Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ thành phố Sharm El-Sheikh, ông Mohieldin đưa ra phát biểu trên tại phiên thảo luận với chủ đề "Tuyên bố Thanh niên Toàn cầu COP27" trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27), với sự tham dự của Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu Simon Stiell, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Ai Cập Ashraf Sobhy, và Bộ trưởng Môi trường Ai Cập Yasmine Fouad.
Ông Mohieldin, đồng thời là Đặc phái viên của LHQ về tài chính cho chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030, cho rằng việc đạt được các mục tiêu khí hậu cần có sự thay đổi hành vi xã hội, nguồn tài chính công bằng và thỏa đáng, cũng như các giải pháp khoa học, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của thanh niên trong việc nâng cao nhận thức về các vấn đề và giải pháp khí hậu.
Ông Mohieldin đánh giá cao các mục tiêu mà thanh niên đặt ra cho hành động khí hậu, lưu ý rằng "thanh niên có vai trò then chốt trong thực hiện các hành động khí hậu và thúc đẩy phát triển". Ông Mohieldin cho biết Hội nghị COP27 quan tâm đến tính bao trùm và đa dạng, vì vậy điều quan trọng là tất cả các nhóm và các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu phải bày tỏ ý kiến, đề xuất các giải pháp và thực hiện các biện pháp.
Theo ông, tính bao trùm được thể hiện qua Sáng kiến quốc gia về các dự án xanh thông minh do Chính phủ Ai Cập phát động nhằm nội địa hóa các hoạt động xanh phục vụ phát triển và thúc đẩy hành động vì khí hậu, với sự tham gia của sinh viên đại học, các nhà nghiên cứu trẻ và giới doanh nhân.
Trong phiên thảo luận thứ hai với chủ đề "Chương trình nghị sự thích ứng Sharm El-Sheikh: Cơ hội đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và nâng cao khả năng phục hồi", ông Mohieldin đã nêu bật vai trò quan trọng của khoa học trong việc tìm kiếm các giải pháp cho những thách thức lớn, như giảm nợ và hoán đổi nợ để đầu tư cho các dự án môi trường, như cũng như các giải pháp cho những vấn đề thích ứng và khả năng phục hồi.
Theo ông Mohieldin, các quốc gia đang đi chệch hướng trong việc đạt được mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon và các quốc gia đang phát triển sẽ phải gánh chịu hậu quả và chi phí lớn nhất để giải quyết hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra. Nhà vận động cấp cao về khí hậu của LHQ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động khoa học, công nghệ và đầu tư cho các biện pháp thích ứng, lưu ý rằng 80% nguồn tài chính khí hậu là hướng đến giảm nhẹ và chỉ 20% dành cho thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Mohieldin cũng kêu gọi tăng cường đầu tư vào hệ thống dữ liệu để góp phần thực hiện tốt hơn các công việc và xác định nhu cầu tài chính khí hậu toàn cầu. Ông đánh giá sáng kiến "Race to Zero" của các nhà vận động khí hậu như một phương tiện nhằm hỗ trợ các tuyến phòng thủ để thích ứng với những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.