Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Campuchia và Myanmar.
Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao như cách đây 1 tháng. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á, thậm chí số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất châu Á.
Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành một trong những ổ dịch nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao nhiều ngày liên tiếp và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong trong ngày 18/6 cũng đứng thứ ba toàn khối. Số ca tử vong đang giảm dần ở nước này mấy ngày qua.
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là một trong những điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.
Ngày 18/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 74 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua báo cáo 301 ca bệnh mới và có 1 trường hợp tử vong.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 18/6 ghi nhận thêm trên 3.058 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 22 người. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng trở lại, số ca tử vong cũng tăng một cách đáng ngại.
Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 799 bệnh nhân mới và 14 ca tử vong trong một ngày qua. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 87.047 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 512 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 4.479.776 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 4.077.560 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Ngoài Timor-Leste, trong 24 giờ qua, có 10/11 các nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Diễn biến dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 18/6:
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Indonesia |
1,963,266 |
+12,990 |
54,043 |
+290 |
1,779,127 |
Philippines |
1,346,276 |
+6,833 |
23,385 |
+110 |
1,261,115 |
Malaysia |
685,204 |
+6,440 |
4,276 |
+74 |
615,326 |
Thái Lan |
210,782 |
+3,058 |
1,577 |
+22 |
176,410 |
Myanmar |
147,069 |
+301 |
3,251 |
+1 |
133,452 |
Singapore |
62,382 |
+16 |
34 |
|
61,987 |
Campuchia |
41,581 |
+799 |
394 |
+14 |
35,940 |
Việt Nam |
12,414 |
+264 |
62 |
+1 |
4,733 |
Timor-Leste |
8,504 |
|
19 |
|
7,300 |
Lào |
2,047 |
+13 |
3 |
|
1,931 |
Brunei |
251 |
+1 |
3 |
|
239 |
Ngày 18/6, Chính phủ Indonesia đã quyết định hoãn hai ngày lễ quốc gia và hủy một ngày nghỉ nhằm hạn chế người dân di chuyển trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Trong 1 ngày qua, Indonesia ghi nhận 12.990 ca bệnh mới, cao nhất châu Á.
Căn cứ quyết định mới nhất, Năm mới Hồi giáo được dời sang ngày 11/8, trong khi kỳ nghỉ lễ quốc gia nhân ngày sinh của Đấng tiên tri Mohamah được lùi sang ngày 20/10. Riêng kỳ nghỉ lễ Giáng sinh 24/12 năm nay bị hủy bỏ.
Bộ trưởng Điều phối Phát triển Con người và Văn hóa Muhadjir Effendy cho biết quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp cùng ngày với 3 Bộ liên quan gồm Bộ Nhân lực, Bộ Tôn giáo, và Bộ Cải cách hành chính và Quan liêu.
Cũng trong ngày 18/6, hàng loạt địa phương trên đảo Java đã áp đặt lệnh phong tỏa khi các bệnh viện quá tải do số ca mắc COVID-19 tăng vọt sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo.
Người đứng đầu Cơ quan Y tế Jakarta, bà Dwi Oktavia, cho biết 84% trong tổng số 8.524 giường cách ly và 74% trong tổng số 1.186 giường chăm sóc đặc biệt (ICU) tại khu vực thủ đô đã kín chỗ. Thành phố đang phối hợp với chính quyền trung ương nhằm bổ sung thêm các địa điểm cách ly tập trung, như sử dụng các khu thi đấu thể thao và khu căn hộ cho thuê giá rẻ.
Tại Singapore, do tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, với việc xuất hiện thêm các ổ dịch mới và số ca lây nhiễm trong cộng đồng có chiều hướng tăng trở lại, nhà chức trách nước này quyết định điều chỉnh kế hoạch giãn cách xã hội và triển khai thêm một số biện pháp mới nhằm sớm kiểm soát tình hình.
Phát biểu họp báo chiều 18/6, Lực lượng Liên bộ đặc trách COVID-19 của Singapore cho biết các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao như các địa điểm ăn uống và thể dục/thể thao trong nhà sẽ chỉ giới hạn theo nhóm 2 người từ ngày 21/6 tới, thay vì nhóm 5 người như kế hoạch trước đó. Thời gian mở lại cho nhóm 5 người có thể sẽ bắt đầu vào giữa tháng 7 nếu tình hình cho phép.
Kể từ khi bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 14/6, tình hình lây nhiễm trong cộng đồng có dấu hiệu tăng trở lại, với tổng số ca nhiễm trong cộng đồng tuần qua lên tới 93 ca, tăng so với 40 ca của tuần trước đó.
Số ca lây nhiễm không rõ nguồn gốc cũng tăng lên 18 ca so với 7 ca của tuần trước. Tới thời điểm này, Singapore có 41 ổ dịch vẫn còn lây nhiễm, trong đó có một số ổ dịch mới xuất hiện trong những ngày qua, như tại trung tâm ăn uống Bukit Merah View với 56 ca nhiễm
Trước tình hình như vậy, giới chức Singapore quyết định tiếp tục duy trì chính sách làm việc tại nhà, kể cả khi nới lỏng giãn cách xã hội trong những tuần tới, và triển khai thêm một số biện pháp mới, trong đó có việc bắt buộc tự xét nghiệm COVID-19 14 ngày/1 lần đối với nhân viên tại các nơi có nguy cơ cao vì không đeo khẩu trang, như nhà hàng, trung tâm ăn uống, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các phòng tập thể dục, thể hình...
Chính phủ sẽ tổ chức các lớp huấn luyện trong 3 tháng tới và cung cấp các bộ thử nhanh cho các nhà tuyển dụng để triển khai tự xét nghiệm nhân viên; đồng thời thiết lập một số trung tâm xét nghiệm nhanh (QTC) để hỗ trợ cho các doanh nghiệp quá nhỏ không thể triển khai tự xét nghiệm cho các nhân viên. Trước mắt, sẽ có hai trung tâm xét nghiệm nhanh tại khu vực Tekka và Yishun sẽ đi vào hoạt động từ 21/6.
Bộ Y tế Campuchia xác nhận tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt ngưỡng 41.000 ca sau khi có thêm 799 ca mắc mới, trong đó có 702 ca lây nhiễm cộng đồng trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, số ca hồi phục tiếp tục có dấu hiệu khả quan với 910 người khỏi bệnh.
Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, tính đến ngày 18/6, nước này ghi nhận tổng cộng 41.581 ca mắc COVID-19, trong đó 35.940 ca đã khỏi bệnh và 394 ca tử vong. Trước tình trạng số ca nhập cảnh mắc COVID-19 ở mức cao (97 ca trong ngày 18/6), Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đảm bảo điều trị riêng những ca nhập cảnh nhiễm các biến thể dễ lây lan, đồng thời yêu cầu phải cách ly riêng những trường hợp tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm những biến thể này.
Thủ tướng Hun Sen cho biết Ủy ban Liên bộ về phòng chống COVID-19 cần tăng cường thực hiện các biện pháp y tế trên cả nước và đặc biệt đảm bảo người dân phải đeo khẩu trang và giãn cách để phòng dịch.
Cùng ngày, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã điều chỉnh việc phân loại các khu vực kiểm soát dịch bệnh, đồng thời nới lỏng một số biện pháp hạn chế từ tuần tới.
Căn cứ bảng phân loại khu vực mới có hiệu lực từ 21/6, thủ đô Bangkok cùng ba tỉnh lân cận là Nonthaburi, Pathum Thani và Samut Prakan thuộc “vùng đỏ sẫm” kiểm soát COVID-19 tối đa và nghiêm ngặt. Mười một tỉnh khác thuộc “vùng đỏ” kiểm soát COVID-19 tối đa là Chachoengsao, Chon Buri, Trang, Nakhon Pathom, Pattani, Phetchaburi, Songkhla, Samut Sakhon (trước đây thuộc vùng đỏ sẫm), Saraburi, Yala và Narathiwat.
Chín tỉnh “vùng da cam” thuộc diện kiểm soát COVID-19 bao gồm Chanthaburi, Nakhon Si Thammarat, Prachuap Khiri Khan, Ayutthaya, Ranong, Rayong, Ratchaburi, Sa Kaeo và Samut Songkhram, trong khi 53 tỉnh còn lại thuộc “vùng vàng” theo diện giám sát COVID-19.
Cùng với việc điều chỉnh phân vùng phòng chống COVID-19, CCSA đã nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Tại các tỉnh thuộc vùng đỏ xẫm, các hoạt động không quá 50 người có thể được tổ chức, trong khi các nhà hàng máy lạnh có thể phục vụ tối đa 50% công suất cho khách hàng ăn uống tại chỗ và được mở cửa đến 11 giờ đêm, nhưng việc bán và tiêu thụ đồ uống có cồn trong khuôn viên vẫn bị cấm.
Ngoài ra, các cửa hàng bách hóa và trung tâm mua sắm có thể mở cửa đến 9 giờ tối. Các sân thể thao ngoài trời và các cơ sở thể thao được thông gió tốt có thể mở cửa mà không có khán giả. Các trường học vẫn đóng cửa.
Việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được tăng lên theo từng vùng, với mức cao nhất là vùng vàng. Tại những tỉnh thuộc diện giám sát COVID-19 này, các hoạt động thu hút đám đông không được tập trung quá 200 người. Các nhà hàng, trường học, trung tâm mua sắm và cửa hàng bách hóa có thể hoạt động như bình thường. Các cơ sở thể thao có thể mở cửa với số lượng khách hạn chế. Trong tất cả các vùng, người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và các địa điểm vui chơi giải trí vẫn đóng cửa.
Thái Lan đã ghi nhận 3.058 ca mắc mới và 22 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca mắc COVID-19 lên 210.782, trong đó có 1.577 ca tử vong. Đến nay, nước này đã tiêm được tổng cộng 7,22 triệu mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó 5,25 triệu liều là mũi tiêm đầu tiên và 1,97 triệu liều là mũi tiêm thứ hai.