Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 0h00 phút ngày 2/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 20.221 ca mắc COVID-19 và 306 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 4.066.606 trường hợp và 79.210 ca tử vong. Toàn khối có 3.607.639 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 145 ca; Malaysia đứng thứ hai với 71 ca; Philippines ghi nhận 46 ca tử vong, trong khi Thái Lan thêm 38 ca, Campuchia ghi nhận 6 ca tử vong mới và Việt Nam thêm 1 ca.
Với 7.105 ca nhiễm trong ngày 1/6, Malaysia đang dẫn đầu khối về lây nhiễm mới. Tuy nhiên Indonesia tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực. Đến nay nước này ghi nhận tổng cộng 1.826.527 ca bệnh và 50.723 ca tử vong.
Trong khi đó, Philippines ghi nhận 5.177 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 1.235.467, trong đó có 21.012 ca tử vong và 1.161.252 ca bình phục.
Cùng ngày Thái Lan chứng kiến 2.230 ca nhiễm mới. Campuchia cũng ghi nhận 616 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh đã lên tới 30.710 người. Lào chỉ ghi nhận 3 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 1.908 trường hợp.
Malaysia: Bắt đầu phong toả toàn diện, ca nhiễm mới tăng cao trở lại
Sau 2 ngày giảm về mức trên 6.000 ca, ngày 1/6, số ca nhiễm mới tại Malaysia đã tăng trở lại, lên mức 7.105 ca. Đây cũng là ngày đầu tiên Malaysia thực hiện phong tỏa toàn diện để phòng, chống dịch bệnh.
Trong thông báo ngày 1/6, Bộ Y tế Malaysia cho biết bang Selangor tiếp tục là địa phương có số ca nhiễm mới COVID-19 nhiều nhất cả nước, với 2.068 ca. Tuy nhiên, lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur đã thay thế bang Kelantan đứng ở vị trí thứ 2, với 817 ca và bang Sarawak vẫn đứng ở vị trí thứ 3, với 703 ca. Tới nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 579.426 ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Để ngăn chặn sự gia tăng của dịch bệnh, Malaysia áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 1/6, chỉ mở cửa đối với các lĩnh vực kinh tế thiết yếu. Đối với lĩnh vực xã hội, ngày 1/6, Hội đồng An ninh quốc gia Malaysia quyết định bổ sung thêm quy định cấm trẻ em dưới 12 tuổi ra nơi công cộng trong thời gian phong tỏa toàn diện. Theo Trình tự Vận hành tiêu chuẩn (SOP), được Hội đồng An ninh quốc gia thông qua, ngoài việc khẩn cấp, điều trị y tế, giáo dục và luyện tập thể dục thể thao, trẻ em dưới 12 tuổi không được ra nơi công cộng.
Thống kê của Bộ Y tế Malaysia cho thấy tới nay có 82.341 người dưới 18 tuổi ở nước này mắc COVID-19, trong đó độ tuổi nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất là từ 13-17, với tổng cộng 27.402 ca.
Trước thực trạng số ca nhiễm mới gia tăng, Malaysia yêu cầu những người đến cơ sở dịch vụ, sản xuất, thương mại trong diện phủ sóng Internet đều phải khai báo bằng ứng dụng truy vết MySejahtera. Theo SOP áp dụng cho thời kỳ phong tỏa toàn diện được Hội đồng An ninh quốc gia Malaysia công bố ngày 1/6, chỉ những nơi không có Internet hay có lý do hợp lý như là người cao tuổi, không có điện thoại thông minh, người đến các cơ sở dịch vụ, sản xuất, thương mại mới được ghi sổ. Ngoài ra, chủ các cơ sở phải đảm bảo chỉ cho vào cơ sở những người mà ứng dụng MySejahtera hiển thị kết quả “rủi ro thấp”.
Campuchia: 25 tỉnh, thành có dịch sau 'sự cố cộng đồng'
Ngày 1/6, báo Khmer Times có bài tổng kết về tình hình dịch COVID-19 tại Campuchia sau 100 ngày kể từ “sự cố cộng đồng ngày 20/2”, làm bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 tại nước này. Tính đến nay, dịch bệnh đã lan rộng ra tất cả 25 tỉnh, thành của Campuchia, làm hơn 30.000 nhiễm bệnh và 220 người tử vong.
Trong thời gian qua, cùng với nỗ lực dập dịch bằng nhiều biện pháp như phong tỏa, giới nghiêm, hạn chế đi lại giữa các địa phương, phân vùng màu vàng, vàng đậm và đỏ, Campuchia cũng xác định chỉ có tiêm vaccine phòng COVID-19 mới giúp nước này thắng dịch để hồi phục kinh tế.
Trong 110 ngày thực hiện chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên quy mô lớn, số người đã được tiêm phòng là 2,6 triệu người trong khi kế hoạch của Chính phủ đặt mục tiêu tiêm phòng cho tổng số 10 triệu người để đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay.
Theo thông cáo cập nhật của Bộ Y tế Campuchia, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 616 ca mắc COVID-19 (trong đó có 585 ca lây nhiễm cộng đồng và 31 ca nhập cảnh), ít hơn số ca hồi phục là 753 người, trong khi có thêm 6 người tử vong. Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 30.710 ca mắc COVID-19, trong đó có 23.389 người đã khỏi bệnh và 220 người tử vong.
Trong một thông điệp gửi báo giới tối 31/5, Đô trưởng Phnom Penh, Khuong Sreng đã bác bỏ thông tin cho rằng chính quyền thủ đô Campuchia sẽ tái áp đặt lệnh phong tỏa trong thời điểm số ca nhiễm COVID-19 tại nước này tiếp tục gia tăng. Quan chức đứng đầu thủ đô Phnom Penh khẳng định rằng chính quyền thủ đô đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế Campuchia để đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Thái Lan: Vaccine nội địa sẵn sàng cho thử nghiệm trên người
Vaccine ngừa COVID-19 do Thái Lan tự phát triển, có tên là ChulaCov19, đã sẵn sàng để thử nghiệm trên người trong tháng này sau khi chứng tỏ hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Truyền thông Thái Lan ngày 1/6 đưa tin phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Traisulee Traisoranakul đã đăng tải trên Facebook rằng vaccine ChulaCov19, do Tiến sĩ Kiat Ruxrungtham thuộc Đại học Chulalongkorn phát triển, sẽ được thử nghiệm trên 100 tình nguyện viên trong tháng này. Việc thử nghiệm lâm sàng cũng nhằm tìm ra liều lượng thích hợp cho việc chủng ngừa. Khi quá trình thử nghiệm hoàn tất thành công, lô vaccine đầu tiên sẽ được sản xuất tại Mỹ trước khi công ty BioNet-Asia của Thái Lan bắt đầu sản xuất hàng loạt vào tháng 9 tới.
Về tình hình dịch bệnh ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này ngày 1/6 ghi nhận thêm 2.230 ca nhiễm, cùng 38 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca bệnh từ trước tới nay lên 162.022, trong đó có 1.069 người không qua khỏi.
Trong khi đó, Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã đình chỉ kế hoạch của Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) cho phép mở cửa trở lại 5 loại hình kinh doanh từ 1/6. Người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), ông Natthapol Nakpanich, cho biết kế hoạch của BMA đã bị hoãn lại trong 2 tuần vì Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trên cương vị Chủ tịch CCSA vẫn lo ngại về tình hình COVID-19. Theo lệnh mới nhất của CCSA, các địa điểm trên cùng một số nơi khác ở Bangkok vẫn sẽ đóng cửa cho tới ngày 14/6.
Philippines: AstraZeneca hoãn bàn giao vaccine
Cùng ngày 1/6, giới chức Philippines cho biết việc giao lô vaccine đầu tiên trong tổng số 17 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca, được sản xuất tại Thái Lan, đã bị hoãn lại vài tuần.
Theo ông Joey Concepcion, một trong những cố vấn của Tổng thống Philippines, AstraZeneca đã thông báo việc giao lô vaccine đầu tiên với 1,3 triệu liều, sẽ phải lui đến giữa tháng 7, muộn hơn 3 tuần so với kế hoạch ban đầu và lượng vaccine cũng sẽ giảm chỉ còn 1,17 triệu liều. Việc bàn giao lô vaccine thứ 2 - cũng dự kiến giảm từ 1,3 triệu liều xuống còn 1,17 triệu liều, sẽ bị lui từ tháng 7 sang tháng 8. Ông cho biết vẫn giữ liên lạc hằng ngày với AstraZeneca và theo công ty trên, đã có sự chậm trễ trong khâu sản xuất của Thái Lan.
Sự chậm trễ này đặt ra câu hỏi về kế hoạch phân phối vaccine của AstraZeneca ở Đông Nam Á, vốn phụ thuộc vào 200 triệu liều do công ty Siam Bioscience của Thái Lan sản xuất. Đây là lần đầu tiên công ty này sản xuất vaccine. Hiện AstraZeneca và Siam Bioscience chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.