Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN chỉ có 3 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia.
Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.
Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây, dù số ca mắc mới bắt đầu giảm nhẹ so với mấy ngày trước.
Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á, chiếm gần 50% số ca tử vong trong ngày của cả châu lục. Indonesia ghi nhận thêm 10.614 ca COVID-19 và 183 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 1.263.299 ca và 34.152 ca.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 157 người thiệt mạng.
Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia khi nước này ghi nhận tới 2.936 ca bệnh mới, 13 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.
Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu về dịch bệnh.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 19/2 ghi nhận thêm 130 ca bệnh mới và có 1 ca tử vong.
Thái Lan dù không ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây, song tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao và diễn biến phức tạp do số ca mắc mới trong ngày thường ở mức trên 100 ca/ngày.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 50.362 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 354 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.261.140 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.986.911 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Lào, Brunei và Campuchia không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.
Giới chức y tế Thái Lan ngày 19/2 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 130 trường hợp mới mắc COVID-19 và 1 trường hợp tử vong.
Theo Trung tâm xử lý tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (CCSA) của Thái Lan, trong số các ca bệnh mới ở nước này có 116 trường hợp lây nhiễm trong nước và 14 trường hợp là người nhập cảnh. Người phát ngôn của CCSA - ông Apisamai Srirangsan nêu rõ đối với các trường hợp lây nhiễm nội địa, có 71 ca ghi nhận tại Samut Sakhon, 7 ca ở thủ đô Bangkok và 38 ca ở các tỉnh khác.
Trường hợp tử vong mới do COVID-19 là bác sĩ Panya Harnphanitphan. Vị bác sĩ 66 tuổi này bị lây bệnh sau khi có tiếp xúc gần với các bệnh nhân. Ông là bác sĩ đầu tiên ở Thái Lan tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tính đến chiều 19/2, Thái Lan đã ghi nhận 25.241 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 83 ca tử vong. Nước này cũng đã có 24.070 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và được xuất viện, trong khi 1.088 người khác vẫn đang phải điều trị tại bệnh viện.
Philippines cùng ngày thông báo có thêm 1.901 bệnh nhân mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á lên 557.058 trường hợp. Số ca tử vong do COVID-19 ở nước này cũng tăng lên thành 11.829 người, sau khi ghi nhận thêm 157 trường hợp không qua khỏi. Nước này cũng có 537 bệnh nhân đã hồi phục, nâng tổng số bệnh nhân hồi phục lên 512.789 người.
Philippines - quốc gia có dân số khoảng 110 triệu người - đã tiến hành xét nghiệm tầm soát COVID-19 đối với hơn 7,95 triệu người (trên tổng dân số khoảng 110 triệu người) kể từ khi dịch bệnh này bùng phát vào tháng 1/2020.
Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 19/2, Bộ trưởng Y tế Francisco Duque cho biết Philippines đã phát hiện thấy virus gây bệnh COVID-19 "có những dấu hiệu đột biến lâm sàng tiềm ẩn" trong các mẫu xét nghiệm tiến hành hồi tuần trước tại khu vực Central Visayas.
Tại Campuchia, nhà chức trách nước này đang xúc tiến đàm phán với Ấn Độ để đặt mua 100.000 liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca do Viện Huyết thanh miễn dịch Ấn Độ (SII) sản xuất.
Đại sứ Ấn Độ tại Campuchia Devyani Uttam Khobragade xác nhận Chính phủ Ấn Độ đồng ý cho SII cung cấp vaccine cho Campuchia dù nguồn cung vaccine của Ấn Độ hiện còn hạn chế vì nước này cũng đang thực hiện chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho toàn dân. Theo Đại sứ Ấn Độ, hiện hai bên đang trong giai đoạn đầu thương thảo và chưa thể xác định thời điểm bàn giao cụ thể.
Đầu tuần này, vaccine AstraZeneca/Oxford đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách được sử dụng khẩn cấp (EUL). Ấn Độ hiện là nhà sản xuất vaccine phòng COVID-19 hàng đầu thế giới và theo dự đoán của PS Easwaran – một đối tác của Công ty tư vấn Deloitte India, Ấn Độ có thể sản xuất hơn 3,5 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 năm 2021, chỉ sau Mỹ (khoảng 4 tỷ liều). Kể từ ngày 20/1, Ấn Độ đã cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho một số nước như Bhuta, Bahrain, Nepal, Bangladesh và Myanmar.