Công nghiệp vũ trụ Nga tìm lại thời hoàng kim

Tổng thống Vladimir Putin từng dùng từ “già nua” để nhận xét về sân bay vũ trụ Baikonur, và dường như đó cũng là từ có thể mô tả thực trạng hiện nay của ngành công nghiệp vũ trụ Nga vốn một thời hoàng kim.

Công nhân ở Baikonur chỉnh trang lại mô hình quả tên lửa đẩy cạnh bức chân dung nhà du hành Yuri Gagarin ngày 24/12/2013.


Ở Baikonur - sân bay vũ trụ đầu tiên và lớn nhất thế giới mà Nga thuê địa điểm và đặt ở thành phố cùng tên của Kazakhstan - và cả ở những nơi khác, các chuyên gia Nga đang phải nỗ lực hết sức để chấm dứt chuỗi phóng tàu vũ trụ thất bại đáng “mất mặt”, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng mục nát và mang đến những luồng sinh khí mới cho ngành công nghiệp vũ trụ Nga “vang bóng một thời”.


Baikonur được xây dựng trên một vùng đất bằng phẳng, khô cằn ở miền tây Kazakhstan và từng là địa điểm bí mật phóng con tàu Sputnik huyền thoại đưa nhà du hành Yuri Gagarin bay vào quỹ đạo Trái Đất lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1961. Tuy nhiên, sau sự tan rã của Liên bang Xô viết năm 1991, sân bay này đã tồn tại trong sự lãng quên đến kỳ lạ.


Ngày nay, Baikonur vẫn là địa điểm duy nhất đưa các chuyến bay có người lái lên Trạm Vũ trụ quốc tế ISS. Nó chiếm khoảng 1/3 tổng số các cuộc phóng vệ tinh đồng thời cũng là nơi đón tiếp các phi hành gia từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng ở Baikonur hiện vẫn chưa có nổi một rạp chiếu phim, chứ đừng nói đến các loại hình dịch vụ văn hóa, giải trí hấp dẫn khác của thế kỷ 21.


Hình ảnh những chú lạc đà thảnh thơi gặm cỏ gần khu vực đặt bệ phóng cũ kỹ, hầu như không thay đổi từ thời kỳ Xô Viết, càng làm cho khung cảnh nơi đây trông tệ hơn. Bà Evelina Shchur, Giám đốc Bảo tàng Vũ trụ của thành phố mà bà miêu tả là “nhà quê” này nói: “Các khách du lịch cứ hình dung về một thành phố toàn kính và thép giống như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Nhưng có một thời gian dài nhiều người thậm chí còn chẳng biết đến sự tồn tại của nơi đây”.

Dù được đầu tư ngân sách lớn hơn cùng lời hứa của Tổng thống Putin, ngành công nghiệp vũ trụ Nga vẫn rơi vào khủng hoảng nhiều năm nay. Theo biên tập viên một tạp chí chuyên ngành vũ trụ của Nga, Igor Marinin thì “toàn bộ ngành này phải được đại tu bởi vì những cái cũ thì không hoạt động được còn những cái mới thì chưa được xây dựng”. Ba năm qua Nga đã tăng gấp đôi ngân sách cho ngành công nghiệp vũ trụ và năm 2013 đã lên đến hơn 5 tỉ USD (tất nhiên số tiền này chỉ bằng một phần nhỏ so với ngân sách của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ - NASA). Dù vậy, ngành công nghiệp này đã quá trì trệ tới mức nó vẫn chưa thể đi vào nền nếp và ngân sách có khi còn bị sử dụng không đúng mục đích hoặc bị rút ruột. “Dù đã nhận được tiền nhưng chưa thấy có sự tiến bộ nào”, Marinin nói.


Một bản báo cáo của Cơ quan Kiểm toán Nga chỉ ra rằng ngành công nghiệp vũ trụ Nga đã chi tiêu gấp bốn lần mức trung bình của thế giới cho lĩnh vực vệ tinh, trong khi nó vẫn đang rất kém về chất lượng và thường xảy ra tai nạn. Trong một báo cáo hồi tháng 7/2013, kiểm toán thậm chí còn nhận xét “lĩnh vực vệ tinh có mất hàng thập kỷ để chấn chỉnh cũng chưa có hy vọng trở lại thị trường”.


Sự dẫn đầu của Nga trong lĩnh vực phóng vệ tinh toàn cầu ước tính trị giá tới 55 tỉ USD trong thập kỷ tới cũng đang như “đi trên dây”. Các vụ phóng thất bại làm tăng chi phí bảo hiểm và mất nhiều thời gian trì hoãn đã “tạo điều kiện” tốt cho đối thủ cạnh tranh Arianespace và thậm chí giúp cho một cái tên mới toanh SpaceX tham gia vào lĩnh vực này.

 

(còn tiếp)


Dư Hưng (Theo Reuters)

Công nghiệp vũ trụ Nga tìm lại thời hoàng kim (Tiếp theo và hết)
Công nghiệp vũ trụ Nga tìm lại thời hoàng kim (Tiếp theo và hết)

Được đầu tư nhiều tiền của là vậy, nhưng ngành công nghiệp vũ trụ của Nga trong nhiều năm vẫn trong tình trạng “giậm chân tại chỗ”, nếu không muốn nói là tụt hậu. Thực tế này đặt các nhà hoạch định chính sách của Nga trước thách thức cải cách toàn diện, có trọng điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN