Ngày 26/5 vừa qua, Chính phủ đã ra Nghị quyết về thành lập Quỹ Vaccine phòng COVID-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Quỹ Vaccine do Bộ Tài chính quản lý, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính từ các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán nhà nước; chịu sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.
Có thể thấy sự ra đời của Quỹ Vaccine đã đáp ứng hai nhu cầu cấp thiết của đất nước trong làn sóng dịch mới vô cùng nguy hiểm: chúng ta cần có đủ vaccine để tiêm chủng cho khoảng 75% dân số, qua đó đánh bại đại dịch COVID-19; một quỹ huy động sự đóng góp của toàn dân một cách “minh bạch, chuyên nghiệp”, để các tổ chức, cá nhân có thể yên tâm và tin tưởng chung tay cùng đất nước vượt qua khó khăn.
Những ngày này, tất cả những con Việt có tấm lòng nhân ái đều hướng về những “điểm nóng” dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh, hay các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, trung tâm cách ly ở nhiều tỉnh thành phố đang thiếu thốn các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho cuộc chiến chống dịch. Rất nhiều chương trình thiện nguyện lớn nhỏ, được phát động bởi nhiều cá nhân, tổ chức, các nhóm thiện nguyện, đã kịp thời tiếp sức cho vùng dịch, cho ngành y trong trận chiến không phân biệt đêm ngày này.
Tuy nhiên, để có thể đánh bại virus SARS-CoV-2 “một lần và mãi mãi”, chúng ta phải nắm được chìa khoá là vaccine. WHO mới đây cảnh báo đại dịch COVID-19 sẽ không kết thúc cho đến khi ít nhất 70% người dân thế giới được tiêm chủng. Trong khi một số quốc gia phát triển trên thế giới đã đạt được tiến bộ đáng kể trong tiêm chủng nhờ sở hữu số lượng vaccine lớn và sớm triển khai chiến dịch, thì đại đa số các quốc gia đang phát triển vẫn đang thiếu nguồn cung vaccine, cũng như không đủ tiềm lực để trang trải chi phí nhập vaccine.
Với nước ta, đợt dịch lần thứ 4 này đang diễn biến nguy hiểm hơn, và khả năng sẽ kéo dài hơn các đợt dịch trước, khi xảy ra tại nhiều địa phương với nhiều nguồn lây, nhiều ổ dịch trong cùng thời điểm, công với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới với khả năng lây nhanh hơn, rộng hơn, mạnh hơn. Tình hình dịch bệnh sắp tới được dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường, có thể ảnh hưởng tới nhiều hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động của các khu công nghiệp và một số trung tâm kinh tế lớn. Chính vì thế, việc có đủ nguồn vaccine tiêm chủng cho người dân là điều rất quan trọng để chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống người dân và nền kinh tế trở lại bình thường.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh cần "triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả chiến lược vaccine", huy động mọi nguồn lực và đóng góp của toàn dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến nước ta cần mua khoảng 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng kinh phí ước khoảng 25.200 tỉ đồng. Đó là một số tiền khổng lồ, vì thế chủ trương chung của Chính phủ là bên cạnh nguồn ngân sách thì cần huy động thêm các nguồn lực đóng góp mang tính thiện nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để mua đủ số lượng vaccine tiêm kịp thời cho người dân.
Trên tinh thần đó, Quỹ Vaccine COVID-19 đã khẩn trương ra đời. Và một trong những đơn vị “nổ phát súng” đầu tiên đồng hành cùng Chính phủ cung cấp vaccine cho người dân là Tập đoàn Vingroup. Đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng trong những đợt chống dịch trước đây, lần này Vingroup thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho chương trình vaccine phòng COVID với 4 triệu liều vaccine. Một loạt các tập đoàn kinh tế khác như Hoà Phát, Doji, Sovico, EVN… cùng nhiều ngân hàng thương mại như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank v.v… đã nhanh chóng ủng hộ hàng trăm tỉ đồng, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ. Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng đang tích cực kêu gọi sự chung tay của toàn dân cho Quỹ Vaccine cũng như các chương trình khác cung cấp trang thiết bị, vật tư y tế cho cuộc chiến chống COVID-19.
“Mỗi đồng đóng góp cho Quỹ Vaccine COVID-19 đều được trân trọng và quản lý minh bạch”, đó là lời cam kết của ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước - Bộ Tài chính. Với quy chế hoạt động minh bạch, hiệu quả dưới sự quản lý của cơ quan chính phủ và sự giám sát từ các thể chế chuyên nghiệp cũng như từ cộng đồng, người dân và doanh nghiệp hoàn toàn có thể đặt niềm tin của mình vào Quỹ Vaccine khi sát cánh cùng Chính phủ.
Quỹ Vaccine COVID-19 khiến chúng ta không khỏi liên tưởng đến “hũ gạo cứu đói” năm 1945, một cuộc vận động đã khơi dậy sức mạnh đoàn kết, chung lòng của toàn dân. Hũ gạo năm xưa góp phần đánh “giặc đói”, còn Quỹ Vaccine ngày nay sẽ góp phần chiến thắng “giặc COVID”.