COVID-19 tại ASEAN hết 20/10: Singapore gia hạn 1 tháng giãn cách xã hội; Indonesia chuẩn bị chiến lược ứng phó làn sóng thứ 3

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 20/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 24.510 ca bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước; Trong khi tổng số ca tử vong tới nay tăng lên trên 273.600 người.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Thành phố Mandaluyong, ngoại ô Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á đang tiếp tục xu thế hạ nhiệt, số ca mắc mới tại các nước đi ngang trong mấy ngày gần đây, ca tử vong nhìn chung đang giảm.

Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tạp một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 9 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Brunei, Lào, Malaysia và Việt Nam.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” chỉ ghi nhận 914 ca bệnh mới và chỉ có 28 ca tử vong.

Diễn biến dịch cũng bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Ngày 20/10, Philippines ghi nhận số ca tử vong giảm sâu, chỉ còn 5 trường hợp. Malaysia từng là điểm nóng, song 1 ngày qua chỉ ghi nhận 5,516 ca mắc mới và 76 ca tử vong. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 893 ca bệnh và 28 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Yangon, Myanmar, ngày 17/10/2021. Ảnh:THX/TTXVN

Trong khi đó, Thái Lan nổi lên thành điểm dịch nóng nhất Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 20/10 ghi nhận thêm trên 8.000 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 79 người, cũng đứng đầu khối ASEAN.

Campuchia có xu thể dịch đi ngang mấy ngày trước đây, với 166 bệnh nhân mới và 12 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 273.602 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 303 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên trên 12,8 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 12 triệu trường hợp.

Chú thích ảnh
Phong tỏa một tuyến đường để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ở thủ đô Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Nhìn chung, toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á ngày 20/10:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 4,237,201 +914 143,077 +28 4,077,748
Philippines 2,735,369 +3,656 40,977 +5 2,627,331
Malaysia 2,407,382 +5,516 28,138 +76 2,297,289
Thái Lan 1,811,852 +8,918 18,486 +79 1,689,859
Việt Nam 873,901 +3,646 21,416 +72 796,583
Myanmar 490,901 +893 18,444 +28 443,719
Singapore 154,725   246   127,571
Campuchia 117,201 +166 2,693 +12 111,690
Lào 33,606 +635 47 +2 6,558
Brunei 11,386 +166 78 +1 8,619
Chú thích ảnh
Hành khách tại sân bay quốc tế Changi, Singapore, ngày 8/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Singapore gia hạn 1 tháng giãn cách xã hội

Ngày 20/10, Chính phủ Singapore thông báo kéo dài lệnh giãn cách xã hội tại nước này thêm một tháng để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan và giảm áp lực lên hệ thống y tế.

Trước đó, hồi cuối tháng 9, Singapore đã tái áp dụng các biện pháp phòng dịch trong đó có hạn chế tiếp xúc xã hội và giới hạn số người được phép ăn cùng nhau tại các nhà hàng ở mức 2 người, để làm giảm tốc độ lây nhiễm virus. Tuy nhiên, số ca mắc mới mỗi ngày tại quốc gia này thời gian qua vẫn tiếp tục tăng và đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 3.994 ca vào ngày 19/10.

Trong khi Singapore đã tiêm được cho hơn 80% trong tổng dân số 5,45 triệu người, số ca bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng cũng tăng đều đặn trong thời gian gần đây, làm gia tăng áp lực cho các bệnh viện và nhân viên y tế. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Lawrence Wong, đồng điều phối chương trình phòng chống COVID-19 quốc gia, cho biết gần 90% các giường bệnh cách ly trong hệ thống bệnh viện tại nước này đã được sử dụng.

Hơn 2/3 giường bệnh chăm sóc đặc biệt (ICU) cũng đang được dùng điều trị bệnh nhân. Quan chức này cho rằng vấn đề hiện nay không chỉ đơn giản là bổ sung giường bệnh hay mua thêm trang thiết bị mà là nhân viên y tế đang quá tải và dần kiệt sức.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Lào tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc COVID-19 mới

Ngày 20/10, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 635 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 628 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, đến nay tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã hiện là 33.606 trường hợp.

Bộ trên nhận định số ca mắc COVID-19 mới tại nước này vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, thủ đô Viêng Chăn vẫn là điểm nóng của dịch bệnh khi ghi nhận số ca cộng đồng tăng vọt trong một ngày với 439 trường hợp. Ngoài ra, số ca tử vong do COVID-19 tại nước này tiếp tục tăng khi ghi nhận thêm hai trường hợp trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch lên 47 trường hợp.

Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tiếp tục chuẩn bị trung tâm cách ly và cơ sở điều trị đầy đủ, chuẩn bị ngân sách dự phòng để mua vật tư y tế, vaccine, thuốc điều trị, dung dịch xét nghiệm và các thiết bị cần thiết. Đồng thời, Chính phủ Lào giao các bộ, cơ quan, doanh nghiệp tại thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh có dịch lây nhiễm trong cộng đồng cho phép cán bộ và công chức luân phiên trực ban hoặc làm việc tại nhà qua hệ thống điện tử. Đặc biệt, người có nguy cơ và phụ nữ có thai không thể tiêm vaccine được làm việc tại nhà.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 29/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Công chức Malaysia không hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ bị kỷ luật

Từ ngày 1/11, công chức làm việc cho Chính phủ liên bang Malaysia không hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ bị kỷ luật hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Đó là một nội dung của chính sách mới về tiêm chủng liên quan đến công chức được triển khai nhằm đảm bảo môi trường làm việc an toàn cũng như đạt được năng suất dịch vụ công ở mức tối ưu.

Theo thông tư đăng tải trên website của Vụ Dịch vụ công, công chức không thể hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19 do các yếu tố liên quan đến sức khỏe sẽ phải đến kiểm tra y tế, xét nghiệm COVID-19. Nếu bác sỹ xác nhận họ không đủ khả năng để tiêm vì lý do sức khỏe thì sẽ không bị kỷ luật.

Ngày 24/2, Malaysia đã bắt đầu triển khai Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19, sử dụng 5 loại vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, AstraZeneca/Oxford, Sinovac, CansinoBIO và Sputnik V. Chương trình chia làm 4 giai đoạn và sẽ kéo dài đến tháng 2/2022 nhằm đạt khả năng miễn dịch cho khoảng 80% dân số, khoảng 32 triệu người nước ngoài đang sống tại Malaysia.

Chú thích ảnh
Hành khách tại sân bay quốc tế ở Tuban trên đảo Bali, Indonesia, ngày 14/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Indonesia siết chặt quy định đi máy bay, chuẩn bị đối phó làn sóng thứ 3

Chính phủ Indonesia vừa ban hành quy định có hiệu lực từ ngày 19/10 đến ngày 2/11, theo đó hành khách đi máy bay sẽ buộc phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 được thực hiện trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành, kể cả những người đã được tiêm vaccine đầy đủ.

Quy định này được cho là mạnh tay hơn so với trước đây khi chỉ yêu cầu hành khách đi máy bay trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính nếu mới được tiêm vaccine mũi đầu tiên, hoặc kết quả xét nghiệm kháng nguyên nếu đã được tiêm đầy đủ 2 mũi.

Trong khi đó, hành khách di chuyển bằng xe ô tô cá nhân, xe máy và phương tiện giao thông công cộng đường dài khác như xe buýt, tàu thủy và tàu hỏa vẫn phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine và kết quả xét nghiệm kháng nguyên được thực hiện 1 ngày trước khi khởi hành.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Lực lượng đặc nhiệm xử lý COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị các chiến lược nhằm ngăn chặn đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 3 được dự báo sẽ xảy ra trong dịp nghỉ lễ cuối năm sắp tới.

Phát biểu họp báo ngày 20/10, người phát ngôn của chính phủ về vấn đề COVID-19, ông Wiku Adisasmito cho biết hiện chính phủ đang lên chiến lược cho các bộ, ngành nhằm ngăn chặn đợt bùng phát này.

Theo ông Adisasmito, lễ Giáng sinh và Năm mới sẽ làm gia tăng các hoạt động đi lại của người dân, kéo theo lo ngại rằng các ca mắc COVID-19 sẽ bùng phát trở lại trong dịp nghỉ lễ này, giống như cùng kỳ năm 2020.

Chú thích ảnh
Kiểm tra y tế tại sân bay quốc tế ở Tuban trên đảo Bali, Indonesia, ngày 14/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bên cạnh việc siết chặt yêu cầu đối với hành khách đi máy bay, chính phủ cũng thay đổi các quy định đi lại đối với người điều khiển phương tiện vận tải. Theo đó, đối tượng này buộc phải trình kết quả xét nghiệm kháng nguyên có giá trị trong vòng 14 ngày nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, 7 ngày nếu mới chỉ tiêm 1 mũi vaccine và 1 ngày nếu chưa được tiêm vaccine.

Trong những tuần gần đây, số ca mắc mới COVID-19 tại Indonesia đã giảm mạnh còn dưới 1.000 ca mỗi ngày, nhiều nơi không còn trường hợp tử vong. Tuy nhiên, Chính phủ Indonesia vẫn đang rất lo ngại về khả năng dịch bệnh một lần nữa bùng phát sau dịp lễ Giáng Sinh và đón năm mới sắp tới, khi lượng người di chuyển trong nước gia tăng.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 19/10: Singapore 'đi ngược' xu thế; Campuchia đủ cơ sở mở cửa lại hoàn toàn
COVID-19 tại ASEAN hết 19/10: Singapore 'đi ngược' xu thế; Campuchia đủ cơ sở mở cửa lại hoàn toàn

Trong ngày 19/10, các nước ASEAN ghi nhận trên 27.000 ca nhiễm mới, 524 ca tử vong. Đường cong dịch tại Singapore tiếp tục lên dốc thẳng khi số ca nhiễm mới tăng vọt, trong khi Campuchia khống chế dịch ổn định, sẵn sàng mở cửa lại hoàn toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN