COVID-19 tại ASEAN hết 14/1: Toàn khối thêm 17.750 bệnh nhân; Indonesia ca tử vong mới cao nhất châu Á

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 14/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 17.750 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 38.610 người.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ trên đường phố ở Kuala Lumpur, sau khi Malaysia tái áp đặt lệnh phong tỏa ngày 13/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Myanmar và Malaysia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới cao thứ 2 châu Á và ca tử vong vì COVID-19 cao nhất châu lục. Indonesia ghi nhận tới 11.557 ca COVID-19 và 295 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 869.600 ca và 25.246 ca.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 40 người thiệt mạng. Song nhìn chung, sau giai đoạn đỉnh dịch, tình hình COVID-19 tại Philippines đang hạ nhiệt dần.

Ngược lại, Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 3.337 ca bệnh mới, 15 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều thứ 2 Đông Nam Á trong vòng 24 giờ.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại bang Selangor, Malaysia,ngày 8/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Myanmar trong 24 giờ qua số ca mắc COVID-19 vẫn ở mức cao, đồng thời ghi nhận thêm 10 ca tử vong. Như vậy, hết ngày 14/1, Myanmar có tổng cộng 132.865 người nhiễm virus SARS-Cov-2, trong đó có 2.912 người không qua khỏi.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định lập vùng kiểm soát đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan diện rộng. Nước này trong ngày đã ghi nhận 2 ca tử vong mới vì đại dịch.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 38.611 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 362 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.717.424 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.468.261 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Lào, Timor Leste và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 14/1.  

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 14/1:

Quốc gia Tổng số ca nhiễm Ca nhiễm mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 869,600 +11,557 25,246 +295 711,205
Philippines 494,605 +1,912 9,739 +40 459,252
Malaysia 147,855 +3,337 578 +15 113,288
Myanmar 132,865 +605 2,912 +10 116,100
Singapore 59,029 +45 29   58,757
Thái Lan 11,262 +271 69 +2 7,660
Việt Nam 1,531 +10 35   1,369
Campuchia 411 +13     377
Brunei 174   3   168
Timor-Leste 51       45
Lào 41       40
Chú thích ảnh
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 13/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Indonesia ngày 14/1 thông báo đã ghi nhận thêm 11.557 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - mức cao nhất từ trước tới nay.

Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này có thêm 295 ca tử vong do mắc COVID-19, cao nhất châu Á (đứng thứ hai là Ấn Độ với 145 ca). Như vậy, tính đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng 869.600 ca nhiễm, trong đó có 25.246 trường hợp không qua khỏi.

Cùng ngày, Indonesia bắt đầu tiến hành chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 quy mô lớn, trong đó các nhân viên y tế là nhóm ưu tiên chính. Chương trình này được triển khai một ngày sau khi Tổng thống Joko Widodo được tiêm mũi đầu tiên loại vaccine do công ty công nghệ sinh học Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển.  

Tại bệnh viện công Cipto Mangunkusumo ở trung tâm Jakarta sáng 14/1, có ít nhất 25 nhân viên y tế tại bệnh viện này đã được tiêm vaccine Sinovac. Dự kiến, khoảng 6.000 nhân viên y tế và các bệnh nhân không nhiễm COVID-19 tại bệnh viện này sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 lần lượt theo nhóm.

Thứ trưởng Y tế Dante Saksono, người cũng được tiêm vaccine ngày 14/1, cho biết khoảng 1,4 triệu nhân viên y tế trên cả nước sẽ dần được tiêm chủng, sau đó đến giới công chức. Theo ông Saksono, vaccine sẽ tạo miễn dịch sau 2-6 tuần kể từ khi tiêm mũi thứ 2. Hiện tại Indonesia đặt mục tiêu tiêm củng cho khoảng 180 triệu người, tương đương 2/3 dân số, trong vòng 15 tháng.

Chú thích ảnh
Người dân đợi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 14/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận thêm 1.912 ca mắc COVID-19 và 40 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lần lượt lên 494.605 ca và 9.739 ca. Giới chức y tế Philippines đã đề nghị người dân tăng cường cảnh giác sau khi ngày 13/1, Philippines đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Anh.  

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đánh giá cao các loại vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc, cụ thể là vaccine của Sinovac và Sinopharm. Tổng Giám đốc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Philippines Enrique Domingo ngày 14/1 cho biết công ty công nghệ sinh học Sinovac Biotech đang xin FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp cho loại vaccine mà công ty này bào chế.

Hiện Philippines đã đặt mua trước 25 triệu liều vaccine Sinovac, trong đó nước này dự kiến sẽ nhận được 50.000 liều đầu tiên vào tháng 2 tới. Số còn lại sẽ được giao theo đợt từ tháng 3 đến tháng 12 năm nay.

Philippines hiện đang đàm phán với ít nhất 7 hãng phát triển vaccine để có thể mua được 148 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong năm nay. Để đạt được miễn dịch cộng đồng, Philippines cần tiêm chủng cho khoảng 50-70 triệu người hoặc hơn 60% dân số nước này trong năm nay.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 12/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Malaysia, trong bối cảnh hệ thống y tế ở nước này đang ở điểm giới hạn vì số ca mắc COVID-19 tăng mạnh mỗi ngày, Bộ Y tế Malaysia đã điều chỉnh quy định về truy vết và ưu tiên xét nghiệm COVID-19.

Theo Bộ Y tế Malaysia, các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ không phải tiến hành xét nghiệm. Thay vào đó, từ nay, chỉ những người tiếp xúc gần và có triệu chứng mắc COVID-19 mới phải xét nghiệm.

Tuy vậy, do việc truy vết và cách ly những người tiếp xúc gần với người nhiễm virus SARS-CoV-2 rất quan trọng đối với nỗ lực chặt đứt nguồn lây nhiễm, nên nhà chức trách sẽ vẫn theo dõi tất cả những người tiếp xúc gần với người nhiễm và yêu cầu họ cách ly tại nơi ở.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 22/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, Thái Lan cũng ghi nhận 271 ca nhiễm mới, trong đó có 259 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 11.262 ca mắc COVID-19, trong đó có 69 trường hợp không qua khỏi.

Tại Bangkok, Thái Lan lần đầu tiên đã đưa vào sử dụng một cơ sở cách ly được cải tạo từ một nhà máy để làm nơi điều trị và cách ly các bệnh nhân COVID-19.

Cơ sở được cải tạo thành nơi cách ly-điều trị là nhà máy chế biến thực phẩm đóng hộp của Tập đoàn Thực phẩm Pattaya (PFG) tại tỉnh Samut Sakhon, tâm điểm của đợt bùng phát COVID-19 thứ hai tại Thái Lan.

Chú thích ảnh
Phun thuốc phòng dịch COVID-19 tại Campuchia. Ảnh: The Star

Tại Campuchia, nước này ngày 14/1 có thêm 13 ca mắc COVID-19, đều là ca nhập cảnh. Tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 411 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong nào do bệnh này.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 13/1: Malaysia tái áp đặt phong tỏa; Số ca mắc ở Indonesia cao chưa từng thấy
COVID-19 tại ASEAN hết 13/1: Malaysia tái áp đặt phong tỏa; Số ca mắc ở Indonesia cao chưa từng thấy

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 13/1, 9 quốc gia ASEAN ghi nhận 16.443 ca mắc COVID-19 và 480 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên gần 1,7 triệu ca, trong đó 38.249 người tử vong. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN