COVID-19 tại ASEAN hết 31/5: Singapore vào giai đoạn 'bình thường mới'; Thái Lan nới lỏng phòng dịch

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 31/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 25.739 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 78.900 người.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Singapore ngày 14/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Lào và Myanmar.

Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ ba.

Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao thứ hai trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong cũng đứng thứ hai toàn khối.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua.

Ngày 31/5, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ hai khu vực, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 67 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc, một bước đi hết sức cứng rắn và khó khăn.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Malaysia tuần tra khu vực đang bị phong tỏa do xuất hiện các ca bệnh COVID-19 ở Cheras, ngoại ô Kuala Lumpur ngày 28/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 58 ca bệnh mới và có 1 trường hợp tử vong.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 31/5 ghi nhận thêm trên 5.485 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 19 người.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 690 bệnh nhân mới và 5 ca tử vong trong ngày cuối cùng của tháng 5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 78.904 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 373 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 4.036.396 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.648.113 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á ngày 31/5:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 1,821,703 +5,662 50,578 +174 1,669,119
Philippines 1,230,301 +6,684 20,966 +107 1,155,045
Malaysia 572,357 +6,824 2,796 +67 490,038
Thái Lan 159,792 +5,485 1,031 +19 108,345
Myanmar 143,629 +58 3,217 +1 132,319
Singapore 62,051 +23 33   61,459
Campuchia 30,094 +690 214 +5 22,636
Việt Nam 7,321 +214 47   3,029
Timor-Leste 6,994 +97 16   4,352
Lào 1,912 +1 3   1,543
Brunei 242 +1 3   228
Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 trên tàu điện ngầm tại Singapore ngày 14/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Chiều 31/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định những biện pháp trong 2 tuần đầu thực hiện Giai đoạn 2-Cảnh báo cao phòng ngừa dịch COVID-19 vừa qua ở nước này đã giúp giảm các ca lây nhiễm trong cộng đồng, không làm phát sinh các ổ dịch siêu lây nhiễm mới. Theo đó, nếu số ca lây nhiễm tiếp tục giảm, Singapore có thể nới lỏng các biện pháp này sau ngày 13/6.

Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết so với 1 năm trước đây, Singapore có sự chuẩn bị tốt hơn nhiều, với năng lực truy vết và xét nghiệm được nâng cao và đặc biệt chương trình tiêm vaccine cho người dân tiến triển vượt bậc. Ông khẳng định những yếu tố này đã giúp Singapore tránh được quyết định khó khăn là “phong tỏa hoàn toàn”.

Tuy nhiên, theo ông Lý Hiển Long, vấn đề nguy hiểm hiện nay là sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (nhất là biến thể B. 1.1.7 hay là B.1.617.2) có tốc độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn và trong tương lai chắc chắn sẽ còn xuất hiện các biến thể mới khác. Để có thể đối phó với vấn đề này, chiến lược phòng chống đại dịch COVID-19 tại Singapore sẽ liên tục được điều chỉnh. Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định chiến lược của Singapore sẽ tập trung thực hiện nhanh hơn và mạnh mẽ hơn vào 3 biện pháp chính gồm xét nghiệm, truy dấu nguồn lây và tiêm vaccine.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 21/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong cuộc họp báo chiều ngày 31/5, Ủy ban Liên bộ chống COVID-19 (MTF) của Singapore cho biết với việc có thêm các nguồn cung vaccine trong thời gian tới, từ ngày 1/6, Singapore sẽ triển khai việc đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 400.000 học sinh, sinh viên.

Trước đó, Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) đã phê chuẩn việc sử dụng vaccine của Pfizer (Mỹ)-BioNTech (Đức) cho các cá nhân trong độ tuổi từ 12-15 tuổi. Các số liệu và nghiên cứu cho thấy vaccine của Pfizer-BioNTech có hiệu quả và an toàn đối với cá nhân từ 12 tuổi trở lên, còn vaccine của Moderna (Mỹ) có tác dụng và an toàn đối với những người từ 18 tuổi trở lên.

Trên cơ sở đó, Singapore sẽ chỉ sử dụng vaccine Pfizer-BioNTech cho người từ 12 tới 18 tuổi; người từ 18 tuổi trở lên có thể lựa chọn một trong hai loại vaccine này. Đối với số học sinh cần có sự hỗ trợ đặc biệt hoặc gặp khó khăn trong việc tới các trung tâm tiêm chủng, Bộ Giáo dục Singapore (MOE) sẽ triển khai các đội tiêm vaccine lưu động tới tận trường để thực hiện.

Tính đến ngày 30/5, hơn 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm cho người dân tại Singapore, trong đó, gần 2,3 triệu người được tiêm ít nhất một liều và hơn 1,7 triệu người đã được tiêm đủ 2 liều vaccine. Ngoài ra, 72% người đủ điều kiện từ 45-59 tuổi và khoảng 60% người trong độ tuổi từ 40-44 đã được tiêm vaccine hoặc đã đăng ký tiêm vaccine. Hơn 73% người ngoài 60 tuổi đã được tiêm hoặc đã đăng ký lịch tiêm.

Chú thích ảnh
Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 12/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Thái Lan, thủ đô Bangkok sẽ cho phép mở cửa trở lại 5 loại hình kinh doanh từ ngày 1/6, trong bối cảnh địa phương này vẫn dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới COVID-19.

Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban về các bệnh truyền nhiễm của Bangkok ngày 31/5. Ủy ban cho biết việc mở cửa trở lại nhằm giảm bớt gánh nặng đối với công việc kinh doanh bằng cách cho phép hoạt động trong những điều kiện nghiêm ngặt. Các nỗ lực kiểm soát sự bùng phát của COVID-19 trong các cộng đồng, chợ và khu nhà ở của công nhân vẫn đang tiếp tục.

Các loại hình kinh doanh được phép hoạt động trở lại ở Bangkok từ ngày 1/6 bao gồm: bảo tàng, trung tâm học tập, công viên khoa học, di tích lịch sử và phòng trưng bày nghệ thuật (không tham quan theo nhóm); tiệm xăm và tiệm làm móng (phải đóng cửa trong 14 ngày nếu phát hiện bất kỳ ca mắc COVID-19 nào); phòng khám và dịch vụ làm đẹp/giảm cân; cơ sở spa, mát-xa và các địa điểm liên quan đến chăm sóc sức khỏe (không tắm hơi hoặc mát-xa mặt); và công viên công cộng, vườn bách thảo và vườn hoa (không ăn uống, tụ tập). Những loại hình kinh doanh khác ở Bangkok vẫn sẽ đóng cửa cho tới ngày 14/6.

Thái Lan ngày 31/5 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ cao kỷ lục, với 5.485 ca, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 159.792. Cả nước cũng ghi nhận thêm 19 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh này lên 1.031.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 11/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngày 31/5, Campuchia ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 đã vượt ngưỡng 30.000 người, cụ thể là 30.094 ca mắc, sau khi Bộ Y tế nước này công bố 690 ca nhiễm mới.

Tổng số người tử vong do COVID-19 tại Campuchia tăng lên 214 ca, sau khi có thêm 5 ca ghi nhận ngày 31/5. Hiện tình hình lây nhiễm dịch trong các trại giam tại Campuchia tiếp tục gây lo ngại khi tỉnh Kandal thông báo số phạm nhân và quản giáo bị nhiễm bệnh trong trại giam tỉnh này đã lên tới 369 ca kể từ khi cơ quan chức năng phát hiện những ca lây nhiễm đầu tiên tại đây (103 ca) vào ngày 25/5.

Tuy nhiên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Trại giam thuộc Bộ Nội vụ Campuchia, Tướng Chhem Savuth cho biết cơ quan chức năng đã có biện pháp cách ly và ứng phó để kiểm soát và không để dịch lây lan rộng. Hiện chưa có thông tin về nguồn lây nhiễm dịch trong trại giam tại tỉnh Kandal.

Liên quan chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Campuchia hiện nay, nữ phát ngôn viên Bộ Y tế Campuchia Or Vadine khẳng định kế hoạch tiêm chủng của nước này sẽ được đẩy mạnh để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng. Bà Or Vadine cho biết tỷ lệ tiêm chủng hiện đã đạt 25% trong tổng số mục tiêu 10 triệu người và kế hoạch này có thể được hoàn tất vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Lào, sau hơn 40 ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên của làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, ngày 31/5, Lào đã ghi nhận ngày đầu tiên không có ca nhiễm cộng đồng nào trên cả nước.

Tại cuộc họp báo trưa 31/5, Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận duy nhất một trường hợp mắc mới trong vòng 24h qua và là ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đây có thể được coi là thành công ban đầu của chính phủ và người dân Lào trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 sau 40 ngày nước này áp dụng lệnh phong tỏa.

Phát biểu tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Y tế Lào nhấn mạnh dù tình hình dịch bệnh có dấu hiệu giảm nhiệt nhưng người dân không được phép lơ là cảnh giác, sao nhãng việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch; kêu gọi mọi thành phần trong xã hội tiếp tục tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và chủ động đi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Tính đến ngày 29/5, tại Lào đã có 872.070 người được tiêm vaccine, trong đó 214.115 người đã tiêm đủ hai mũi. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.912 ca mắc COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.543 người và 3 trường hợp tử vong.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
ASEAN, EU đối thoại về vaccine ngừa COVID-19
ASEAN, EU đối thoại về vaccine ngừa COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, tại Đối thoại chuyên gia lần thứ 2 về vaccine ngừa COVID-19 vừa diễn ra, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, việc mở rộng năng lực sản xuất vaccine, khả năng và thách thức liên quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN