Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 29/9 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 233.297.307 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.773.123 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 207.898 và 3.513 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 210.066.665 người, 18.457.519 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 92.000 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Anh dẫn đầu thế giới với 34.526 ca nhiễm mới; tiếp theo là Nga (21.559) và Ấn Độ (21.093 ca). Trong khi đó, Nga đứng đầu về số ca tử vong mới với 852 người chết; tiếp theo là Ấn Độ (293 ca) và Iran (239 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 43.947.764 người, trong đó có 709.192 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 33.714.241 ca nhiễm, bao gồm 447.699 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.366.395 ca bệnh và 594.702 ca tử vong.
Châu Á hiện là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, ghi nhận 75.202.077 ca nhiễm. Châu Âu đứng thứ hai với 58.422.357 ca nhiễm. Ngay sau đó là Bắc Mỹ với 52.551.959 ca và Nam Mỹ có 37.694.231 ca. Xét về số ca tử vong, châu Âu đứng đầu với 1.215.667 ca, tiếp đến là Nam Mỹ với 1.151.719 ca. Châu Á đứng thứ ba với 1.112.979 ca và Bắc Mỹ hiện có 1.067.113 ca tử vong.
Nga: Ca tử vong mới cao kỷ lục kể từ đầu dịch
Trung tâm giám sát và ứng phó với dịch COVID-19 của Nga ngày 28/9 cho biết nước này đã ghi nhận 852 ca tử vong liên quan đến COVID-19 trong 24 giờ qua, mức trong ngày cao nhất kể từ khi bùng phát dịch, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 205.531 ca.
Cũng trong ngày 28/9, nước này ghi nhận 21.559 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 7.464.708 ca. Số người đã bình phục là 6.635.485 người.
Với 2.541 ca nhiễm mới trong ngày, thủ đô Moskva có kế hoạch siết chặt giám sát việc thực hiện quy định đeo khẩu trang tại các trung tâm mua sắm và nhà hàng, kèm với mức phạt nặng đối với những người không tuân thủ.
Romania có số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất
Cùng ngày, Romania cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục 11.049 ca. Hiện Romania chỉ có 26 giường trống trong khu điều trị tích cực và khó có thể bổ sung vì thiếu nhân viên y tế.
Romania là nước có tỷ lệ tiêm phòng thấp thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU). chỉ hơn 1/3 người trưởng thành ở nước này đã được tiêm. Khoảng 40% nhân viên y tế chưa được tiêm trong khi chính phủ đang cân nhắc yêu cầu bắt buộc họ phải có chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của EU.
Mỹ: Các bệnh viện ở New York sa thải nhân viên không tiêm vaccine
Các bệnh viện tại thành phố New York, Mỹ bắt đầu sa thải hoặc đình chỉ công tác những nhân viên y tế không tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 theo quy định được bang New York ban hành hồi tháng trước. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động tại một số bệnh viện kéo theo đó là nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các nhiều ca phẫu thuật chỉ định đã phải tạm hoãn.
Thị trưởng thành phố New York, Bill de Blasio cho biết các bệnh viện trong thành phố chưa bị ảnh hưởng nhiều từ diễn biến trên, song ông bày tỏ quan ngại về tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 thấp ở nhiều ngành của bang này.
Ở quy mô toàn bang New York, Thống đốc Kathy Hochul cho biết đang cân nhắc việc tuyển dụng nhân viên y tế từ bang khác tới đề bù đắp số lượng nhân viên y tế thiếu hụt. Bà cho biết 16% trong tổng số 450.000 nhân viên y tế của bang này vẫn chưa tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine.
Canada thúc đẩy tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi
Theo trang Nationalpost, các cơ sở y tế thuộc tỉnh Ontario của Canada đang xây dựng kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 ngay khi các mũi tiêm phòng COVID-19 được cấp phép cho trẻ em.
Trong khi đó, tại thủ đô Ottawa, Cơ quan y tế công cộng Ottawa đang phối hợp với các bên nhằm tiêm chủng cho 77.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5-11. Trẻ em sinh sau năm 2009 hiện không đủ điều kiện để tiêm bất kỳ loại vaccine nào đã được phê chuẩn tại Canada. Công ty Pfizer cho biết công ty này dự định xin cấp phép vaccine dành cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11.
Bác sĩ Eileen de Villa lưu ý rằng tỷ lệ lây nhiễm COVID -19 đang gia tăng trong độ tuổi từ 4-11 trong 3 tuần gần đây. Xu hướng trên được cho là không quá ngạc nhiên khi số trẻ em sinh sau năm 2009 chưa được tiêm chủng vaccine COVID-19.
Hong Kong (Trung Quốc) kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội
Ngày 28/9, Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) tuyên bố quyết định kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội hiện hành thêm hai tuần nữa cho đến ngày 13/10.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Hong Kong không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng kể từ ngày 17/8. Tuy nhiên, Chính quyền Hong Kong lo ngại tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 trong nhóm người cao tuổi ở đây tương đối thấp, nếu làn sóng dịch thứ 5 bùng phát, người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong rất cao. Chỉ có 39,8% những người ở độ tuổi 70 và 14,3% những người từ 80 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Chính vì vậy cần phải tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch và giãn cách xã hội chặt chẽ hiện nay. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống áp dụng mô hình hoạt động loại D, nghĩa là nhân viên phục vụ phải tiêm đủ 2 mũi vaccine và 2/3 khách hàng phải được tiêm ít nhất 1 mũi, thì số lượng khách tại bữa tiệc sẽ được tăng lên 240 người.
Trong khi đó, chương trình “Dễ dàng đến Hong Kong” cũng vừa được khởi động hôm 15/9 cho phép những người không phải là người Hong Kong ở tỉnh Quảng Đông và Macau - bao gồm cả người từ Trung Qốc Đại lục và người nước ngoài - đến thành phố mà không cần kiểm dịch bắt buộc. Tuy nhiên, tối 25/9, Hong Kong đã tạm dừng hai chương trình đối với những du khách từ Macau vì những diễn biến dịch bệnh mới nhất tại đây.
Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở người mắc COVID-19
Hút thuốc lá có thể là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ tử vong và trở nặng ở người mắc COVID-19. Đây là kết luận của một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Thorax số ra ngày 28/9.
Kết luận trên được đưa ra sau khi nhóm các nhà nghiên cứu từ Oxford, Đại học Bristol và Đại học Nottingham tổng hợp dữ liệu từ các hồ sơ bệnh án, kết quả xét nghiệm COVID-19, dữ liệu nhập viện và giấy chứng tử trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 /2020 của 421.469 người tham gia Ngân hàng Biobank của Anh. Qua đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng so với những người chưa bao giờ hút thuốc, những người hút thuốc có nguy cơ nhập viện cao hơn 80% và có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao hơn đáng kể.
Chủ nghiệm nghiên cứu, Ashley Clift khẳng định kết quả nghiên cứu này là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy hút thuốc có liên quan đến nguy cơ bệnh trở nặng của người mắc COVID-19 và không chi dừng ở đó, hút thuốc còn làm gia tăng nguy cơ về bệnh tim mạch, các loại ung thư. Do đó, theo ông, hiện tại là thời điểm thích hợp để kêu gọi mọi người không hút thuốc lá.
Italy dự kiến nới lỏng hạn chế với các sự kiện văn hóa - thể thao
Ủy ban khoa học kỹ thuật (CTS), chuyên tư vấn cho chính phủ Italy về các biện pháp phòng chống COVID-19, đã khuyến nghị tăng số lượng khán giả tham gia các sự kiện văn hóa ngoài trời lên 100% và ở trong nhà lên 80%, trong khi các sân vận động và cơ sở thể thao có thể tăng giới hạn người vào cửa lên 75% ở ngoài trời và 50% ở trong nhà.
Các khuyến nghị của CTS, có thể trở thành hiện thực trong vòng 1 tháng, sẽ được áp dụng riêng cho những người có thẻ xanh, chứng chỉ giấy hoặc kỹ thuật số về việc đã được tiêm phòng, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc đã khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng, tại các vùng trắng, có nguy cơ lây nhiễm thấp nhất.
Trong một diễn biến có liên quan, chính phủ Italy đang cân nhắc việc công nhận vaccine Sputnik V của Nga, đồng nghĩa với việc những người đã tiêm đủ liều loại vaccine này có thể được nhận thẻ xanh COVID-19 tại Italy. Phát biểu ngày 27/9, Đại sứ Nga tại Italy Sergei Razov cho biết Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đề nghị Thủ tướng Italy Mario Draghi xem xét vấn đề này, trong khi Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko đã thảo luận kỹ về việc công nhận vaccine Sputnik V tại các cuộc gặp song phương trong khuôn khổ các sự kiện Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Hàn Quốc: Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp
Số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục ở mức hơn 2.000 ca ngày thứ 3 liên tiếp sau khi số ca mắc mới tăng vọt ở những khu vực khác trên cả nước ngoài khu vực thủ đô Seoul và vùng lân cận. Giới chức y tế cho rằng số ca bệnh tại nước này tăng vọt là do người dân Hàn Quốc đã đi lại nhiều trong kỳ nghỉ Tết Trung Thu vừa qua.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) của Hàn Quốc, nước này ngày 28/9 ghi nhận 2.289 ca nhiễm mới, trong đó 2.270 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 303.553 ca. Số ca mắc mới mỗi ngày ở Hàn Quốc liên tục ghi nhận mức trên 1.000 ca trong 84 ngày qua dù nước này đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất. Kể từ tháng 7, khu vực thủ đô Seoul và vùng lân cận đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội cấp độ 4, cấp cao nhất trong thang gồm 4 cấp độ, trong khi hầu hết các khu vực còn lại trên cả nước áp dụng các biện pháp ở cấp độ 3. Dự kiến, vào ngày 1/10 tới, giới chức y tế Hàn Quốc sẽ quyết định có gia hạn các biện pháp hạn chế hiện nay hay không.
Đến nay tổng cộng 38,51 triệu người Hàn Quốc (75% dân số nước này) đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 46,6% (23,95 triệu người) đã được tiêm đủ 2 liều.
Thái tử Jordan dương tính với COVID-19
Tòa án Hoàng gia Jordan ngày 27/9 thông báo Thái tử Al Hussein bin Abdullah có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Theo thông báo của Tòa án Hoàng gia Jordan, Thái tử Hussein đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, hiện có triệu chứng nhẹ và tình trạng sức khỏe tốt.
Quốc vương Abdullah và Hoàng hậu Rania sẽ cách ly tại dinh thự trong thời gian 5 ngày mặc dù có kết quả xét nghiệm âm tính.
Campuchia: "Nóng" các ổ dịch trong chùa
Các ca lây nhiễm COVID-19 cộng đồng ở Campuchia đang tăng nhanh liên quan đến ổ dịch các ngôi chùa tại thủ đô Phnom Penh và mới nhất là Battambang, nơi có tới 43% nhà sư có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, cùng với đó là “điểm nóng” COVID-19 tại tỉnh Siem Reap chưa có dấu hiệu dịu đi. Tính đến ngày 28/9, Campuchia ghi nhận tổng cộng 110.792 ca, trong đó 101.690 người đã khỏi bệnh và 2.287 người tử vong. Sự lây lan rộng của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các tỉnh của Campuchia giáp biên giới Thái Lan như Banteay Meanchey, Oddar Meanchey, Siem Reap, Battambang và Preah Vihear, đặc biệt là sau khi biên giới Campuchia - Thái Lan mở cửa trở lại ngày 13/8, khiến lao động di cư Campuchia ồ ạt từ Thái Lan về nước.
Ngày 28/9, Chính phủ Campuchia đã đề xuất một chiến dịch hồi phục ngành du lịch với khẩu hiệu “Campuchia An toàn” như là một trong những chiến lược nhằm thu hút du khách nội địa và quốc tế trong giai đoạn mở cửa trở lại và tương lai. Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen nhấn mạnh bất chấp các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục lan rộng toàn cầu và sự bất ổn trong tương lai, Campuchia đã vạch ra những chiến lược then chốt kịp thời cùng các nỗ lực tiêm chủng và tiếp tục triển khai các biện pháp an toàn làm nền tảng cho việc từng bước tái mở cửa nền kinh tế và các hoạt động xã hội trong “trạng thái bình thường mới”.
Dân số Singapore giảm kỷ lục vì đại dịch
Báo cáo Sơ bộ Dân số hàng năm của Chính phủ Singapore công bố ngày 28/9 cho thấy dân số nước này đã sụt giảm kỷ lục trong năm qua do tác động từ những biện pháp đối phó với đại dịch COVID-19.
Tổng dân số của "đảo quốc Sư tử", trong đó có công dân, thường trú nhân và những người cư trú khác tính đến tháng 6/2021 đã giảm xuống còn 5,45 triệu người so với con số 5,69 triệu người vào năm 2020, đánh dấu năm thứ 2 suy giảm liên tiếp. Theo ghi nhận của Cơ quan Thống kê Singapore, mức giảm 4,1% này là mức cao nhất kể từ năm 1950 và là lần thứ 3 Singapore ghi nhận sự suy giảm dân số. Năm 2020, tổng dân số Singapore giảm 0,3% và năm 1986 nước này ghi nhận dân số giảm 0,1%.
Việc suy giảm dân số năm nay tại Singapore chủ yếu xuất phát từ việc giảm tới 10,7% số người không phải là công dân và thường trú nhân Singapore tại nước này. Số lượng công dân Singapore cũng giảm 0,7%, xuống còn 3,5 triệu người; trong khi đó, số lượng thường trú nhân giảm mạnh hơn, ở mức 6,2%, xuống còn 0,49 triệu người. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1970, cả hai nhóm người này đều có sự suy giảm trên cơ sở so sánh theo từng năm.
Báo cáo cho biết những hạn chế trong việc đi lại, di chuyển trong thời kỳ đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm dân số tại Singapore, vì nhiều công dân và thường trú nhân đã ở nước ngoài liên tục từ 12 tháng trở lên và những người này không được tính vào dân số của Singapore.
Philippines cấp phép tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi
Từ tháng 10 tới, trẻ em Philippines từ 12 tuổi sẽ được tiêm vaccine COVID-19. Đây là quyết định được Chính phủ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra ngày 28/9, trong nỗ lực nâng tỷ lệ tiêm chủng của cả nước cũng như chuẩn bị mở cửa lại trường học.
Trước đó, Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc của Philippines đã phê chuẩn sử dụng vaccine của hãng Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Tiêm chủng cho trẻ em được coi là một bước quan trọng để mở lại các trường học ở Philippines, vốn là một trong số ít các quốc gia trên thế giới vẫn đóng cửa trường học kể từ khi đại dịch bùng phát. Chính phủ Philippines gần đây đã công bố kế hoạch thí điểm mở cửa trở lại 120 các trường tiểu học và trung học, nhưng chỉ có rất ít thông tin chi tiết được công bố.
Tiến độ tiêm phòng COVID-19 tại Philippines hiện vẫn bị đánh giá là chậm chạp. Gần 7 tháng sau khi lô vaccine đầu tiên được chuyển giao cho Philippines, đến nay mới chỉ có 25% người trưởng thành ở nước này đã tiêm vaccine đầy đủ. Chính phủ Philippines trước đó đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 70% người trưởng thành trước cuối năm 2021. Theo người phát ngôn của chính phủ, ông Harry Roque, tỷ lệ tiêm vaccine đủ liều tại vùng thủ đô là hơn 72%. Kể từ khi đại dịch bùng phát, Philippines đã ghi nhận tổng cộng 2,5 triệu ca mắc, trong đó có hơn 37.000 ca tử vong.