COVID-19 đến 6h sáng 15/11: Trên 8.600 ca tử vong mới; nhiều nước châu Âu tái phong toả

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 561.260 ca mắc COVID-19 và 8.669 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh lên gần 54,3 triệu, trong đó có trên 1,3 triệu bệnh nhân tử vong.

Chú thích ảnh
Chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Le Port-Marly, gần Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 15/11 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 54.298.087 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.317.260 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 37.807.802 người, 15.165.424 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 110.014 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (142.965 ca), Ấn Độ (41.659 ca) và Italy (37.255 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.187 ca), tiếp theo là Brazil (712 ca) và Mexico (544 ca).

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 251.194 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm là 11.211.698 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 129.674 ca tử vong trong số 8.814.902 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 165.658 ca tử vong trong số 5.848.959 bệnh nhân.

Chú thích ảnh
Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Âu tái phong toả đối phó làn sóng dịch mới

Chính phủ Áo ngày 14/11 thông báo sẽ khôi phục các hạn chế để phòng chống đại dịch COVID-19, bao gồm việc đóng cửa trường học và các cửa hàng không thiết yếu. Thủ tướng Sebastian Kurz thông báo: "Từ ngày 17/11 tới ngày 6/12, tình trạng phong tỏa mới sẽ được tái áp đặt như trước". 

Trước đó, chính phủ Áo đã tiến hành các biện pháp phong tỏa từng phần nhưng không thể kiểm soát được các ca mới mắc COVID-19. Trong thời gian tới, các biện pháp hạn chế mới sẽ nỗ lực giảm thiểu tối đa tiếp xúc xã hội, trong đó yêu cầu người dân không ra đường mà không có lý do xác đáng. Theo thông báo, người dân phải đề nghị khi tới các cửa hàng thiết yếu, như cửa hàng thực phẩm, cửa hàng thuốc, bưu điện hay ngân hàng. Các trường cấp tiểu học và trung học sẽ chuyển sang học trực tuyến, trong khi các cấp cao hơn vẫn tiếp tục triển khai phương án này.

Trong những ngày qua, các ca mới mắc COVID-19 ở Áo đã tăng nhanh hơn hai quốc gia láng giềng là Thụy Sĩ và CH Séc. Trong đợt bùng phát đầu tiên hồi đầu năm nay, Áo không bị ảnh hưởng nhiều nhưng trong những ngày qua, tình hình không khả quan. Áo đã ghi nhận 10.000 ca mới mắc COVID-19 trong ngày 13/11. Tình trạng hiện nay đang tạo ra sức ép lớn với hệ thống y tế của Áo, trong khi số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này là 1.700 ca.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Nga: Ngành y tế chịu áp lực lớn

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho rằng tình hình đại dịch COVID-19 ở nước này vẫn rất căng thẳng khiến ngành y tế đang chịu áp lực rất lớn. Hiện 75% bệnh nhân phải điều trị ngoại trú, 25% nhập viện.

Tính đến nay1, Nga có tổng cộng 1.903.253 ca nhiễm, trong đó 32.834 ca tử vong. 

Về việc phát triển vaccine, Bộ trưởng Công Thương Nga Denis Manturov cho biết các mẫu vaccine phòng ngừa COVID-19 Sputnik V đầu tiên của Nga sẽ được chuyển đến Hungary vào tuần tới để tiến hành sản xuất tại quốc gia Liên minh châu Âu (EU) này. Trong khi đó, phát biểu bế mạc cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva ngày 13/11, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ lạc quan trước thông tin vaccine phòng COVID-19 được hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển có mức độ hiệu quả lên tới hơn 90%, đồng thời nhấn mạnh "vaccine sẽ là công cụ then chốt để kiểm soát đại dịch". Ông Ghebreyesus cũng ca ngợi những bước tiến nhanh chóng trong công tác nghiên cứu và điều chế vaccine phòng dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh rằng mọi quốc gia phải được hưởng lợi ích từ vaccine phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này./.

Chú thích ảnh
Xe cứu thương được triển khai tại Moskva, Nga, ngày 13/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Ukraine, Ba Lan: Ca nhiễm mới kỷ lục 

Ngày 14/11 Ukraine thông báo ghi nhận số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 12.524 ca, nâng tổng số ca bệnh lên 525.176 ca, trong đó có 9.508 ca tử vong. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Ukraine đã quyết định áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc vào các ngày cuối tuần nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, từ ngày 14-30/11. Theo đó, phần lớn các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động, ngoại trừ các cửa hàng tạp phẩm, hiệu thuốc, bệnh viện và các phương tiện giao thông.

Ba Lan cũng ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 ở mức cao kỷ lục trong 24 giờ qua, với 548 ca, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 10.000 ca. Ba Lan cũng có thêm 25.571 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 691.118 ca.

 

Tại Hy Lạp, nước này ngày 14/11 đã thông báo đóng cửa các trường tiểu học cơ sở, vườn trẻ và các trung tâm chăm sóc trẻ và người già ban ngày cho đến ngày 30/11 do số ca nhiễm gia tăng đang gây quá tải đối với hệ thống y tế của nước này. Việc học từ xa đã được áp dụng đối với học sinh trung học cơ sở và sinh viên đại học. Trước tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, Chính phủ Hy Lạp đã áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế và ban hành lệnh phong tỏa lần thứ hai trên toàn quốc kéo dài đến ngày 30/11, trong đó có một lệnh giới nghiêm ban đêm từ 21h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau, ngoại trừ lý do thiết yếu như công việc hay vấn đề về sức khỏe.

Chú thích ảnh
hân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bologna, Italy, ngày 12/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Tron

Trong khi đó, tại Đức, tình hình dịch bệnh tại các trường học hiện đang ở mức đáng báo động khi có tới khoảng 350.000 giáo viên và học sinh phải cách ly vì COVID-19. Hiệp hội bác sĩ Đức cảnh báo tình trạng quá tải tại các bệnh viện do số bệnh nhân COVID-19 ngày càng tăng mạnh, theo đó kêu gọi tạm ngừng tiến hành các ca phẫu thuật chưa cấp bách ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Trong một thông điệp qua video ngày 14/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel một lần nữa cảnh báo dân chúng về những ngày tháng khó khăn phía trước do sự lây lan của dịch bệnh. Nhiều khả năng Thủ tướng Merkel và các thủ hiến bang của Đức sẽ phải xem xét siết chặt thêm các biện pháp phòng ngừa trong tuần tới.

Chú thích ảnh
Một em nhỏ đeo khẩu trang trong lớp học được ngăn vách phòng dịch COVID-19 ở Provo, bang Utah (Mỹ) ngày 10/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ: Lại kỷ lục hơn 180.000 ca mắc mới

Tại châu Mỹ,  Mỹ có hơn 180.000 ca mắc mới và 1.393 ca tử vong được ghi nhận trong 24 giờ qua, đồng thời nhiều quan chức cấp cao của nước này đã thông báo mắc COVID-19. Thống đốc bang Nevada Steve Sisolak ngày 13/11 xác nhận ông đã có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, tờ Washington Post cho biết hơn 130 nhân viên mật vụ Mỹ đang bị cách ly do bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc tiếp xúc với những người đã xét nghiệm dương tính với chủng virus này.  Chính quyền bang New York cũng đang gấp rút triển khai những biện pháp chống dịch nhằm ứng phó với làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai. Thống đốc bang Andrew Cuomo đã yêu cầu tất cả cơ sở kinh doanh được phép bán đồ uống có cồn, như các quán bar và nhà hàng, đóng cửa từ 22h hằng ngày. Lệnh này có hiệu lực từ ngày 13/11.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 12/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Canada, viện dẫn số ca mắc mới cao kỷ lục và dự báo con số này có thể sớm tăng gấp đôi, Thủ tướng Justin Trudeau đã kêu gọi tăng cường nỗ lực nhằm khống chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2. Ông hối thúc người dân tiếp tục triển khai các biện pháp chống dịch bao gồm các biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, cũng như luôn giữ vững tinh thần lạc quan. Ông cũng cho biết 10 tỉnh bang Canada sẽ sớm công bố các biện pháp chóng dịch mới. Tính tới ngày 13/11, Canada ghi nhận hơn 285.000 ca mắc, trong đó có gần 11.000 ca tử vong.

Đông Nam Á: Indonesia sẽ tiêm phòng COVID-19 hàng loạt ngay năm nay

Chính phủ Indonesia đang tìm kiếm lệnh uỷ quyền khẩn cấp để bắt đầu tiến hành chiến dịch tiêm chủng đại trà phòng COVID-19 từ cuối năm 2020. Đây là thông báo được Tổng thống Joko Widodo đưa ra ngày 13/11.

Chú thích ảnh
Người dân sát khuẩn tay phòng lây nhiễm COVID-19 tại khu trại tạm ở làng Stabelan, Boyolali, Trung Java, Indonesia, ngày 10/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trả lời phỏng vấn Reuters, ông Widodo cho biết các kế hoạch đang được xúc tiến nhằm phân phối vaccine trên khắp đất nước. Nếu vaccine COVID-19 được Cơ quan Dược và Thực phẩm Indonesia (BPOM) cấp phép, thì quốc gia đông dân số 4 thế giới này sẽ là nước đầu tiên mở chiến dịch tiêm chủng hàng loạt vaccine COVID.

Ngày 14/11, Indonesia ghi nhận 5.272 ca nhiễm mới COVID-19. Trước đó ngày 13/11, nước này cũng ghi nhận ca nhiễm mới trong ngày cao kỷ lục là 5.444 ca, cao hơn nhiều so với mức nhiễm mới trung bình trong 2 tuần qua là trên 3.500 ca.

Chú thích ảnh
Học sinh đeo khẩu trang và tấm chắn giọt bắn tại Hội chợ Khoa học Công nghệ quốc gia 2020 ở Bangkok, Thái Lan ngày 13/11. Ảnh: Bangkok Post 

Singapore: kêu gọi nối lại dần hoạt động đi lại 

Phát biểu tại các cuộc đối thoại trực tuyến riêng rẽ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Australia và New Zealand, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 14/11 đã hối thúc Australia và New Zealdan dỡ bỏ những hạn chế đi lại đối với các nước ASEAN để tạo điều kiện phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng để có được trạng thái bình thường mới sau dịch COVID-19, các nước cần phải hợp tác với nhau nhằm đảm bảo “nguồn cung bình đẳng, hiệu quả và bền vững vắc-xin ngừa COVID-19 và phương pháp điều trị COVID-19”.

Trong ngày 14/11, Singapore chỉ ghi nhận 2 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số hiện nay là 58.116, trong đó 58.001 ca đã hồi phục. 

Malaysia: Ngân sách lớn vẫn không đủ bù đắp cho ảnh hưởng của đại dịch

Theo tờ Straits Times, ngân sách kỷ lục của Malaysia, được công bố trong tuần trước, có thể vẫn không đủ để xoa dịu những tổn thất do đại dịch COVID-19. Theo đó, ngân sách năm 2021 được đề xuất là 322,5 tỉ ringgit (105,4 tỉ đôla Singapore) sẽ cao hơn chi tiêu của năm nay 2,5%. 

Chú thích ảnh
Dịch COVID-19 đang gây tác động nặng nề lên đời sống của người lao động Malaysia. Ảnh: Reuters 

Liên quan đến tình hình dịch COVID, ngày 14/11, Malaysia ghi nhận 1.114 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong. Số ca bệnh tại nước này hiện đã lên tới 46.209 trường hợp, trong đó có 306 ca tử vong và 33.772 bệnh nhân đã hồi phục.

Trong một diễn biến khác, theo tờ Straits Times, giới chức Malaysia hiện đang tìm kiếm 400 người dân đã bỏ trốn khỏi một quận gần sân bay quốc tế Kuala Lumpur ngay trước khi khu vực này bị phong toả trong tuần trước. 

Trung Đông: Liban phong toả toàn quốc

Tại khu vực Trung Đông, Liban đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 2 tuần, bắt đầu từ ngày 14/11, sau khi số ca nhiễm tại nước này vượt trên 100.000 ca, khiến các bệnh viện bị quá tải.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tripoli, Liban, ngày 12/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cùng ngày cho biết nước này sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế siết chặt hơn, bắt đầu từ ngày 21/11 trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này đang chịu tác động nghiêm trọng của làn sóng dịch bệnh thứ ba. Iran ghi nhận 452 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 41.034 ca trong tổng số 749.525 ca nhiễm.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 12/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Thế giới ghi nhận 53,8 triệu ca mắc, 1,3 triệu ca tử vong do COVID-19
Thế giới ghi nhận 53,8 triệu ca mắc, 1,3 triệu ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 14/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 53,8 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1,3 triệu ca tử vong. Hiện còn 14,9 triệu ca đang phải điều trị sau khi 37,6 triệu người được xuất viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN