Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia và Malaysia.
Dù Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ASEAN, song tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn có số ca tử vong cao thứ hai Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ ba.
Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong cũng dẫn đầu toàn khối.
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức cao với 34 trường hợp không qua khỏi. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 31 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong nào.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 14/5 ghi nhận thêm 2.256 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong tăng mạnh lên 30 người.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 358 bệnh nhân mới và 5 ca tử vong trong ngày 14/5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 72.589 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 314 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.659.456 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.333.640 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/11 nước ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Diễn biến dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 14/5:
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Indonesia |
1,734,285 |
+2,633 |
47,823 |
+107 |
1,592,886 |
Philippines |
1,131,467 |
+6,784 |
18,958 |
+137 |
1,053,523 |
Malaysia |
462,190 |
+4,113 |
1,822 |
+34 |
418,897 |
Myanmar |
143,035 |
+31 |
3,212 |
|
132,072 |
Thái Lan |
96,050 |
+2,256 |
548 |
+30 |
62,316 |
Singapore |
61,505 |
+52 |
31 |
|
61,047 |
Campuchia |
21,499 |
+358 |
147 |
+5 |
9,867 |
Timor-Leste |
3,879 |
|
8 |
|
2,142 |
Việt Nam |
3,816 |
+106 |
35 |
|
2,657 |
Lào |
1,498 |
+16 |
2 |
+1 |
513 |
Brunei |
232 |
|
3 |
|
220 |
Tại Lào, Bộ Y tế Lào ngày 14/5 ghi nhận nước này có 16 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó 15 ca nhập cảnh và được cách ly ngay.
Như vậy, sau hơn 20 ngày luôn ghi nhận số ca lây nhiễm mới trong cộng đồng ở mức 2 con số, lần đầu tiên kể từ ngày 20/4 Lào chỉ phát hiện 1 ca lây nhiễm cộng đồng trên cả nước. Điều này cho thấy các chính sách mạnh mẽ và quyết liệt của Chính phủ đã bước đầu đem lại hiệu quả trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Tại cuộc họp báo chiều 14/5, đại diện Bộ Y tế Lào cũng thông báo về trường hợp tử vong thứ 2 do COVID-19 tại nước này. Ca tử vong này là nam công dân Lào, 29 tuổi. Người này nhập viện hôm 10/5 với các triệu chứng tức ngực và khó thở, không sốt. Tuy nhiên, do bệnh nhân nhập viện muộn, kết hợp với bệnh nền cận béo phì, các triệu chứng chuyển xấu nhanh và tử vong chiều 13/5 do suy hô hấp.
Tính đến chiều 14/5, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 1.498 ca, trong đó có 516 ca đã được điều trị khỏi và 2 ca tử vong.
Tại Campuchia, trong mấy ngày gần đây, số ca mắc mới COVID-19 liên tục giảm, từ 472 ca ghi nhận ngày 12/5 xuống 448 ca ngày 13/5 và 358 ca ngày 14/5.
Tại Phnom Penh, thông cáo báo chí của Bộ Y tế Campuchia trưa 14/5 cho biết, trong tổng số 358 ca mắc mới trong 24 giờ qua có 8 ca nhập cảnh và 350 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ này cũng xác nhận có thêm 348 người bình phục và 5 người tử vong, nâng tổng số người tử vong vì COVID-19 tại Campuchia lên 147 người.
Như vậy tính đến thời điểm này, Campuchia ghi nhận tổng cộng 21.499 ca mắc COVID-19, trong đó có 20.835 ca liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2” và đã có 9.867 người khỏi bệnh.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế Campuchia, từ lúc bắt đầu chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 vào ngày 10/2 đến ngày 13/5, Ủy ban tiêm chủng quốc gia Campuchia đã tiêm chủng cho 2.064.833 người, bằng 3 loại vaccine Sinopharm, Sinovac và AstraZeneca (Covishield), tương đương 12,5% dân số nước này.
Nhằm tăng cường lực lượng y tế chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Dịch vụ Công dân Campuchia Prum Sokha quyết định lập nhóm chuyên trách có nhiệm vụ tuyển dụng 3.000 ứng viên bổ sung cho dịch vụ y tế công trong năm nay.
Theo chỉ đạo của ông Sokha, các bệnh viện tại Campuchia đang thiếu nhân viên y tế trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan mạnh trong cộng đồng, Quốc vụ khanh Bộ Dịch vụ Công dân Youk Bunna sẽ đứng đầu nhóm chuyên trách với sự phụ tá của 27 quan chức khác. Nhóm sẽ giám sát quá trình tuyển dụng ứng viên để đảm bảo có thể đáp ứng tất cả yêu cầu công việc.
Tại Singapore, Bộ Y tế Singapore ngày 14/5 ghi nhận 52 ca mắc mới COVID-19 ở nước này, mức cao nhất kể từ ngày 30/1 vừa qua. Trong số ca mắc mới, có 24 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đều liên quan tới các ổ dịch hiện có, trong đó 13 ca liên quan ổ dịch lớn nhất hiện nay tại sân bay Changi.
Như vậy, tính đến ngày 14/5 Singapore có tổng cộng 61.505 ca mắc COVID-19, trong đó 61.029 ca đã khỏi bệnh, 150 ca đang điều trị tại bệnh viện, 243 người đang cách ly và 31 ca tử vong.
Từ ngày 16/5-13/6, Singapore sẽ thắt chặt trở lại các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Các quan chức Singapore kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài nếu không thực sự cần thiết.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines công bố 6.784 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.131.467 ca. Số ca tử vong tăng 137 ca lên 18.958 ca.
Từ ngày 15/5, Philippines sẽ nới lỏng một số biện pháp hạn chế tại vùng đô thị Manila và các khu vực lân cận để dần mở lại nền kinh tế cũng như giúp người dân khôi phục việc làm.
Tại Thái Lan, Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ (CCSA) cùng ngày 14/5 ghi nhận thêm 2.256 ca mắc mới và 30 ca tử vong, theo đó tổng số ca mắc ở nước này tăng lên 96.050 ca, trong đó có 548 người không qua khỏi. Kể từ khi làn sóng COVID-19 thứ 3 bùng phát đầu tháng trước, Thái Lan đã ghi nhận tộng cộng 67.187 ca mắc mới.
CCSA đang cân nhắc sớm nới lỏng những hạn chế tại các tỉnh nằm dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt và sẽ công bố những hướng dẫn mới vào ngày 15/5. Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết việc nới lỏng các hạn chế sẽ được xem xét dựa trên một số yếu tố như đặc điểm ổ dịch, địa hình, số người có nguy cơ làm lây lan virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và số người được tiêm chủng.
Thông báo của CCSA được đưa ra trong bối cảnh Thái Lan đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 70% dân số nước này để đạt được miễn dịch cộng đồng. Để đối phó với mọi tình huống có thể phát sinh, Chính phủ Thái Lan ước tính nước này cần từ 150-200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các giai đoạn trong thời gian tới của chương trình tiêm chủng quốc gia. Tính đến ngày 14/5, Thái Lan đã tiêm được 2.124.732 liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 63.067 người được tiêm mũi thứ 2.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Y tế Bangkok Panruedee Manomaipiboon cho biết người nước ngoài ở Thái Lan có thể sẽ phải đợi cho đến tháng 8 trước khi nhận được vaccine từ Chính phủ. Quan chức y tế hàng đầu của Tòa thị chính Bangkok này nói thêm rằng Bộ Y tế đặt mục tiêu tiêm chủng cho tất cả mọi người ở Thái Lan, bao gồm cả người nước ngoài và người nhập cư, nhưng kế hoạch là tiêm vaccine trước tiên cho những người có nguy cơ cao nhất như nhân viên y tế và các nhân viên tuyến đầu khác, những người có bệnh nền, người cao tuổi, sau đó chuyển sang công chúng.
Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Thái Lan đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna, mở đường cho khu vực tư nhân nhập khẩu và sử dụng vaccine này. Tổng thư ký FDA cho biết việc sử dụng khẩn cấp vaccine Moderna có hiệu lực trong 1 năm kể từ ngày 13/5. Đến nay, Moderna là vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 được phê duyệt tại Thái Lan. Trước đó, FDA cũng đã phê duyệt các loại vaccine ngừa COVID-19 gồm AstraZeneca, Johnson & Johnson và Sinovac.