Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 19/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 16.003 ca mắc COVID-19 và 404 ca tử vong.
Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 1.806.077 ca mắc COVID-19 trong đó có 40.310 ca tử vong và 1.534.045 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó, riêng Indonesia chiếm phần lớn với trên 300 ca. Với trên 10.000 ca nhiễm mới, tình hình Indonesia chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Nước này tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN về cả tổng số ca bệnh và ca tử vong.
Malaysia là quốc gia có số ca nhiễm mới tăng mạnh và chỉ xếp sau Indonesia với trên 3.600 ca nhiễm mới trong ngày 19/1.
Trong khi đó, Thái Lan ghi nhận 171 ca nhiễm mới trong ngày 19/1. Các nước Campuchia, Brunei, Timor Leste và Lào không có ca nhiễm mới nào.
Philippines vẫn dùng vaccine Pfizer sau các ca tử vong ở Na Uy
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông sẽ không ngăn cản người dân Philippines tiêm vaccin phòng COVID-19 do Pfizer/BioNTech sản xuất, bất chấp các báo cáo về những trường hợp người già yếu ở Na Uy tử vong sau khi tiêm chủng.
"Hầu như tất cả mọi người mà tôi biết đều tranh giành để mua vaccine Pfizer. Với tôi, tôi nghĩ đó là một loại tốt", ông Duterte phát biểu trên truyền hình. "Nếu các bạn muốn theo trải nghiệm của Na Uy, hãy cứ làm. Không ai ngăn cản bạn".
Hôm 17/1, Na Uy cho biết họ không thay đổi chính sách về sử dụng vaccine Pfizer sau những báo cáo tử vong ở người già yếu.
Trong bài phát biểu, ông Duterte cũng nhấn mạnh chính phủ vẫn theo đuổi các hợp đồng cung cấp vaccine CoronaVac từ tập đoàn Sinovac Biotech của Trung Quốc. Theo ông vaccine của Sinovac đang được sử dụng tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, UAE và Brazil, và cho đến nay chưa có báo cáo ca tử vong nào.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine của Pfizer, loại đầu tiên ở nước này.
Chính phủ dự định bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà từ tháng 2, đặt mục tiêu tiêm cho 70 triệu người, tương đương 2/3 dân số, trong năm nay. Philippines cũng đã ký các hợp đồng cung cấp với Novavax, Moderna, AstraZeneca, Johnson&Johnson và Viện Gamaleya của Nga.
Về tình hình dịch bệnh, ngày 19/1, Philippines ghi nhận 1.357 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 504.084 ca, trong đó có 9.978 ca tử vong.
Malaysia tái phong toả hầu hết các bang
Ngoại trừ bang Sarawak, tất cả các bang và lãnh thổ liên bang còn lại ở Malaysia phải tái thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) để ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết từ ngày 22/1, các bang Pahang, Perak, Negeri Sembilan, Kedah, Terengganu và Perlis sẽ bắt đầu thực hiện MCO. Trước đó, MCO đã được thực hiện tại 5 bang (Penang, Selangor Malacca, Johor, Sabah) và 3 lãnh thổ liên bang là Kuala Lumpur, Putrajaya, Labuan từ ngày 13/1 còn đối với bang Kelantan là từ ngày 16/1.
Thời gian thực hiện MCO là hai tuần và có thể sẽ được gia hạn để hạn chế sự đi lại từ đó hạn chế sự lây lan của đại dịch Covid-19. Như vậy, đến ngày 22/1, MCO được áp đặt tại gần như toàn bộ các bang và lãnh thổ liên bang ở Malaysia, ngoại trừ Sarawak. Tuy nhiên, một số địa phương ở Sarawak cũng đã thực hiện MCO, bao gồm Sibu, Selangau và Kanowit.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/1, Malaysia ghi nhận 3.631 mắc mới COVID-19, mức cao thứ hai kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này, đứng sau ngày 16/1 với 4.029 ca. Bang Selangor tiếp tục là địa phương có nhiều số ca nhiễm nhất với 1.199 ca, tiếp đó là Sabah và Kuala Lumpur lần lượt với 526 và 521 ca.
Ngày 19/1, thêm một thành viên nội các Malaysia là Bộ trưởng Thống nhất quốc gia Halimah Mohamed Sadique đã dương tính với virus, trong bối cảnh xuất hiện cáo buộc cho rằng các thành viên nội các đã vi phạm các quy tắc của lệnh MCO.
Bà Halimah sẽ được điều trị và cách ly theo hướng dẫn. Trong thời gian cách ly, bà sẽ tiếp tục theo dõi các công việc của Bộ Thống nhất quốc gia để đảm bảo mọi hoạt động vẫn suôn sẻ. Halimah là thành viên nội các thứ 5 của Malaysia đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Thái Lan tiếp tục xử lý ổ dịch Samut Sakhon
Thái Lan ghi nhận 171 ca nhiễm mới trong ngày 19/1, chủ yếu là các ca liên quan đến ổ dịch tại tỉnh Samut Sakhon, tỉnh phía nam Bangkok.
Ổ dịch đã bùng phát tại một chợ hải sản ở Samut Sakhon vào cuối 2020 đã khiến các ca lây nhiễm mới của Thái Lan tăng mạnh sau một thời gian dài được kiểm soát tốt.
Đến hết ngày 19/1, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 12.594 ca bệnh, trong đo có 70 ca tử vong và 58.894 người đã bình phục.
Thái Lan xếp thứ 128 trên bảng danh sách các nước nhiều ca nhiễm virus nhất.
Indonesia: Hơn 10.000 ca nhiễm/ngày trong khi chiến dịch tiêm phòng đã bắt đầu
Ngày 19/1, Indonesia ghi nhận 10.365 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 927.380 ca, trong đó có 26.590 ca tử vong và 753.948 người đã khỏi.