COVID-19 tại ASEAN hết 5/6: Ca mắc mới ở Malaysia cao nhất khối; Dịch bệnh tại Campuchia vẫn đáng ngại

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 5/6, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 24.633 ca mắc COVID-19 và 505 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 4.156.044 ca, trong đó 81.267 người tử vong.

Trong ngày 5/6, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Malaysia với 7.452 ca. Tiếp đó là Philippines với 6.955 ca, Indonesia với 6.594 ca, Thái Lan với 2.817 ca, Campuchia với 538 ca. Các nước còn lại ghi nhận trên dưới 200 ca mắc mới.

Về số ca tử vong, có 6 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Philippines (195 ca), Indonesia (153 ca), Malaysia (109 ca), Thái Lan (36 ca), Campuchia (10 ca) và Việt Nam (2 ca).

Tình hình dịch bệnh tại Campuchia tiếp tục diễn biến gây lo ngại

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch COVID-19 tại Campuchia tiếp tục diễn biến gây lo ngại. Bộ Y tế Campuchia ngày 5/6 thông cáo có thêm 538 ca nhiễm mới ở nước này trong 24 giờ qua, bao gồm 509 ca lây nhiễm cộng đồng và 29 ca nhập cảnh, và có thêm 10 ca tử vong.

Như vậy tính đến nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 33.613 ca mắc COVID-19, trong đó 26.078 bệnh nhân đã hồi phục và 252 ca tử vong.

Trước đó, Bộ Y tế Campuchia ra thông báo phát hiện biến thể B.1.617 của virus SARS-CoV-2 ở nước này dựa trên kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Campuchia đối với 3 trường hợp nhập cảnh từ Thái Lan. Bộ đã chỉ đạo khẩn tới bệnh viện các tỉnh tăng cường công tác phòng chống dịch, thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế đảm bảo an toàn, cách ly tuyệt đối bệnh nhân COVID-19, tăng cường công tác truy vết, kể cả những trường hợp nghi nhiễm, địa điểm lây nhiễm.

Lào ghi nhận 5 ca nhiễm mới

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Lào, ngày 5/6, Bộ Y tế thông báo nước này ghi nhận 5 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, gồm 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn và 3 ca nhập cảnh được cách ly ngay ở tỉnh khác.

Ngày 5/6 là ngày đầu tiên Lào gia hạn phong tỏa lần 3 với một số biện pháp nới lỏng bên cạnh việc siết chặt quy định tại các khu vực Đỏ. Hiện tại, thủ đô Viêng Chăn đang có 21 khu vực thuộc 7 quận, huyện được quy định là khu vực Đỏ có nguy cơ lây nhiễm cao.

Liên quan việc thực hiện các biện pháp phòng dịch mới, bến xe phía Nam thành phố Viêng Chăn ngày 5/6 thông báo sẽ mở cửa trở lại và đón khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 có ý định đi đến các tỉnh khác.

Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.957 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.693 bệnh nhân khỏi bệnh và 3 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Thái Lan đã có dấu hiệu khả quan 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Yala, Thái Lan, ngày 28/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Lần đầu tiên trong nhiều tuần qua, số người khỏi bệnh ở Thái Lan nhiều hơn số người mắc mới trong 24  giờ. Thái Lan ngày 5/6 ghi nhận 2.817 ca mắc mới và 36 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 174.796 ca và 1.213 ca. Trong khi đó, số bệnh nhân được thông báo khỏi bệnh cùng ngày là 3.396 người. Hiện Thái Lan còn 49.490 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị trong các bệnh viện, trong đó 1.195 người trong tình trạng nguy kịch và 361 người phải thở máy.

Trong khi đó, chính phủ Thái Lan đang tiến hành các cuộc thương lượng để mua 25 triệu liều vaccine của hãng Pfizer và Johnson & Johnson nhằm đạt được mục tiêu tiêm chủng 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay.

Hiện nay, Thái Lan mới chính thức đặt mua được 61 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca và 6 triệu liều của công ty Sinovac (Trung Quốc). Truyền thông sở tại ngày 5/6 dẫn lời Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh Opas Karnkawinpong cho biết nếu có thêm 8 triệu liều vaccine Sinovac cùng 25 triệu liều Pfizer và Johnson & Johnson, Thái Lan sẽ đạt được mục tiêu 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng có kế hoạch đặt mua thêm 50 triệu liều vaccine cho năm tới vì nhiều khả năng sẽ cần phải tiêm nhắc lại, đặc biệt nếu có nhiều biến thể mới xuất hiện.

Vào ngày 7/6 tới, Chính phủ Thái Lan sẽ chính thức bắt đầu chương trình tiêm chủng trên toàn quốc với hy vọng đến cuối tháng 12 sẽ có 50 triệu người, tức 70% dân số, được tiêm, bất chấp việc nhiều bệnh viện phàn nàn về nguồn cung ít ỏi hiện nay. Ông Karnkawinpong cho biết Cục Kiểm soát dịch bệnh ban đầu sẽ phân bổ nguồn cung vaccine theo tuần cho những khu vực cần nhất cho đến khi các lô hàng được giao thường xuyên hơn.

Malaysia tham gia thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine do Trung Quốc sản xuất 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 31/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Malaysia, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Hisham Abdullah cho biết nước này sẽ tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine ngừa COVID-19 do tập đoàn Shenzhen Kangtai Biological Products của Trung Quôc sản xuất. 

Cơ quan Quản lý dược phẩm quốc gia Malaysia (NPRA) ngày 28/5 vừa qua đã cho phép nghiên cứu lâm sàng loại vaccine trên sau khi Trung Quốc cấp phép sử dụng khẩn cấp 2 tuần trước đó. Theo đó, nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine này sẽ được thực hiện tại 8 trung tâm nghiên cứu ở Malaysia với sự tham gia của 3.000 người từ 18 tuổi trở lên với thời gian dự kiến trong vòng từ 15-19 tháng.

Đây là lần thứ hai các thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 được tiến hành tại Malaysia. Tháng 1 năm nay, quốc gia Đông Nam Á này cũng đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vaccine do Viện Y sinh thuộc Viện Hàn lâm khoa học y khoa Trung Quốc (IMBCAM) phát triển. 

Về tình hình dịch bệnh, trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 7.452 ca nhiễm mới và 109 người tử vong, nâng tổng số ca bệnh và tử vong lên lần lượt là 610.574 ca và 3.291 ca. 

Theo Bộ trưởng Y tế Adham Baba, tính đến ngày 4/6, Malaysia đã tiêm tổng cộng 3,42 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 2,29 triệu người đã được tiêm liều đầu tiên và 1,13 triệu người khác đã tiêm đủ 2 liều.

Indonesia kéo dài thời gian cách ly đối với người nhập cảnh

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Nam Tangerang , Indonesia, ngày 28/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ Indonesia có kế hoạch kéo dài thời gian cách ly đối với những người nhập cảnh từ mức 5 ngày lên mức 14 ngày, đặc biệt là đối với những người từ các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Phát biểu họp báo trực tuyến ngày 4/6, người phát ngôn của Chính phủ Indonesia về xử lý dịch COVID-19, ông Wiku Adisasmito nêu rõ: "Nhằm ngăn chặn các ca nhiễm nhập cảnh, chính phủ có kế hoạch kéo dài thời hạn cách ly từ 5 ngày lên 14 ngày đối với người nhập cảnh từ các quốc gia đang trải qua cuộc khủng hoảng COVID-19". Theo ông Adisasmito, việc thay đổi quy định trên sẽ được đưa vào thông tư mới nhất của Lực lượng đặc nhiệm xử lý COVID-19 và sẽ sớm được công bố. Nỗ lực này nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan từ các du khách nước ngoài.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Trung Quốc là nước đầu tiên phê duyệt tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 3 tuổi
Trung Quốc là nước đầu tiên phê duyệt tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 3 tuổi

Nhiều nước đã cho phép tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 18 tuổi, nhưng chưa có bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào phê duyệt tiêm ngừa cho trẻ em ở độ tuổi nhỏ như vậy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN