Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Campuchia.
Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng dịch bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với mấy ngày trước. Dù vậy, trong 24 giờ qua, Indonesia vẫn là quốc gia có số ca mắc mới COVID-19 cao thứ hai ở châu Á, sau Ấn Độ.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày vượt qua Indonesia và nhiều nhất trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong lại giảm mạnh so với các ngày trước.
Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Timor Leste chứng kiến số ca mắc bệnh tăng vọt.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 28 ca bệnh mới, song không có ca tử vong nào.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 24/3 ghi nhận thêm tới 100 ca bệnh mới và 1 ca tử vong.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 29 bệnh nhân mới trong ngày 24/3. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 57.637 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 168 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.733.465 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.435.350 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Brunei và Lào không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.
Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 24/3:
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Indonesia |
1,476,452 |
+5,227 |
39,983 |
+118 |
1,312,543 |
Philippines |
684,311 |
+6,666 |
13,039 |
+47 |
579,518 |
Malaysia |
336,808 |
+1,268 |
1,246 |
+2 |
320,925 |
Myanmar |
142,292 |
+28 |
3,204 |
|
131,772 |
Singapore |
60,236 |
+15 |
30 |
|
60,063 |
Thái Lan |
28,346 |
+69 |
92 |
|
26,873 |
Việt Nam |
2,576 |
+1 |
35 |
|
2,265 |
Campuchia |
1,817 |
+29 |
5 |
+1 |
1,033 |
Timor-Leste |
372 |
+21 |
|
|
125 |
Brunei |
206 |
|
3 |
|
188 |
Lào |
49 |
|
|
|
45 |
Bộ Y tế Malaysia ngày 24/3 công bố báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước này cho biết trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 1.268 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 1.263 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Như vậy, tính đến nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 336.808 ca dương tính với SARS-CoV-2, bao gồm 1.246 ca tử vong do COVID-19. Hiện số bệnh nhân phục hồi và xuất viện đã lên tới 320.925 người, tức chiếm khoảng 95,3% số bệnh nhân COVID-19. Trong số hơn 14.700 ca nhiễm còn lại, có 161 ca đang cần điều trị tại các phòng chăm sóc đặc biệt và 73 bệnh nhân cần hỗ trợ thở.
Tại Indonesia, trong 1 ngày qua, nước này đã ghi nhận thêm 5.227 ca, nâng tổng số ca dương tính tại nước này lên 1.476.452 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này cũng đã lên tới 39.383 ca sau khi có thêm 118 ca tử vong trong 24 giờ qua.
West Java vẫn là điểm nóng dịch bệnh COVID-19 ở Indonesia với số ca nhiễm mới tập trung đông nhất tại tỉnh này, 1.329 ca. Tiếp sau đó là thủ đô Jakarta 890 ca, Central Java 403 ca, East Java 289 ca và East Kalimantan 275 ca.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này ngày 24/3 thông báo tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 684.311 ca sau khi nước này ghi nhận thêm 6.666 ca nhiễm mới trong 24 giờ trước đó. Cũng trong thời gian này, Philippines đã có thêm 47 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi, nâng tổng số ca tử vong do căn bệnh này lên 13.039 ca.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Philippines đang nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Hiện quốc gia Đông Nam Á này đã cấp phép sử dụng các loại vaccine của công ty dược phẩm Sinovac (Trung Quốc), vaccine của Pfizer (Mỹ), vaccine AstraZeneca (Anh) và vaccine Sputnik V của Nga.
Chính phủ Philippines đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người dân trong năm nay để đạt miễn dịch cộng đồng, trong đó ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế, người lớn tuổi và cộng đồng dân cư nghèo ở đất nước 110 triệu dân này.
Tại Singapore, nhờ những tiến triển tích cực trong chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi và các lực lượng tiền tuyến, Singapore sẽ mở rộng diện tiêm chủng cho những người dưới 60 tuổi bắt đầu từ ngày 24/3.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến chiều 24/3, Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Ong cho biết, những người dưới 60 tuổi có thể đăng ký tiêm chủng trực tiếp trên trang vaccine.gov.sg, sau đó sẽ nhận được tin nhắn và đường link qua điện thoại để đặt lịch tiêm chủng. Tuy nhiên, những người trong độ tuổi 45-59 tuổi sẽ được ưu tiên tiêm chủng trước.
Tính đến hết ngày 24/3, Singapore đã tiêm hơn 1,1 triệu liều vaccine.Trong tuần qua, bình quân mỗi ngày có 40.000 liều vaccine được tiêm. Đã có gần 800.000 người đã được tiêm ít nhất một mũi, trong đó khoảng 310.000 người đã được tiêm mũi thứ hai. Singapore bắt đầu chương trình tiêm chủng cho người cao tuổi từ 24/2 và tới nay đã có 55% số người cao tuổi được tiêm chủng hoặc đã đăng ký tiêm chủng.
Tất cả các công dân Singapore và những người làm việc dài hạn tại Singapore đều sẽ được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 miễn phí, trên tinh thần tự nguyện, nhưng không được phép lựa chọn loại vaccine để tiêm. Singapore đã cấp phép sử dụng tạm thời cho 2 loại vaccine là Pfizer/BioNTech và Moderna, và hiện đang trong quá trình đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả của vaccine Sinovac (Trung Quốc).