Công nghệ nhiệt Mặt Trời thúc đẩy nền kinh tế ít carbon tại Australia

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) vừa khởi động một dự án liên doanh mới sử dụng công nghệ nhiệt Mặt Trời thế hệ tiếp theo để giảm lượng khí thải carbon trong các ngành công nghiệp nặng.

Chú thích ảnh
CSIRO vừa khởi động một dự án liên doanh mới sử dụng công nghệ nhiệt Mặt Trời thế hệ tiếp theo để giảm lượng khí thải carbon trong các ngành công nghiệp nặng. Ảnh: csiro.au

Cụ thể, ngày 26/11, CSIRO cho biết tổ chức này đã nhận được 15 triệu AUD (9,7 triệu USD) tài trợ ban đầu để thương mại hóa công nghệ nhiệt Mặt Trời tập trung, sử dụng các hạt gốm vốn khá dồi dào và chi phí thấp để lưu trữ ánh sáng Mặt Trời dưới dạng nhiệt. Công nghệ này cho phép lưu trữ năng lượng trong thời gian dài để hỗ trợ các quy trình công nghiệp, sản xuất nhiên liệu xanh và nguồn điện đáng tin cậy có thể điều phối được. CSIRO cho biết công nghệ nhiệt Mặt Trời có thể tạo ra nhiệt độ lên tới 1.200 độ C, giúp giảm lượng khí thải carbon trong các ngành công nghiệp nặng, bao gồm lọc khoáng sản, sản xuất thép, xi măng và hóa chất.

Để dẫn đầu việc thương mại hóa công nghệ, CSIRO đã ra mắt FPR Energy, một liên doanh với công ty quản lý tài chính RFC Ambrian và công ty tiện ích Nhật Bản Osaka Gas. Công ty có kế hoạch phát triển một nhà máy nhiệt điện có công suất 50 megawatt (MW), với khả năng lưu trữ nhiệt năng lên tới 16 giờ đồng hồ. Ông Daniel Roberts, Giám đốc nghiên cứu công nghệ năng lượng của CSIRO, nhấn mạnh liên doanh mới là một bước tiến quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp tái tạo trong các ngành công nghiệp nặng. Ông nhận định rằng việc đa dạng hóa cách Australia khai thác nguồn tài nguyên năng lượng Mặt Trời dồi dào sẽ giúp phát triển nền kinh tế ít carbon và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như tạo việc làm. Việc hỗ trợ các ngành công nghiệp nặng chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn là điều cần thiết để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Australia.

Theo CSIRO, lượng khí thải nhà kính từ các ngành công nghiệp nặng chiếm 20% tổng lượng khí thải hằng năm của Australia.

Thanh Tú (TTXVN)
Tiềm năng và thách thức từ tín chỉ carbon
Tiềm năng và thách thức từ tín chỉ carbon

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh hiện có hơn 616.000 ha rừng; trong đó có trên 552.000 ha rừng tự nhiên, gần 64.000 ha rừng trồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN