COVID-19 tại ASEAN hết 15/1: Cả khối thêm 69.591 ca mắc; Ca mắc mới ở Philippines cao kỷ lục 3 ngày liền

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 15/1, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 69.591 ca mắc COVID-19 và 226 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 15.649.303 ca, trong đó 309.926 người tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại Taguig, Philippines, ngày 6/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Philippines tiếp tục đứng đầu khu vực về ca nhiễm mới. Ngày 15/1, Bộ Y tế Philippines thông báo biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang lây lan trong cộng đồng ở vùng thủ đô Manila, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng cao kỷ lục trong ngày thứ 3 liên tiếp.

Phát biểu họp báo trực tuyến, Thứ trưởng Y tế Philippines - bà Maria Rosario Vergeire cảnh báo số ca mắc mới COVID-19 có thể đạt đỉnh trong thời gian từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 tới.

Theo Bộ Y tế Philippines, trong ngày 15/1, nước này ghi nhận 39.004 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất từ trước đến nay. Số ca đang phải điều trị cũng tăng kỷ lục với 280.813 ca. Philippines hiện là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Indonesia), với hơn 3,16 triệu ca mắc và gần 53.000 ca tử vong. 

Việt Nam đứng thứ hai khu vực ASEAN với 16.378 ca mắc mới trong ngày 15/1.

Thái Lan đứng thứ ba khu vực về ca nhiễm mới với 7.793 ca trong ngày 15/1. Tổng số ca mắc từ đầu đại dịch ở Thái Lan là 2.316.408.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 10/1. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó, Bộ Y tế Thái Lan dự định đưa COVID-19 vào danh mục các bệnh đặc hữu trong năm nay vì làn sóng hiện tại cho thấy các triệu chứng nhẹ và người dân đã tích cực tham gia tiêm phòng.

Thư ký thường trực về sức khỏe cộng đồng Kiattiphum Wongrajit nêu rõ chiến lược của Bộ Y tế Thái Lan trong năm 2022 là làm giảm đà lây lan dịch COVID-19 vì các đợt bùng phát với tốc độ quá nhanh có thể làm quá tải các hệ thống y tế cũng như có nguy cơ xuất hiện thêm các đột biến.  

Ông Kiattiphum khẳng định Bộ Y tế có đủ vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả để thực hiện chiến lược nói trên. Bên cạnh đó, người bệnh với các triệu chứng nhẹ có thể được cách ly tại nhà và sớm bình phục sau một thời gian ngắn. Bộ Y tế đảm bảo có đủ thuốc và vật tư y tế để hỗ trợ bệnh nhân cách ly tại nhà và các bệnh viện trên cả nước sẵn sàng tiếp nhận nhanh chóng những trường hợp có triệu chứng nặng.

Ông Kiattiphum cũng kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa phổ biến, tiêm chủng và thực hiện các xét nghiệm kháng nguyên khi có nguy cơ mắc bệnh, trong khi các nhà điều hành doanh nghiệp phải đảm bảo thiết lập "vùng không COVID-19" và tiến hành các xét nghiệm kháng nguyên để đưa COVID-19 trở thành bệnh thông thường.

Malaysia đứng thứ tư về ca mắc mới tại ASEAN trong ngày 15/1 với 3.346 ca, nâng tổng số ca từ đầu đại dịch lên 2.802.263 ca. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho thiếu niên tại Shah Alam, bang Selangor, Malaysia ngày 20/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 15/1, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết thời gian cách ly đối với bệnh nhân COVID-19 sẽ được điều chỉnh dựa trên tình trạng tiêm chủng và biểu hiện triệu chứng. Quy trình cách ly và kiểm dịch mới sẽ có hiệu lực từ ngày 16/1. 

Bộ trưởng Jamaluddin nêu rõ những bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng hoặc chưa tiêm mũi vaccine thứ 2 sẽ bắt buộc phải thực hiện cách ly trong 10 ngày. Đối với những bệnh nhân không có triệu chứng và đã hoàn thành liều tiêm cơ bản nhưng chưa tiêm mũi tăng cường, thời gian cách ly là 7 ngày. Tuy nhiên, số ngày cách ly sẽ giảm xuống còn 5 ngày nếu bệnh nhân không có triệu chứng và đã tiêm mũi tăng cường.

Cũng theo ông Jamaluddin, những người tiếp xúc gần chưa tiêm phòng, hoặc chưa hoàn thành liều tiêm cơ bản, hoặc đã hoàn thành liều tiêm cơ bản nhưng chưa tiêm mũi tăng cường sẽ phải cách ly bắt buộc trong 7 ngày. Những người tiếp xúc gần có triệu chứng phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc RTK-Ag, tự xét nghiệm hoặc liên hệ cơ sở y tế gần nhất.

Quyết định mới được đưa ra sau khi Bộ Y tế Malaysia đánh giá lại thời gian cách ly và giám sát dựa trên dữ liệu, khoa học và kinh nghiệm từ các quốc gia khác liên quan đến việc quản lý các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và các trường hợp tiếp xúc gần với các ca mắc. 

Đối với người nhập cảnh, ông Khairy cho biết Malaysia vẫn áp dụng quy trình quản lý hiện hành. Ông cũng cho biết Bộ Y tế Malaysia đã nâng cao năng lực của hệ thống y tế trong việc ứng phó với khả năng gia tăng các ca mắc mới COVID-19 do biến thể Omicron.

Indonesia ngày 15/1 thông báo ghi nhận 1.054 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất trong vòng 3 tháng.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 12/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Tháng 7/2021, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đã chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 2, chủ yếu do sự lây lan của biến thể Delta. Sau đó, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã giảm xuống còn khoảng 200 ca mỗi ngày vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, trong tháng này, số ca mắc mới tại quốc gia Đông Nam Á lại tăng cao trở lại do biến thể Omicron lây lan trong cộng đồng. 

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết đã phát hiện lây nhiễm Omicron cộng đồng và Jakarta là địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất. Hiện nhà chức trách Indonesia đang phối hợp chặt chẽ nhằm siết chặt hoạt động đi lại, tăng cường y tế, tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19.

Indonesia ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron vào ngày 16/12/2021. Đến nay, nước này đã có tới hơn 500 ca nhiễm biến thể mới có khả năng lây lan nhanh. Giới chức Indonesia dự báo tỷ lệ lây nhiễm Omicron ở nước này có thể đạt đỉnh vào tháng 2 tới.

Singapore trong ngày 15/1 ghi nhận 945 ca. Tổng ca mắc ở Singapore từ đầu đại dịch là 290.303 ca.

Chú thích ảnh
Hành khách tại sân bay quốc tế Changi, Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Singapore mới đây đã điều chỉnh chính sách hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19, theo đó có 2 nhóm sẽ không được hỗ trợ hoàn toàn phí điều trị. Cụ thể, 2 nhóm trên gồm những người trên 12 tuổi nhưng chưa tiêm phòng COVID-19 tự nguyện và những người trên 18 tuổi chưa tiêm mũi tăng cường trong vòng 270 ngày kể từ mũi tiêm gần nhất.

Trước đây, Chính phủ Singapore trả các chi phí điều trị cho bệnh nhân COVID-19 là công dân, thường trú nhân (PR) và người có Thẻ thông hành dài hạn nếu họ không đi lại (ra ngoài nước) trong thời gian gần đó. 

Lào trong ngày 15/1 ghi nhận 900 ca mắc mới. Tổng ca mắc tại Lào từ đầu đại dịch tới nay là 124.193. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh ca mắc vẫn trên dưới 1.000 ca trong nhiều ngày, Lào sẽ đẩy mạnh sản xuất thuốc molnupiravir (tên thương mại tại Lào là Molacovir) để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ trước nhu cầu ngày càng cao ở trong nước.

Giám đốc Nhà máy Dược phẩm số 3 của Lào, Tiến sĩ Lahounh Chanthabout cho biết số lượng bệnh nhân COVID-19  cần thuốc điều trị đã tăng mạnh trong thời gian qua. Nhà máy trên đã bắt đầu sản xuất thuốc Molacovir vào tháng 12/2021 và đến nay đã sản xuất số lượng thuốc đủ để điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, số thuốc trên không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường do sự gia tăng số bệnh nhân. Chính vì vậy, nhà máy kỳ vọng việc tăng sản lượng thuốc sẽ có thể đáp ứng nhu cầu chữa trị của tất cả các bệnh nhân, để bất cứ ai cần Molacovir đều có thể mua được.

Về số ca tử vong, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận ca tử vong mới: Việt Nam (139 ca), Philippines (43 ca), Thái Lan (18 ca), Malaysia (12 ca), Lào (12 ca), Indonesia (4 ca), Myanmar (1 ca) và Singapore (1 ca).

Thùy Dương/Báo Tin tức
​Số ca mắc mới COVID-19 tại Philippines tăng cao kỷ lục ngày thứ 3 liên tiếp
​Số ca mắc mới COVID-19 tại Philippines tăng cao kỷ lục ngày thứ 3 liên tiếp

Ngày 15/1, Bộ Y tế Philippines thông báo biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang lây lan trong cộng đồng ở vùng thủ đô Manila, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng cao kỷ lục trong ngày thứ 3 liên tiếp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN