COVID-19 tới 6 giờ 26/6: Biến chủng Delta gây lo ngại toàn cầu; Thế giới trên 165 triệu người đã khỏi bệnh

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 395.992 trường hợp mắc COVID-19 và 8.201 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu trên 181 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,92 triệu người không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Hành khách mặc trang phục bảo hộ nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại sân bay quốc tế ở Santiago, Chile. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 26/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 181.154.898 ca, trong đó có 3.924.200 người tử vong.

Số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, với châu Á, Brazil hiện là những vùng dịch “nóng nhất”. Một số nước châu Âu tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 165.740.277 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 11.490.421 ca và 80.532 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 16/6/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 25/6, thế giới có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 89 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34.481.220 ca mắc và 619.126 ca tử vong. Tuy nhiên, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, số ca mắc mới theo ngày tại Mỹ đang giảm rõ rệt. Chính do đó, trong cuộc thảo luận giữa các quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ), Mỹ đã nhất trí tổ chức tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng (ĐHĐ) LHQ theo hình thức trực tiếp vào tháng 9 tới, với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 nghiêm ngặt.

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại sân bay Helsinki, Phần Lan, ngày 21/6/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại châu Âu, trong khi nhiều nước từng bước nới lỏng biện pháp hạn chế phòng dịch thì tình hình dịch COVID-19 vẫn rất phức tạp ở Nga, Anh và Bồ Đào Nha. Ngày 25/6, Nga tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao nhất kể từ cuối tháng 1 vừa qua với 20.293 ca, đưa tổng số ca mắc lên 5.409.088 ca (cao thứ 5 trên thế giới sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Pháp), trong đó có 132.064 ca tử vong. Tuy nhiên, Nga đang đối mặt tình trạng thiếu hụt vaccine do nhu cầu tiêm chủng ngày càng tăng cao.

Tại Anh, tình hình dịch bệnh cũng đang nóng lên. Theo cơ quan y tế vùng England, chỉ trong 7 ngày qua, nước này ghi nhận 35.204 ca nhiễm biến thể Delta. Biến thể này chiếm tới 96% số ca mắc COVID-19 tại Anh. Đáng chú ý, tại vùng England đã phát hiện 1 biến thể mới có tên là Lambda ở 6 trường hợp phát hiện mắc COVID-19 trong khoảng thời gian từ 23/2 đến 7/6. Năm trong số 6 ca này từng đi ra nước ngoài.

Nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch từ Anh, kể từ ngày 26/6, Bỉ cấm người dân du lịch đến Anh và những quốc gia có nguy cơ rất cao do sự xuất hiện của các biến thể đáng lo ngại. Theo quy định mới của Bỉ, các công dân và cư dân Bỉ không nên du lịch tới những quốc gia trên trong trường hợp không cấp thiết và ngược lại, hành khách từng lưu trú trong 14 ngày ở những nước “có nguy cơ rất cao” sẽ không được nhập cảnh vào Bỉ, trừ khi họ là công dân hoặc cư trú tại Bỉ.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 1/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong số 26 quốc gia có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh có Brazil, Argentina, Ấn Độ, Gruzia và Tunisia. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 25/6 cũng hối thúc lãnh đạo các nước châu Âu khác đưa ra giải pháp đồng bộ đối với hoạt động đi lại đến và đi từ Anh để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong khối Liên minh châu Âu (EU).

Còn tại Bồ Đào Nha, các quy định phòng dịch tại vùng thủ đô Lisbon và điểm du lịch hút khách Albufeira ở vùng Algarve đang được siết chặt trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 gia tăng đe dọa mùa du lịch Hè ở nước này. Theo quy định mới, từ 15h ngày 25/6 đến 6h ngày 28/6, người ra hoặc vào vùng thủ đô sẽ phải trình xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hoặc chứng nhận đã tiêm phòng. Xét nghiệm phải là loại PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 1/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài ra, các nhà hàng, quán cà phê và các cửa hàng không thiết yếu trên toàn vùng phải đóng cửa từ 15h30 trong hai ngày cuối tuần. Siêu thị và các cửa hàng tạp hóa phải đóng cửa từ 19h. Các quy định trên cũng được áp dụng tại hai thành phố khác, trong đó có Albufeira ở vùng Algarve (miền Nam), nơi nổi tiếng với những bãi biển và sân goft. Các biện pháp này sẽ được đánh giá lại hằng tuần và có thể được duy trì cho đến khi tình hình cải thiện.

Các số liệu từ cơ quan y tế Bồ Đào Nha cho thấy hơn 50% số ca mắc tại thủ đô Lisbon là các ca nhiễm biến thể Delta. Ngày 24/6 nước này ghi nhận 1.556 ca nhiễm mới trên cả nước, mức cao nhất kể từ cuối tháng 2, thời điểm quốc gia hơn 10 triệu dân này vẫn đang phong tỏa. Đến nay, Bồ Đào Nha đã ghi nhận tổng cộng 689.879 ca mắc và 17.079 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 21/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, do tỷ lệ mắc COVID-19 giảm nhờ chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh, Tây Ban Nha thông báo gỡ bỏ những quy định về hạn chế số lượng khán giả theo dõi trực tiếp tại các trận thi đấu bóng đá và bóng rổ chuyên nghiệp từ mùa giải tới. Theo đó, chính quyền các địa phương có thể tự quyết định người hâm mộ có được theo dõi trực tiếp trận đấu trên sân hay không, cũng như số lượng người có thể tham dự.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ tháng 3/2020, các địa điểm thi đấu 2 bộ môn thể thao nói trên đều không có khán giả theo dõi trực tiếp. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh sẽ được phép mở cửa trở lại ở những vùng có số ca mắc thấp, trong khi quy định đeo khẩu trang ngoài trời sẽ được dỡ bỏ từ ngày 26/6. Hiện khoảng 29% dân số đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 và 48% đã tiêm ít nhất 1 mũi.

Chú thích ảnh
Bầu không khí sôi nổi do các cổ động viên tạo nên tại Fanzon cổ vụ cho đội tuyển Nga tại VCK Euro 2020, song kèm với đó là nỗi lo dịch COVID-19 tái bùng phát. Ảnh: TTXVN

Ngày 25/6, ông Christoph Berger, người đứng đầu Ủy ban Liên bang về Tiêm chủng của Thụy Sĩ, cảnh báo nguy cơ từ biến thể Delta, song cũng cho rằng người dân không nên quá lo ngại vào thời điểm này. Hiện Chính phủ Thụy Sĩ đang theo dõi hết sức chặt chẽ sự lây nhiễm của biến thể Delta trong bối cảnh tiêm chủng vẫn chưa đạt mức miễn dịch cộng đồng.

Ông Berge khẳng định Thụy Sĩ đã chuẩn bị kỹ lưỡng ứng phó cho biến thể Delta của COVID-19 được biết là dễ lây lan hơn những biến thể khác, nhưng những người tiêm vaccine đầy đủ được bảo vệ gần như 90%. Ông Berger cũng nhấn mạnh rằng tình hình ở Thụy Sĩ khác với Anh, nơi biến thể Delta đã trì hoãn kế hoạch nới lỏng các hạn chế. Các nhà chức trách Anh đã tiêm phòng cho nhiều người càng nhanh càng tốt với một liều, có lẽ là điều đúng đắn nên làm vào thời điểm đó, nhưng hiện nay mọi người cần được bảo vệ bằng hai mũi tiêm.

Biến thể Delta đang gây ra nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch ở 1 số quốc gia nhưng hiện chỉ chiếm khoảng 2% các trường hợp dương tính ở Thụy Sĩ. Bà Virginie Masserey, người đứng đầu bộ phận kiểm soát nhiễm trùng tại Văn phòng Y tế Công cộng Liên bang, thừa nhận rằng sự lây lan của biến thể Delta phải được làm chậm lại trong thời gian cần thiết để tiêm chủng cho người dân.

Chú thích ảnh
Người dân mua hàng tại trung tâm thương mại ở Modiin, Israel, ngày 15/6/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại khu vực Trung Đông, số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt trong vài ngày qua đã buộc Bộ Y tế Israel phải tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng có không gian kín chỉ sau 10 ngày gỡ bỏ. Việc số ca mắc mới tăng trở lại là dấu hiệu đáng lo ngại đối với Israel - một trong những quốc gia hiện có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tính trên đầu người cao nhất thế giới.

Bộ Y tế Israel kêu gọi người dân đeo khẩu trang tại các khu vực ngoài trời tập trung đông người, cụ thể là trong lễ diễu hành thu hút hàng nghìn người tham gia dự kiến diễn ra vào cuối tuần này. Israel ghi nhận mỗi ngày hơn 100 ca mắc mới liên tiếp 4 ngày qua.

Riêng ngày 24/6, nước này ghi nhận 227 ca mắc mới. Theo người đứng đầu cơ quan ứng phó dịch bệnh COVID-19 của Israel, ông Nachman Ash, số ca mắc COVID-19 mới tăng trở lại có thể do sự lây lan của biến thể Delta.

Chú thích ảnh
Người dân đợi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 25/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 36.921 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 91.060 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Myanmar và Campuchia.

Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao như cách đây 1 tháng. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á, thậm chí số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Shah Alam, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành một trong những ổ dịch nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao nhiều ngày liên tiếp và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong trong ngày 25/6 cũng đứng thứ hai toàn khối. Số ca tử vong đang giảm dần ở nước này mấy ngày qua.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là một trong những điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.

Ngày 25/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 82 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 16/6/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua tới 859 ca bệnh COVID-19 mới ghi nhận và 7 ca tử vong.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 25/6 ghi nhận thêm trên 3.644 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 44 người, tăng mạnh so với mấy ngày qua. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng trở lại, số ca tử vong cũng tăng một cách đáng ngại.

Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 699 bệnh nhân mới và 16 ca tử vong trong một ngày qua. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở Viêng Chăn, Lào, ngày 17/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 91.069 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 689 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 4.702.569 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 4.244.944 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, có 8/11 các nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 25/6: Ca bệnh tăng vọt ở Myanmar; Thái Lan quyết dập nhanh các ổ dịch tại Bangkok
COVID-19 tại ASEAN hết 25/6: Ca bệnh tăng vọt ở Myanmar; Thái Lan quyết dập nhanh các ổ dịch tại Bangkok

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 25/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 36.921 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 91.060 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN