COVID-19 tại ASEAN hết 11/10: Toàn khối vượt 19.000 ca tử vong, Malaysia điều quân đội chống dịch

Trong ngày 11/10, sáu quốc gia ASEAN ghi nhận 7.574 ca mắc COVID-19 mới và 164 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên trên 777.600 ca, trong đó số ca tử vong đã vượt qua 19.000.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử khuẩn sau khi phát hiện một ổ lây lan COVID-19 tại Yangon, Myanmar. Ảnh: AFP

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến hết ngày 11/10, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 777.612 ca mắc COVID-19 trong đó có 19.044 ca tử vong và 628.709 bệnh nhân đã bình phục.

Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm mới, với gần 4.500 ca/ngày, cao gấp hai lần Philippines. Trong khi Philippines ghi nhận số ca tử vong và lây nhiễm mới giảm, mặc dù tổng ca mắc bệnh ở nước này vẫn cao nhất khối. 

Trong khi đó, tình hình Malaysia và Myanmar tiếp tục báo động với số ca nhiễm mới tăng mạnh.

Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 11/10/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).  

Malaysia điều động quân đội tham gia chống dịch 

Chính phủ Malaysia đã triển khai hơn 1.100 binh lính đến bang Sabah trên đảo Borneo để tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Thông báo được phát đi ngày 10/10 từ Bộ chỉ huy Các lực lượng vũ trang Malaysia (MAF) cho biết tham gia sứ mệnh này có binh lính đến từ nhiều quân binh chủng như Lục quân, Hải quân và Không quân. Các binh sĩ sẽ thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, đóng chốt, kiểm soát an ninh trên các tuyến đường trọng yếu, hỗ trợ các cơ quan chức năng thực hiện lệnh phong tỏa của chính phủ. Thông báo cũng cho hay số lượng binh sĩ có thể sẽ tăng thêm tùy theo yêu cầu tình hình.

Ngoài quân đội, Chính phủ Malaysia còn huy động Lực lượng đặc trách quốc gia (NTF) phối hợp với các đơn vị khác như Cơ quan An ninh biên giới, Cục nhập cư, Cục hải quan, tham gia cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Sabah. Không quân Hoàng gia Malaysia cũng được lệnh tổ chức các chuyến bay đặc biệt mang theo thiết bị y tế, trang thiết bị bảo hộ cá nhân cùng thuốc men, phương tiện vật tư xét nghiệm chuyển đến Sabah.

Hiện Sabah là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại Malaysia. Trong những ngày qua, mỗi ngày bang này đều ghi nhận hàng trăm ca mắc mới. Tính đến chiều 10/10, Malaysia có tổng cộng 15.096 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 155 người đã tử vong, 10.780 trường hợp khỏi bệnh. Cả nước hiện còn 4.161 bệnh nhân đang phải điều trị./.
 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế giơ các vòng tay kiểm dịch tại Caloocan City, Malaysia. Ảnh: Straits Times

Indonesia: Nới lỏng hạn chế tại Jakarta từ 12/10

Theo tờ Straits Times, Thủ đô Jakarta sẽ dần nới lỏng các hạn chế phòng dịch trong 2 tuần tới, bắt đầu từ hôm nay, 12/10, trong bối cảnh tốc độ lây nhiễm và số ca điều trị tích cực tại đây đang giảm xuống kể từ khi tái áp đặt lệnh phong toả từng phần vào ngày 14/9. 

Theo các hạn chế đã được nới lỏng, các văn phòng làm việc trong những ngành kinh doanh thiết yếu có thể hoạt động với nhân lực "phù hợp nhu cầu", trong khi các ngành không thiết yếu được phép hoạt động ở 50% nhân lực.

Các nhà hàng, quán cà phê có thể phục vụ khách tại chỗ, nhưng chỉ hoạt động ở một nửa công suất. Những địa điểm đã đăng ký phục vụ khách du lịch có thể được phép biểu diễn nhạc sống. Các công viên sáng tạo và địa điểm du lịch có thể mở lại hoạt động ở 1/4 công suất; phòng gym được mở lại với 25% công suất, trong khi các cơ sở thể thao trong nhà và ngoài trời được hoạt động ở 50% sức chứa. Các hoạt động trong nhà như hội thảo, rạp chiếu phim được mở với 25% sức chứa.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân COVID-19 tập thể dục tại Karawaci, tỉnh Banten, Indonesia, ngày 5/10/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thống đốc Jakarta, Anies Baswedan cho biết, quyết định trên được đưa ra khi số ca lây nhiễm mới và số bệnh nhân điều trị đã giảm xuống sau đợt hạn chế quy mô lớn từ giữa tháng 9. "Chính sách 'phanh khẩn cấp' được áp đặt trong một tháng qua do số ca lây nhiễm tăng không kiểm soát, ngoài dự đoán. Sau khi tình hình ổn định, chúng tôi bắt đầu nới phanh từ từ", Tiến sĩ Anies phát biểu.

Jakarta đã bị phong toả trở lại sau khi số ca lây nhiễm tăng 47% và số ca điều trị tích cực tăng 63,63% từ 29/8 đến 11/9. Những tuần sau đó tình hình được cải thiện, tỉ lệ lây nhiễm còn 22,39%, số ca điều trị tích cực giảm còn 3,81% kể từ 25/9 đến 9/10.

Ngày 11/10, Indonesia ghi nhận 4.497 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 333.449, trong đó có 11.844 người tử vong và 255.027 người bình phục.

Philippines: Thêm trên 17.000 ca bình phục

Ngày 11/10, Philippines báo cáo có thêm 17.057 bệnh nhân COVID-19 đã bình phục, trong khi tổng số ca bệnh tăng lên 339.341 người, bao gồm 6.321 ca tử vong.

Tối 10/10, Bộ Y tế Philippines đã thông báo bắt đầu giai đoạn 3 thử nghiệm vaccine COVID-19 tại nước này. Tổng thống Rodrigo Duterte thường nhấn mạnh việc đảm bảo có được một loại vaccine là giải pháp duy nhất để cải thiện tình hình dịch bệnh ở Philippines.

Trong hơn 200 ngày qua— kể từ khi áp dụng biện pháp kiểm dịch cộng đồng tăng cường ở Philippines, chính phủ nước này vẫn đang vật lộn với việc kiềm chế virus lây lan. Mặc dù Philippines nằm trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng biện pháp phong toả kiểm dịch lâu nhất được ghi nhận trên thế giới, số ca nhiễm COVID-19 vẫn đang ở mức hàng nghìn ca mỗi ngày. Philippines cũng có số ca nhiễm COVID cao thứ 19 trên thế giới.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Yangon, Myanmar, ngày 26/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Myanmar: Nhà máy và doanh nghiệp nhỏ mở lại ở Yangon

Tờ Myanmar Times cho biết chính phủ Myanmar sẽ cho phép các nhà máy kinh doanh nhỏ, bao gồm các nhà máy dệt may, doanh nghiệp vừa và nhỏ được nối lại hoạt động kể từ hôm nay, 12/10, nhưng phải tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch.

Ngày 10/10, Myanmar ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục tại nước này, với 2.158 ca, nâng tổng số ca bệnh lên 26.054, bao gồm 598 ca tử vong.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Bác sĩ Nhà Trắng kết luận Tổng thống Trump không còn nguy cơ truyền bệnh COVID-19
Bác sĩ Nhà Trắng kết luận Tổng thống Trump không còn nguy cơ truyền bệnh COVID-19

Ngày 10/10, bác sĩ riêng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Sean Conley, khẳng định người đứng đầu Nhà Trắng không còn nguy cơ lây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho người khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN