Theo báo cáo điều tra mới đây do Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành tại 77 quốc gia, hoạt động khám chữa bệnh và tiêm chủng ở trẻ em tại ít nhất 68% số các nước này đã bị gián đoạn trong thời gian qua do đại dịch COVID-19.
Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết, trẻ em và các bà mẹ ở các nước có thu nhập thấp và trung bình đang không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế do hệ thống bệnh viện bị quá tải. Bà nhấn mạnh nếu không có sự đầu tư khẩn cấp để tái khởi động các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hàng triệu trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh, có nguy cơ tử vong.
Báo cáo điều tra cũng nhấn mạnh trong 30 năm qua, thế giới đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong ngăn ngừa hoặc giảm thiểu các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ nhỏ, trong đó có sinh non và viêm phổi. Cụ thể, năm 2019 được ghi nhận là năm có tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong ở mức thấp nhất khi chỉ có 5,2 triệu trẻ em tử vong vì các bệnh có thể phòng ngừa được, giảm mạnh so với con số 12,5 triệu trẻ của năm 1990, và chỉ còn 7 quốc gia có tỷ lệ tử vong ở trẻ em trên 5%. Tuy nhiên, UNICEF cảnh báo đại dịch COVID-19 có nguy cơ phá hủy tất cả thành quả trên nếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em định kỳ không được đảm bảo.
Trước đó, một cuộc điều tra khác do Đại học Tổng hợp Johns Hopkins (Mỹ) tiến hành hồi đầu năm nay cũng cảnh báo trong tương lai gần sẽ có khoảng 6.000 trẻ em tử vong mỗi ngày nếu như tình trạng các dịch vụ y tế bị đình trệ do COVID-19 tiếp tục kéo dài trong trung hạn.
Theo báo cáo, trong năm ngoái, có 7 nước ghi nhận tỷ lệ trẻ em tử vong là trên 50 em/1.000 trẻ được sinh ra. Tại Afghanistan, cứ 17 trẻ thì có 1 trẻ tử vong dưới 5 tuổi.