COVID-19 tại ASEAN hết 23/12: Thái Lan đón làn sóng dịch mới; Malaysia ngày càng nghiêm trọng

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 23/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 11.049 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 32.530 người.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 22/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar.

Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với 20.408 ca tử vong, Indonesia là quốc gia người thiệt mạng vì COVID-19 nhiều thứ 3 châu Á.

Philippines dù dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây và đang trên đà hạ nhiệt. Trong ngày 21/12, nước này chỉ có 27 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.348 ca bệnh mới, 5 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều thứ 2 Đông Nam Á trong vòng 24 giờ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 22/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 924 ca bệnh mới và 23 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Thái Lan sau chuỗi ngày “bình yên” giờ đây nguy cơ bùng phát thành ổ dịch mới khi các ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 32.534 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 206 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.433.503 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.232.278 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Trong khi đó, Timor Leste, Lào, Campuchia và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 23/12.  

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 23/12:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 685,639 +7,514 20,408 +151 558,703
Philippines 464,004 +1,196 9,048 +27 429,972
Myanmar 118,869 +923 2,507 +23 99,325
Malaysia 98,737 +1,348 444 +5 80,014
Singapore 58,482 +21 29   58,322
Thái Lan 5,762 +46 60   4,095
Việt Nam 1,421 +1 35   1,281
Campuchia 363       349
Brunei 152   3   149
Lào 41       37
Timor-Leste 33       31
Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 22/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan ngày 23/12 đã xác nhận thêm 46 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 39 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 7 ca được ghi nhận trong các khu cách ly, tuy nhiên nước này lại chưa công bố thêm thông tin về những ca mắc mới trong những lao động nhập cư.

Như vậy, tính đến trưa 23/12, tại Thái Lan đã có tổng cộng 5.762 ca mắc COVID-19, trong đó có 60 ca tử vong.

Theo người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Thái Lan (CCSA) Taweesin Visanuyothin, 39 ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng có nguồn gốc từ một ổ dịch ở tỉnh Samut Sakhon. Ông Taweesin cho biết số liệu thống kê về các khu nhà ở dành cho lao động nhập cư sẽ chưa được công bố và chính phủ trước tiên sẽ tìm hiểu thông tin về tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng bên ngoài các khu nhà đó.

Hiện có 4 địa phương ở Thái Lan chính thức áp dụng các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh do đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới COVID-19. Tỉnh Samut Sakhon, nơi có khu chợ hải sản là tâm điểm của đợt bùng phát dịch bệnh, đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn, tuyên bố địa phương này hiện là "khu vực cách ly" từ ngày 19/12 đến ngày 3/1.

Trong khi đó, 2 tỉnh Samut Songkram và Samut Prakan đã công bố lệnh phong tỏa cho tới ngày 4/1, đóng cửa các địa điểm công cộng và hủy tất cả các sự kiện công cộng. Ngoài ra, tỉnh Chiang Mai ở miền Bắc Thái Lan đã áp dụng biện pháp phong tỏa tại 3 huyện Tha Ton, Malika và Mae Ai.  

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Ipoh, Malaysia, ngày 20/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong nỗ lực chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Malaysia đang đàm phán để mua 6,4 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga, đồng thời muốn mua thêm vaccine phòng căn bệnh này do hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đồng phát triển.

Malaysia đang chi khoảng 500 triệu USD để có đủ vaccine cho 26,5 triệu người dân, chiếm 82,8% dân số nước này. Quốc gia Đông Nam Á này đã mua các vaccine của Pfizer-BioNTech và hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh), cũng như dự định mua thêm vaccine từ các nhà sản xuất Trung Quốc và Nga.

Trao đổi với báo giới ngày 23/12, Bộ trưởng Công nghệ và Đổi mới Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết Chính phủ nước này đã nâng các mục tiêu cung ứng vaccine nhằm dự phòng các rủi ro khi một số vaccine có thể không được nhà chức trách cấp phép hoặc nếu các nhà sản xuất không thể hoàn thành việc giao hàng.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 18/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngoài các cuộc đàm phán với Viện Gamaleya của Nga - đơn vị phát triển vaccine Sputnik V, Malaysia cũng đang bàn thảo về vấn đề mua vaccine với các nhà sản xuất Sinovac Biotech Ltd và CanSino Biologics của Trung Quốc. Bộ trưởng Jamaluddin cho biết các thỏa thuận với các nhà sản xuất Trung Quốc và Nga sẽ bao gồm việc hợp tác với các công ty Malaysia để triển khai thực hiện.

Cũng theo Bộ trưởng Jamaluddin, Malaysia đã đặt mua 6,4 triệu liều vaccine của AstraZeneca thông qua cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bảo trợ, tăng gấp đôi số lượng đã được thỏa thuận trước đó.

Chính phủ Malaysia cũng đang thương thảo với Pfizer về tăng số lượng mua vaccine của hãng này nhằm đảm bảo đủ cung ứng cho thêm 20% dân số nước này. Cho tới nay, Malaysia đã mua 12,8 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, với chuyến hàng đầu tiên dự kiến sẽ được bàn giao vào tháng 2/2021.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Gia đình các nạn nhân tử vong do COVID-19 đòi Chính phủ Italy bồi thường
Gia đình các nạn nhân tử vong do COVID-19 đòi Chính phủ Italy bồi thường

Ngày 23/12, khoảng 500 người thân của những người đã tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Italy tuyên bố sẽ khởi kiện một số quan chức trung ương và địa phương nhằm đòi tiền bồi thường tổn thất lên tới 100 triệu euro (122 triệu USD).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN