COVID-19 tại ASEAN hết 27/12: Philippines có ca mắc mới thấp nhất trong 5 tháng; Thái Lan lập vùng kiểm soát tối đa

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 27/12, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 8.717 ca mắc COVID-19 và 286 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 1.476.313 ca, trong đó 33.504 người tử vong. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 22/12. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Indonesia vẫn nghiêm trọng nhất ASEAN. Trong ngày 27/12, Indonesia ghi nhận 6.528 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 713.365 ca. Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng có thêm 243 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 21.237 người. Hiện Indonesia vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất ở Đông Nam Á. 

Malaysia và Philippines là hai nước có ca mắc mới trong ngày 27/12 cao thứ hai và thứ ba ASEAN với lần lượt là 1.196 và 883 ca.

Số ca mắc ở Thái Lan cũng tăng 103, nâng tổng số ca mắc lên 6.123 ca. 

Philippines có số ca mắc mới thấp nhất trong hơn 5 tháng 

Chú thích ảnh
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà xác bệnh viện ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Philippines có dấu hiệu tích cực khi nước này ghi nhận số ca mắc mới trong ngày ở mức thấp nhất trong hơn 5 tháng qua. 

Cụ thể, Bộ Y tế cho biết Philippines đã ghi nhận thêm 883 ca mắc mới trong ngày 27/12, số ca mắc mới trong ngày thấp nhất kể từ ngày 14/7 khi quốc gia Đông Nam Á này công bố 634 ca mắc mới.

Theo đó, tổng số ca mắc tại Philippines tăng lên 469.886 ca. Số ca tử vong thêm 42 ca lên 9.109 ca trong khi số ca bình phục tăng thêm 7.635 ca lên 438.678 ca. 

Trước đó, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố gia hạn lệnh cấm các chuyến bay từ Anh tới Philippines thêm 2 tuần, tới giữa tháng 1/2021, nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, Tổng thống Duterte cũng yêu cầu các hành khách xuất phát hoặc quá cảnh tại Anh và từ các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 - gồm Hong Kong, Singapore, Australia và Nhật Bản - thực hiện chế độ cách ly 14 ngày.

Miền đông Thái Lan thành vùng kiểm soát tối đa

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại một khu chợ ở Samut Sakhon, Thái Lan ngày 21/12. Ảnh: THX/TTXVN

Người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan Taweesin Visanuyothin cho biết nước này xác nhận có 121 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 94 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 18 lao động nhập cư Myanmar ở tỉnh Samut Sakhon. 

Cũng theo quan chức trên, tỉnh Rayong, miền Đông Thái Lan đã chính thức được tuyên bố trở thành vùng kiểm soát tối đa, sau khi công bố 36 ca mắc, trong đó có 29 ca được cho là có liên quan đến hoạt động cờ bạc trái phép trong khu vực. Dự kiến, chính quyền tỉnh Rayong sẽ sớm công bố quyết định về việc phong tỏa hoàn toàn hay phong tỏa từng phần. 

Đến nay, Thái Lan ghi nhận 6.123 ca mắc COVID-19, trong đó có 60 ca tử vong, 4.161 ca đã hồi phục và được xuất viện.

Myanmar nới lỏng biện pháp phòng, chống COVID-19 tại một số địa phương

Chú thích ảnh
Trẻ em đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Yangon, Myanmar ngày 7/12. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế và Thể thao Myanmar thông báo dỡ bỏ lệnh ở nhà tại một số thị trấn thuộc các khu vực và bang do số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở những địa phương này đã giảm xuống.

Theo thông báo của bộ trên, lệnh ở nhà sẽ được dỡ bỏ tại hầu hết các thị trấn thuộc khu vực Yangon, ngoại trừ 3 thị trấn, từ ngày 28/12. Bên cạnh đó, quyết định dỡ bỏ lệnh ở nhà cũng được áp dụng cho một số thị trấn thuộc 3 khu vực Mandalay, Bago, Ayeyarwady và 2 bang Mon, Kachin.

Trong khi đó, lệnh ở nhà sẽ được Bộ Y tế và Thể thao Myanmar áp đặt tại 4 thị trấn Aungmyaythazan, Chanmyathazai, Pyigyidagun và Patheingyi thuộc bang Mandalay từ ngày 28/12 trong một phần của các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Theo các số liệu thống kê của Bộ Y tế và Thể thao Myanmar, trong ngày 26/12, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận thêm 734 ca COVID-19 và 27 trường hợp tử vong. Cũng tính đến ngày 26/12, Myanmar đã ghi nhận tổng cộng 121.280 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 2.579 người tử vong, 102.163 bệnh nhân đã bình phục và được phép xuất viện.

Myanmar chưa công bố số liệu ngày 27/12.

Singapore bắt đầu tiêm chủng từ ngày 30/12

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 6/11. Ảnh AFP/TTXVN

Theo đó, đối tượng được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên là nhân viên y tế tại Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NCID). Nhân viên tại các viện chăm sóc sức khỏe công cộng khác cũng như nhân viên các bệnh viện tư sẽ được tiêm trong những tuần sau đó.

Tiếp đó, đối tượng người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên sẽ được tiêm từ tháng 2/2021. Những người Singapore khác và cư dân thường trú lâu dài đủ điều kiện y tế để tiêm vaccine sẽ là những đối tượng tiếp theo.

Bộ Y tế cho biết Ủy ban chuyên gia về tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đã trình khuyến nghị thứ tự ưu tiên vào ngày 24/12. Chính phủ đã chấp nhận hoàn toàn khuyến nghị. 

Singapore đã nhận lô vaccine đầu tiên từ Pfizer-BioNTech vào ngày 21/12 và lô vaccine tiếp theo sẽ tới sau vài tháng nữa. 

Campuchia xây dựng lộ trình 3 giai đoạn phục hồi ngành du lịch

Chú thích ảnh
Du khách tới thăm khu đền Angkor Wat của Campuchia trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: Thùy Dương/Báo Tin tức

Chính phủ Campuchia đã xây dựng dự thảo kế hoạch hồi phục ngành du lịch trong và sau đại dịch COVID-19. Dự thảo này vạch ra lộ trình 3 giai đoạn gồm quản lý khủng hoảng trong trạng thái bình thường mới, linh hoạt và tái khởi động ngành dịch vụ giai đoạn 2020-2021; hồi phục du lịch sau khủng hoảng COVID-19 giai đoạn 2022-2023 và chuẩn bị cho sự trỗi dậy của ngành dịch vụ này trong giai đoạn 2024-2025.

Bản dự thảo lộ trình được Ủy ban Quốc gia phát triển du lịch khởi thảo và được các bộ, ngành, cơ quan hữu quan ủng hộ mạnh mẽ. Từ đầu tháng 12/2020, Chính phủ Campuchia có nhiều biện pháp hỗ trợ các ngành kinh tế trụ cột như dệt may, du lịch, hàng không bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Chính phủ Campuchia tiếp tục hỗ trợ 40 USD/tháng trong thời gian từ tháng 1-3/2021 đối với mỗi công nhân/nhân viên làm việc trong các ngành dệt may và du lịch cũng như các hoạt động kinh doanh liên quan đến du lịch như nhà hàng, khách sạn, lữ hành bị gián đoạn công việc do đại dịch COVID-19.

Đối với ngành hàng không, các biện pháp kích thích giai đoạn 7 cũng được công bố nhằm giúp ngành này thúc đẩy hoạt động kinh doanh và giảm bớt gánh nặng tài chính trước những thách thức nghiêm trọng do đại dịch gây ra. Cụ thể, chính phủ sẽ kéo dài việc miễn thuế tối thiểu 10% đối với tất cả các hãng hàng không đăng ký hoạt động tại Campuchia trong thời gian 3 tháng từ tháng 1-3/2021 và cho phép các hãng hàng không dàn xếp việc thanh toán nợ tồn đọng thành nhiều lần sau thời gian kéo dài.

Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia Lim Heng, các biện pháp hỗ trợ mới nhất sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho khu vực công, đồng thời giúp khu vực tư nhân tránh rơi vào tình trạng phá sản và có thể trụ lại trong giai đoạn khó khăn này.

Theo thống kê của Bộ Du lịch Campuchia, trong 10 tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch quốc tế đến Campuchia giảm chưa từng thấy, tới 76,1% so với cùng kỳ năm ngoái, từ hơn 5 triệu khách xuống còn hơn 1 triệu lượt, trong đó đông nhất vẫn là khách Trung Quốc (314.291 lượt, giảm 84,5%), tiếp đến là du khách Thái Lan, Việt Nam và Mỹ

Malaysia cân nhắc mở cửa biên giới để thúc đẩy du lịch      

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 22/12. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Nancy Shukri trong cuộc họp báo ngày 27/12, cho biết chính phủ nước này đang cân nhắc khả năng mở cửa biên giới nhằm thúc đẩy sự phục hồi của lĩnh vực du lịch. 

Theo bà Nancy Shukri, Malaysia đang đàm phán với Singapore, Brunei, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và New Zealand, những địa điểm được xác định thuộc "vùng Xanh về phòng chống dịch COVID-19".  

Bà cũng đề nghị du khách chấp hành và thực hiện nghiêm túc quy trình hoạt động tiêu chuẩn (SOP) nhằm tránh lây nhiễm dịch COVID19.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Phòng COVID-19 lây lan, Trung Quốc khuyến cáo dân ăn Tết Nguyên đán tại chỗ
Phòng COVID-19 lây lan, Trung Quốc khuyến cáo dân ăn Tết Nguyên đán tại chỗ

Chính quyền thủ đô Bắc Kinh cùng một số địa phương tại Trung Quốc đã yêu cầu người dân không rời khỏi khu vực mình ở trong dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán sắp tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN