Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua chứng kiến xu thế hạ nhiệt tại nhiều nước. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Song diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines vẫn khá căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào và Việt Nam.
Trước sự xuất hiện của chủng virus mới được coi là siêu lây nhiễm Omicron ở Nam Phi, ngày 6/12, thêm nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách từ các quốc gia ở phía Nam châu Phi.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể.
Diễn biến dịch khá nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, khi số ca tử vong vẫn cao dù số ca mắc mới không tăng mạnh. Ngày 6/12, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 113 trường hợp, cao thứ hai khu vực sau Việt Nam.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 231, song tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày qua có xu thế hạ nhiệt. Việt Nam ngày 6/12 dẫn đầu Đông Nam Á với trên 14.000 ca mắc mới và 223 ca tử vong.
Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 6/12 ghi nhận thêm trên 4.000 ca bệnh mới và 22 người tử vong.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 16 bệnh nhân mới và 3 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã mở cửa lại đất nước.
Trong khi đó, số ca mắc mới tại Lào vẫn tăng cao mấy ngày qua, với trên 800 trường hợp trong ngày 6/12.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á ngày 6/12:
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Indonesia |
4,257,815 |
+130 |
143,876 |
+9 |
4,108,297 |
Philippines |
2,835,154 |
+543 |
49,499 |
+113 |
2,772,107 |
Malaysia |
2,658,772 |
|
30,614 |
|
2,566,159 |
Thái Lan |
2,145,241 |
+4,000 |
20,964 |
+22 |
2,055,265 |
Việt Nam |
1,323,683 |
+14,591 |
26,483 |
+223 |
1,010,407 |
Myanmar |
524,638 |
+231 |
19,146 |
+5 |
500,701 |
Singapore |
269,211 |
|
759 |
|
259,556 |
Campuchia |
120,272 |
+16 |
2,963 |
+3 |
116,627 |
Lào |
80,722 |
+889 |
210 |
+3 |
7,339 |
Brunei |
15,202 |
+16 |
98 |
|
14,837 |
Tổng thống Indonesia tuyên bố bước đầu kiểm soát thành công đại dịch
Tại Jakarta, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) ngày 6/12 cho biết nước này là một trong 5 quốc gia trên thế giới đã kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 ở cấp độ 1, nhờ sự nỗ lực và hợp tác chung của tất cả các bên.
Theo Tổng thống Jokowi, thành công này thể hiện khả năng của quốc gia trong việc biến những thách thức, khó khăn thành cơ hội. Indonesia đã xem xét rất kỹ lưỡng và thận trọng khi ban hành các chính sách để có thể kiểm soát đại dịch COVID-19, đồng thời khôi phục nền kinh tế.
Đại dịch COVID-19 là một trong những thách thức lớn, gây gián đoạn và buộc nước này và thế giới phải thực hiện các phương pháp phòng chống dịch bệnh mới. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 196 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số trường hợp mắc bệnh kể từ tháng 3/2020 đến nay lên 4.257.685.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Lào
Tại Viêng Chăn dẫn thông báo của Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 889 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố, trong đó có 4 ca nhập cảnh và 3 ca tử vong do COVID-19. Đáng chú ý, cả 3 trường hợp tử vong đều chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Bộ Y tế Lào nêu rõ sau 1 ngày số ca mắc mới tăng vọt lên 4 chữ số, số ca mắc mới tại nước này trong 24 giờ qua lại giảm mạnh xuống còn 3 chữ số, giảm 475 ca so với một ngày trước đó. Tại thủ đô Viêng Chăn, số ca cộng đồng cũng giảm 395 ca so với ngày 5/12 nhưng vẫn ở mức cao, với 263 ca tại 120 bản thuộc 9 quận, đứng đầu cả nước. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 80.722 ca, trong đó có 210 người tử vong.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tiêm chủng; chuẩn bị đội ngũ y tế, phương tiện, thiết bị và ngân sách cho hoạt động tiêm chủng ở cả đô thị và nông thôn; đồng thời mở rộng điểm tiêm chủng vaccine ở mọi cấp, bao gồm trạm xá hoặc trụ sở chính quyền bản, với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.
Campuchia dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ 10 nước châu Phi
Tại Phnom Penh, tối 5/12, Bộ Y tế Campuchia đã ban hành quyết định dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách đến hoặc quá cảnh từ 10 quốc gia châu Phi, đồng thời thông báo một số sửa đổi về thủ tục cách ly và xét nghiệm đối với người nhập cảnh.
Cụ thể, Bộ Y tế Campuchia quyết định dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với khách du lịch đến từ 10 quốc gia châu Phi gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia, hoặc đã từng đến các nước này trong thời gian 3 tuần trước khi nhập cảnh Campuchia.
Ngoài ra, bộ trên đưa ra Quy trình tiêu chuẩn (SOP) để quản lý du khách nhập cảnh từ 10 quốc gia châu Phi và các “quốc gia chú ý nhập cảnh” khác. Theo đó, khách nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV- 2 gây bệnh COVID-19, được thực hiện 72 giờ trước khi nhập cảnh Campuchia và do cơ quan y tế của quốc gia xuất cảnh hoặc quốc gia phát hành hộ chiếu công nhận.
Khi nhập cảnh Campuchia, khách nước ngoài sẽ được xét nghiệm nhanh COVID-19. Trong trường hợp có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính, khách nhập cảnh phải xét nghiệm PCR bổ sung tại một cơ sở do Bộ Y tế hoặc cơ quan chức năng chỉ định. Nếu có kết quả xét nghiệm PCR dương tính, khách nhập cảnh cần phải điều trị.
Trong trường hợp có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, khách nước ngoài sẽ thực hiện cách ly 7 ngày tại khách sạn và làm xét nghiệm PCR vào ngày cách ly thứ 6. Trong trường hợp không ở khách sạn, khách nước ngoài phải đặt cọc 1.000 USD cho các chi phí cách ly 7 ngày tại nơi cách ly do Bộ Y tế hoặc chính quyền chỉ định.
Quy định mới cũng yêu cầu khách nước ngoài chưa tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 phải thực hiện cách ly 14 ngày sau khi đã hoàn thành quy trình SOP. Khách nước ngoài đến Campuchia có thể mua bảo hiểm y tế COVID-19 thông qua Bảo hiểm Forte tại địa chỉ https://www.forteinsurance.com/covid-19-insurance.