COVID-19 tại ASEAN hết 28/9: Toàn khối vượt 12 triệu ca mắc; Dân số Singapore giảm kỷ lục vì dịch

Trong ngày 28/9, các nước ASEAN ghi nhận trên 31.000 ca nhiễm mới, nâng tổng ca mắc từ đầu dịch vượt 12 triệu ca. Do ảnh hưởng bởi đại dịch, dân số Singapore đã sụt giảm kỷ lục.

Chú thích ảnh
Người dân trên bãi biển ở Phuket, hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Thái Lan đã mở cửa đó du khách tiêm chủng đầy đủ, ngày 19/9/2021. Ảnh: Reuters 

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 28/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 31.007 ca mắc mới COVID-19 và 550 ca tử vong (có 4 quốc gia không cập nhật dữ liệu). Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 12.004.140 trường hợp và 260.643 ca tử vong. Toàn khối có 11.017.655 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Việt Nam ghi nhận 178 ca; Thái Lan thêm 129 ca, Indonesia ghi nhận 124 ca tử vong, Philippines 91, Campuchia có 26 ca, trong khi Timor Leste và Brunei mỗi nước thêm 1 ca.

Các quốc gia gồm Malaysia, Singapore, Myanmar, Lào không cập nhật dữ liệu mới tính đến cuối ngày 28/9.

Với 13.846 ca nhiễm trong ngày 28/9, Philippines đứng đầu khu vực về ca mắc mới.  Tổng ca bệnh ở nước này đã lên tới 2.522.965 ca, bao gồm 37.686 ca tử vong.

Thái Lan đứng thứ hai với 9.489 ca nhiễm, nâng tổng ca bệnh lên 1.581.415 trường hợp, bao gồm 16.498 ca tử vong.  Campuchia cùng ngày ghi nhận 866 ca nhiễm mới, nâng tổng trường hợp mắc COVID-19 lên 110.792, bao gồm 2.287 người chết.

Indonesia chỉ ghi nhận 2.057 ca nhiễm trong ngày,  nước này vẫn dẫn đầu khu vực về ca bệnh với 4.208.013 trường hợp và 141.467 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 24/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Dân số Singapore giảm kỷ lục vì đại dịch

Báo cáo Sơ bộ Dân số hàng năm của Chính phủ Singapore công bố ngày 28/9 cho thấy dân số nước này đã sụt giảm kỷ lục trong năm qua do tác động từ những biện pháp đối phó với đại dịch COVID-19.

Tổng dân số của "đảo quốc Sư tử", trong đó có công dân, thường trú nhân và những người cư trú khác tính đến tháng 6/2021 đã giảm xuống còn 5,45 triệu người so với con số 5,69 triệu người vào năm 2020, đánh dấu năm thứ 2 suy giảm liên tiếp. Theo ghi nhận của Cơ quan Thống kê Singapore, mức giảm 4,1% này là mức cao nhất kể từ năm 1950 và là lần thứ 3 Singapore ghi nhận sự suy giảm dân số. Năm 2020, tổng dân số Singapore giảm 0,3% và năm 1986 nước này ghi nhận dân số giảm 0,1%. 

Chú thích ảnh
Dân số thường trú của Singapore đã giảm 6,2%, tương đương 0,49 triệu người. Ảnh: Straits Times 

Việc suy giảm dân số năm nay tại Singapore chủ yếu xuất phát từ việc giảm tới 10,7% số người không phải là công dân và thường trú nhân Singapore tại nước này. Tính đến tháng 6/2021, số lượng nhóm người này tại Singapore là 1,47 triệu người, năm 2020 con số này là 1,64 triệu người. Sự suy giảm trong bộ phận dân số này diễn ra mạnh nhất đối với những người làm việc trong ngành xây dựng, sửa chữa đóng tàu biển và lĩnh vực chế biến...

Số lượng công dân Singapore cũng giảm 0,7%, xuống còn 3,5 triệu người; trong khi đó, số lượng thường trú nhân giảm mạnh hơn, ở mức 6,2%, xuống còn 0,49 triệu người. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1970, cả hai nhóm người này đều có sự suy giảm trên cơ sở so sánh theo từng năm. 

Báo cáo cho biết những hạn chế trong việc đi lại, di chuyển trong thời kỳ đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm dân số tại Singapore, vì nhiều công dân và thường trú nhân đã ở nước ngoài liên tục từ 12 tháng trở lên và những người này không được tính vào dân số của Singapore.

Chú thích ảnh
Vaccine AstraZeneca được chuẩn bị chuyển tới Thái Lan ngày 28/9/2021. Ảnh: Bộ Y tế Singapore

Singapore hỗ trợ Thái Lan hơn 120.000 liều vaccine 

Singapore đã gửi tặng Thái Lan 122.400 liều vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca và một số trang thiết bị vật tư y tế để hỗ trợ Thái Lan trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Phóng viên TTXVN tại Singapore dẫn thông cáo báo chí ngày 27/9 của Bộ Ngoại giao Singapore cho biết, ngoài vaccine, Singapore cũng hỗ trợ Thái Lan 200.000 bộ xét nghiệm và 500.000 mẫu xét nghiệm gạc mũi họng. Lô hàng này đã được chuyến tới Thái Lan vào ngày 27/9. Bộ trên nhấn mạnh Singapore và Thái Lan là những người bạn thân thiết với mối quan hệ song phương lâu đời và bền chặt. Sự đóng góp của Singapore củng cố cam kết chung của cả hai quốc gia trong việc cùng nhau vượt qua đại dịch này.

Singapore không sử dụng vaccine của AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Các loại vaccine hiện được Singapore sử dụng trong chương trình tiêm chủng quốc gia là của Pfizer/BioNTech và Moderna.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 23/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Khởi động chiến lược “Campuchia An toàn” 

Ngày 28/9, Chính phủ Campuchia đã đề xuất một chiến dịch hồi phục ngành du lịch với khẩu hiệu “Campuchia An toàn” như là một trong những chiến lược nhằm thu hút du khách nội địa và quốc tế trong giai đoạn mở cửa trở lại và tương lai. 

Phát biểu nhân Ngày Du lịch thế giới 27/9 với chủ đề “Du lịch vì sự tăng trưởng bao trùm”, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen khẳng định nước này sẽ là điểm đến an toàn cho mọi người ngay khi mở cửa trở lại đón du khách nhờ những nỗ lực hết mình của chính phủ nhằm tiêm chủng cho gần như toàn bộ người dân trong nước. Chính phủ Campuchia đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 91% trong tổng dân số 16 triệu người.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 20/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính đến ngày 26/9/2021, theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia Campuchia về tiêm vaccine ngừa COVID-19, đã có 82,03% dân số được chủng ngừa. Với kết quả này, Thủ tướng Hun Sen tự tin khẳng định Campuchia sẽ được coi là nơi đảm bảo an toàn và giành lại niềm tin của cả du khách trong và ngoài nước. Trong quý VI/2021, Campuchia dự kiến mở cửa trở lại cho các du khách đã tiêm chủng đủ liều.

Theo thống kê của Bộ Du lịch Campuchia, chỉ riêng trong 7 tháng đầu năm nay, đã có thêm 527 doanh nghiệp lữ hành Campuchia buộc phải đóng cửa hoàn toàn trong tổng số 3.389 công ty thuộc lĩnh vực này đã phải tạm dừng hoạt động kể từ đầu năm 2020 do đại dịch COVID-19. Tính đến cuối tháng 7, lượng khách nhập cảnh vào 3 sân bay quốc tế của Campuchia giảm hơn 93% so với 7 tháng đầu năm ngoái.

Chú thích ảnh
Một học sinh được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 20/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Philippines cấp phép tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi

Từ tháng 10 tới, trẻ em Philippines từ 12 tuổi sẽ được tiêm vaccine COVID-19. Đây là quyết định được Chính phủ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra ngày 28/9, trong nỗ lực nâng tỷ lệ tiêm chủng của cả nước cũng như chuẩn bị mở cửa lại trường học.

Trước đó, Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc của Philippines đã phê chuẩn sử dụng vaccine của hãng Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Tiêm chủng cho trẻ em được coi là một bước quan trọng để mở lại các trường học ở Philippines, vốn là một trong số ít các quốc gia trên thế giới vẫn đóng cửa trường học kể từ khi đại dịch bùng phát. Chính phủ Philippines gần đây đã công bố kế hoạch thí điểm mở cửa trở lại 120 các trường tiểu học và trung học, nhưng chỉ có rất ít thông tin chi tiết được công bố.

Chú thích ảnh
Giáo viên hướng dẫn học sinh học trực tuyến tại Taguig, Philippines, ngày 3/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tiến độ tiêm phòng COVID-19 tại Philippines hiện vẫn bị đánh giá là chậm chạp. Gần 7 tháng sau khi lô vaccine đầu tiên được chuyển giao cho Philippines, đến nay mới chỉ có 25%  người trưởng thành ở nước này đã tiêm vaccine đầy đủ. Chính phủ Philippines trước đó đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 70% người trưởng thành trước cuối năm 2021. Theo người phát ngôn của chính phủ, ông Harry Roque, tỷ lệ tiêm vaccine đủ liều tại vùng thủ đô là hơn 72%. Kể từ khi đại dịch bùng phát, Philippines đã ghi nhận tổng cộng 2,5 triệu ca mắc, trong đó có hơn 37.000 ca tử vong. 

Lào tin tưởng hoàn thành mục tiêu chủng trong năm 2021

Bộ Y tế Lào cho biết tính đến ngày 26/9, đã có trên 2,9 triệu người tại nước này được tiêm mũi đầu vaccine ngừa COVID-19 (tương đương khoảng 39,4% dân số) và trên 2 triệu người đã tiêm đủ hai mũi (tương đương khoảng 27% dân số).

Bộ trên khẳng định nước này sẽ hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 50% dân số trên cả nước trong năm nay. Hiện Lào đã lên kế hoạch vào năm 2022  tiêm chủng mở rộng với nhóm đối tượng từ 12-17 tuổi, với mục tiêu 70% dân số được tiếp cận vaccine trong năm này.

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19 trong nước, ngày 28/9, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 500 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có tới 471 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào hiện là 22.941 ca, trong đó có 16 người tử vong.

Chú thích ảnh
Phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một tuyến đường gần công viên giải trí Patuxay ở Viêng Chăn, Lào, ngày 20/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại thủ đô Viêng Chăn tiếp tục diễn biến phức tạp khi ghi nhận tới 363 ca lây nhiễm cộng đồng trong một ngày. Như vậy, riêng thủ đô đã chiếm phần lớn các ca cộng đồng ghi nhận tại nước này trong 24 giờ qua. Đáng chú ý là ngoài các nhà máy dệt may, thủ đô Viêng Chăn còn ghi nhận thêm ổ dịch tại một số chợ trên địa bàn.

Indonesia hạn chế nhập cảnh từ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ

Chính phủ Indonesia sẽ thắt chặt kiểm soát hành khách nhập cảnh đến từ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ do sự gia tăng các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở hai nước này. 

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 27/9, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết Chính phủ Indonesia đang xem xét mở cửa đón khách nước ngoài, song sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế đối với hành khách đến từ các khu vực được cho là có nguy cơ COVID-19 cao, trong đó có Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng theo Bộ trưởng Pandjaitan, thời gian cách ly đối với hành khách nước ngoài vẫn là 8 ngày. Chính phủ Indonesia cũng đang nỗ lực điều tiết lưu lượng các chuyến bay quốc tế để không xảy ra tình trạng dồn ứ lượng hành khách nhập cảnh nước này.

Chú thích ảnh
Người dân quét mã QR thông tin y tế khi sử dụng phương tiên giao thông công cộng ở Jakarta, Indonesia, ngày 23/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Bộ Y tế Indonesia, hiện nay trên toàn cầu, biến thể Lambda đã được ghi nhận tại một số quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản và Mỹ. Trong khi đó, biến thể Mu đã lan rộng ở Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, Bộ này khẳng định hiện Indonesia chưa ghi nhận sự xâm nhập của hai biến thể Lambda và Mu.

Thu Hằng/Báo Tin tức
COVID-19 tới 6h sáng 29/9: Cả thế giới giảm, riêng Nga ca tử vong mới cao kỷ lục
COVID-19 tới 6h sáng 29/9: Cả thế giới giảm, riêng Nga ca tử vong mới cao kỷ lục

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 200.000 ca nhiễm và 3.513 ca tử vong. Số ca hồi phục hàng ngày đang trên đà vượt ca nhiễm. Nga ghi nhận ca tử vong mới cao kỷ lục kể từ đầu dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN