COVID-19 tại ASEAN hết 3/11: Trên 280.000 ca tử vong; Lào báo động ca nhiễm 4 con số

Trong ngày 3/11, các nước ASEAN ghi nhận trên 27.000 ca nhiễm mới, 448 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì COVID-19 vượt 280.000 ca. Tình hình tại Lào đang diễn biến phức tạp, đi ngược xu hướng chung của khu vực.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 3/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 27.381 ca mắc mới COVID-19 và 448 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 13.302.504 trường hợp và 280.036 ca tử vong. Toàn khối có 12.628.475 bệnh nhân đã bình phục.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục xu thế hạ nhiệt, tổng số ca mắc mới đã lùi về dưới ngưỡng 30.000 ca/ngày; ca tử vong mới cũng giảm mạnh ở những quốc gia từng là điểm nóng như Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam. 

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 9 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Philippines đứng đầu với 186 ca; Việt Nam ghi nhận 78 ca, Malaysia  70 ca; Thái Lan thêm 56 ca; Indonesia ghi nhận 27 ca tử vong mới....

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh để phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Sittwe, bang Rakhine, Myanmar, ngày 1/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình tại Thái Lan đang có xu hướng giảm nhiệt, nhưng nước này đang dẫn đầu khu vực với 7.679 ca nhiễm mới. Nước này đã chấm dứt áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm tại 17 tỉnh, trong đó có thủ đô Bangkok, từ ngày 31/10 để hỗ trợ kế hoạch mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 từ đầu tháng 11.

Diễn biến dịch tiếp tục xu hướng giảm tại Malaysia. Ngày 3/11 nước này ghi nhận 5.291 ca nhiễm mới. Gần 95% dân số trưởng thành tại Malaysia đã hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19. Có 2,54 triệu trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi - tương đương 80,8% nhóm dân số độ tuổi này - đã tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Diễn biến dịch tại Campuchia tiếp tục đi xuống, chỉ với 85 ca nhiễm, 7 ca tử vong trong một ngày qua, là động lực mạnh mẽ để nhà chức trách thực hiện mở cửa trở lại đất nước.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 21/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Lào: Lần đầu tiên ca mắc mới ở mức 4 con số

Ngày 3/11, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.062 ca mắc mới COVID-19 và 3 trường hợp tử vong. Đây là lần đầu tiên Lào ghi nhận số ca mắc mới lên tới 4 con số, cao nhất kể từ đầu dịch đến nay. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào hiện là 42.891 ca, trong đó có 73 người tử vong.

Trước tình hình trên, Chính phủ Lào đã yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống COVID-19 tại các vùng đỏ, trong đó có lệnh giới nghiêm từ 23h đến 5h sáng hằng ngày ở những địa phương có các ca lây nhiễm cộng đồng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế Lào cũng đang thành lập các đội y tế lưu động tại từng quận, huyện trên cả nước để tiêm chủng cho những người ốm liệt giường hoặc không thể rời nhà đến các trung tâm tiêm chủng vì bất kỳ lý do gì. Đến nay, Lào đã có gần 3,3 triệu người (tương đương 45% dân số) được tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên và hơn 2,8 triệu người (38,38% dân số) đã tiêm chủng đầy đủ.

Chú thích ảnh
 Tiêm phòng COVID-19 cho người dân ở Vientiane, Laos. Ảnh: Xinhua/TTXVN

Bên cạnh việc tăng cường tối đa mọi nguồn lực để chống dịch, để nhanh chóng khôi phục đời sống kinh tế của người dân và giảm thiểu các tác động của đại dịch, Chính phủ Lào cũng đang tích cực lên kế hoạch nhằm sớm mở cửa trở lại đất nước. Để làm được điều này, ngoài việc liên tục hối thúc người dân đi tiêm chủng, trong thời gian qua, Chính phủ Lào đã ban hành nhiều biện pháp nới lỏng và mới đây đã lên kế hoạch mở cửa lại các trường học trên cả nước, đồng thời chuẩn bị phương án để đón du khách quốc tế với mục tiêu sẽ thu hút ít nhất 1 triệu lượt khách nước ngoài trong năm 2022.

Campuchia: Thủ đô Phnom Penh siết chặt lệnh cấm quán karaoke và câu lạc bộ giải trí

Ngày 3/11, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng yêu cầu giới chức 14 quận của thủ đô và lực lượng vũ trang thực hiện nghiêm các biện pháp cấm các quán karaoke và câu lạc bộ giải trí hoạt động trên địa bàn. Chỉ thị trên được đưa ra sau khi một số quán karaoke và câu lạc bộ đêm tại Phnom Penh không tuân thủ yêu cầu của chính quyền thành phố, đã mở cửa trở lại vì nhầm lẫn cho rằng Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen ngày 1/11 tuyên bố mở cửa hoàn toàn tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả karaoke và câu lạc bộ giải trí.

Đô trưởng Khuong Sreng khẳng định chính phủ cho phép mở cửa tất cả các lĩnh vực, nhưng câu lạc bộ đêm và quán karaoke vẫn chưa được phép hoạt động.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Hai ngày sau khi Campuchia quyết định mở cửa hoàn toàn, số ca mắc COVID-19 tiếp tục giảm và ở mức thấp nhất trong 33 ngày qua. Trong thông cáo ngày 3/11, Bộ Y tế nước này ghi nhận 85 ca mắc mới trong 24 giờ qua (bao gồm 9 ca nhập cảnh và 76 ca lây nhiễm cộng đồng) và có thêm 7 người tử vong, trong đó có 5 người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.

Lo ngại vẫn còn nhiều người tử vong, ngày 2/11, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi giới chức các bộ. ngành liên quan và lực lượng y tế tìm cách giảm tỷ lệ tử vong vì đại dịch tại nước này. Tính đến ngày 2/11, Campuchia đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 hơn 85% trên tổng dân số khoảng 16 triệu người.

Malaysia: Gần 96% người trưởng thành hoàn thành tiêm chủng

Bộ Y tế Malaysia cho biết tính đến ngày 2/11, đã có  22.393.720 người trưởng thành, tương đương 95,7% dân số từ 18 tuổi trở lên, ở nước này hoàn thành chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Số người trưởng thành đã tiêm ít nhất một mũi vaccine là 22.8885.170 người, tương đương 97,8% dân số trưởng thành. 

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại một điểm tiêm chủng ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Ở trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi, hơn 2,1 triệu em, tương đương 69%, đã hoàn thành tiêm chủng và hơn 2,6 triệu trẻ (83,2%) đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. 

Trong ngày 3/11, Malaysia ghi nhận thêm 5.291 ca nhiễm bệnh mới, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 thành 2.481.339 người.

Philippines thúc các tỉnh đẩy nhanh tiêm phòng COVID-19

Ngày 3/11, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cảnh báo sẽ trừng phạt các quan chức chính quyền địa phương nếu họ chậm trễ trong việc đạt mục tiêu về tiêm phòng COVID-19. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Philippines đang tìm cách mở cửa nền kinh tế.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Thành phố Mandaluyong, ngoại ô Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Philippines, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 tại châu Á, cho đến nay mới tiêm phòng đủ hai mũi cho hơn 1/3 trong tổng số 77 triệu người đủ điều kiện tiêm phòng. Tổng thống Duterte cho rằng không có lý do gì không thể đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng hằng ngày từ trung bình 500.000 người tiêm/ngày lên ít nhất 1 triệu người/ngày khi nước này có đủ số vaccine cần thiết. Với tình hình tiêm phòng hiện nay, nhà lãnh đạo Philippines nhấn mạnh những quan chức địa phương nào không làm tốt chức trách trong công tác triển khai tiêm phòng cho người dân sẽ phải chịu trách nhiệm và bị trừng phạt. Tuy nhiên, ông không nêu rõ cụ thể mức phạt là gì.

Chính phủ Philippines đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch COVID-19. Cũng trong ngày 3/11, Philippines thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh giới nghiêm vào buổi tối tại khu vực thủ đô từ ngày 4/11. Để đẩy nhanh công tác vận chuyển vaccine, Tổng thống Duterte đã yêu cầu cảnh sát và quân đội sử dụng máy bay và trực thăng để đưa vaccine tới các tỉnh.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến chiều 3/11, Philippines có tổng cộng 2,79 triệu ca mắc và 43.404 ca tử vong do COVID-19.
 

Indonesia bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em từ 6-11 tuổi

Chính phủ Indonesia ngày 3/11 cho biết chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi ở nước này sẽ bắt đầu từ các khu vực đã đạt được mục tiêu tiêm chủng của chính phủ. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại Blang Bintang, tỉnh Aceh, Indonesia, ngày 21/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn Lực lượng đặc nhiệm xử lý COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia, Wiku Adisasmito nêu rõ các khu vực đạt chỉ tiêu hơn 70% dân số tiêm vaccine liều thứ nhất, 60% số người cao tuổi hoàn thành tiêm chủng, có thể tiến hành tiêm chủng cho trẻ em từ 6-11 tuổi. Ông Wiku cũng nhấn mạnh chương trình tiêm chủng cho trẻ em là bắt buộc nhằm thúc đẩy mở cửa hoàn toàn các trường học ở các cấp giáo dục.

Trước đó, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) đã chính thức phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) cho đối tượng trẻ em từ 6-11 tuổi. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Indoneia, ông Budi Gunadi Sadikin cho biết cơ quan này đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng ở trẻ em đối với các vaccine của các hãng Sinopharm (Trung Quốc) và Pfizer (Mỹ).
 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Giới khoa học dự báo năm 2022 kiểm soát được đại dịch, COVID-19 thành bệnh đặc hữu
Giới khoa học dự báo năm 2022 kiểm soát được đại dịch, COVID-19 thành bệnh đặc hữu

Các nhà khoa học cho rằng COVID-19 có thể chuyển thành một bệnh đặc hữu vào năm 2022. Tuy nhiên ngay cả khi đó, mỗi năm COVID-19 vẫn có thể khiến 50.000-100.000 người Mỹ tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN