London và một số thành phố vùng England. Xác nhận trên được đưa ra khi số liệu chính phủ công bố mới nhất cho thấy số ca phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày 3/8 lên tới 938 trường hợp. Đây là mức lây nhiễm hằng ngày tăng cao nhất tại Anh kể từ ngày 26/6 vừa qua.
Tại Hà Lan, Viện Y tế quốc gia công bố báo cáo cập nhật hàng tuần cho biết trong tuần qua, số ca mắc mới tại nước này đã tăng gần gấp đôi lên 2.588 ca, duy trì xu hướng tăng kể từ khi chính phủ nới lỏng các biện pháp phòng dịch từ đầu tháng 7. Số ca mắc mới trong một tuần tính đến ngày 4/8 tăng 95% so với con số 1.329 ca trong tuần tính đến ngày 28/7 vừa qua.
Ở Ba Lan, nhà chức trách nước này công bố thêm 680 ca mắc và 6 ca tử vong cùng ngày 4/8. Đây là lần thứ 4 trong một tuần số ca mắc trong ngày tăng lên mức cao nhất. Trong số ca mắc mới, hơn 220 ca được xác nhận tại vùng Silesia, miền Nam Ba Lan.
Khu vực này đang chật vật đối phó với một ổ dịch mới bùng phát trong số các công nhân mỏ sau một thời gian tình hình dịch bệnh ổn định. Như vậy, tính đến ngày 4/8, Ba Lan thông báo tổng cộng 48.149 ca mắc và 1.738 ca tử vong.
Tại châu Á, Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nhất, với 1.906.613 ca nhiễm và 39.820 ca tử vong. Tiếp đến là Iran với 314.786 ca nhiễm và 17.617 ca tử vong. Saudi Arabia và Pakistan đều có hơn 280.000 ca nhiễm, trong khi số ca tử vong tại Pakistan cao thứ ba khu vực, với 5.999 ca.
Ở khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản để ngỏ khả năng tái ban bố tình trạng khẩn cấp nếu dịch tiếp tục lan rộng. Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Katsunobu Kato nêu rõ dù chính quyền các địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp để khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, song chính phủ có thể sẽ tái ban bố tình trạng khẩn cấp nếu số ca nhiễm tăng nhanh.
Trước đó, chính quyền tỉnh Okinawa đã ban bố tình trạng khẩn cấp, trong khi nhiều tỉnh, thành khác yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài đường nếu không cần thiết, và yêu cầu các cơ sở kinh doanh đóng cửa sớm.
Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy tốc độ lây lan của dịch bệnh đang gia tăng trong thời gian gần đây tại Nhật Bản. Hiện số ca nhiễm đã vượt ngưỡng 40.000 ca, trong đó có tính cả hơn 700 hành khách và thủy thủ đoàn trên du thuyền Diamond Princess.
Tính riêng tại Tokyo, số ca mắc COVID-19 đã lên tới 14.022 người, trong đó có 309 ca được ghi nhận trong ngày 4/8. Trong tuần từ 28/7 đến 3/8, số ca nhiễm mới bình quân ở thành phố này là 338,3 ca/ngày.
Trước tình hình trên, chính quyền Tokyo đã nâng cảnh báo về dịch bệnh lên mức cao nhất, đồng thời yêu cầu các cửa hàng karaoke, quán bar và cơ sở phục vụ đồ uống có cồn khác phải đóng cửa trước 22h. Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike cũng cảnh báo chính quyền thành phố có thể sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp.
Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia nước này (NHC) cho biết đã ghi nhận thêm 36 ca nhiễm mới tại Trung Quốc đại lục, trong đó có 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, tính đến hết ngày 3/8, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 84.464 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong. 79.030 bệnh nhân đã bình phục và được xuất viện.
Cùng ngày 4/8, Hàn Quốc thông báo có thêm 34 ca nhiễm mới gồm 21 ca nhập cảnh và 13 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 14.423 ca.
Kể từ 12h00 ngày 4/8, chính quyền thành phố Seoul đã nới lỏng lệnh cấm đối với các vũ trường và quán bar, từ mức "cấm tụ tập" sang "hạn chế tụ tập có điều kiện", như tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp phòng dịch, bố trí sẵn khẩu trang tại cơ sở kinh doanh cung cấp cho khách hàng không mang khẩu trang, chỉ định người quản lý phòng dịch, quét mã điện tử "KI-Pass" với các khách hàng.
Ngoài ra, chính quyền thành phố khuyến nghị các cơ sở này lắp đặt và vận hành máy diệt khuẩn không khí. Những cơ sở vi phạm quy tắc phòng dịch sẽ bị chính quyền thành phố áp lại lệnh cấm tụ tập hoàn toàn. Bên cạnh đó, người dân phải tuân thủ nguyên tắc một ngày chỉ được đến một vũ trường hoặc quán bar.
Tại Đông Nam Á, tính tới hết ngày 4/8, số người mắc COVID-19 tại ASEAN là 294.764 ca, trong đó 8.589 người tử vong. Philippines lại trải qua một ngày lập kỷ lục về số ca nhiễm virus mới, với trên 6.300 ca.
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 4/8, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 8.589 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 99 ca tử vong.
Số ca mắc bệnh của Philippines đã gần đuổi kịp Indonesia sau liên tiếp những ngày có số ca mắc mới cao kỷ lục. Từ ngày 4/8, hơn 27 triệu người trên đảo Luzon của Philiipines, bao gồm cả thủ đô Manila đã quay trở lại tình trạng phong tỏa một phần như nhiều tuần trước đây, theo đó người dân phải ở yên trong nhà 2 tuần.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan trên toàn thế giới, WHO cảnh báo chính phủ và công dân nhiều nước cần tập trung vào các biện pháp phòng dịch được đánh giá hiệu quả khi mà chưa có vaccine phòng bệnh, như xét nghiệm, truy xét các trường hợp nghi nhiễm, đảm bảo giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
Cũng liên quan đến việc xác định virus, Israel vừa thực hiện thành công dự án thử nghiệm trí tuệ nhân tạo (AI) để xác định các ổ dịch COVID-19 thông qua việc kiểm tra nước thải.
Dự án, do công ty Kando - chuyên về giải pháp quản lý nước thải thông minh, kết hợp cùng Viện Công nghệ Israel và Đại học Ben Gurion, tiến hành tại thành phố Ashkelon, miền Nam nước này. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ của Kando, bao gồm một loạt cảm biến, đi kèm các thuật toán tiên tiến, AI, Vạn vật kết nối Internet (IoT) và các phương pháp mô hình hóa dữ liệu tiên tiến, để thực hiện dự án này.
Ngày 4/8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo rằng thế giới đối mặt với "thảm họa thế hệ" do các trường học phải đóng cửa trong đại dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh việc học sinh được trở lại trường học an toàn phải là "ưu tiên hàng đầu".
TTK Guterres cho biết, tính đến giữa tháng 7 vừa qua, khoảng 160 quốc gia đã phải đóng cửa trường học, ảnh hưởng đến hơn 1 tỷ học sinh và ít nhất 40 triệu trẻ em bị nhỡ khóa học mầm non. Trước khi đại dịch bùng phát, trên thế giới đã có hơn 250 triệu trẻ em không được đến trường và chỉ 25% số học sinh trung học ở các nước đang phát triển hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản.
Trong bài phát biểu phát động chiến dịch mang tên "Hãy cứu tương lai của chúng ta", TTK LHQ Guterres nhấn mạnh rằng thế giới đang phải đối mặt với một thảm họa thế hệ có thể lãng phí tiềm năng con người, hủy hoại hàng thập kỷ tiến bộ và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng cố hữu.