Tiềm năng và thách thức từ tín chỉ carbon

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh hiện có hơn 616.000 ha rừng; trong đó có trên 552.000 ha rừng tự nhiên, gần 64.000 ha rừng trồng.

Chú thích ảnh
Những diện tích rừng xanh ngát được cộng đồng người Xơ Đăng tại xã Đăk Hà (Kon Tum) gìn giữ, bảo vệ. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN

Theo phương pháp tính của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi năm tỉnh Kon Tum có khoảng 2 triệu tấn carbon đưa ra thị trường, mang về hơn 10 triệu USD. Tuy nhiên, các dự án nghiên cứu tín chỉ carbon rừng tại tỉnh còn ít, cùng với nhiều thách thức khiến tiềm năng thu giá trị từ tín chỉ carbon tại Kon Tum chưa được khai thác.

Tiềm năng lớn

Theo Tiến sỹ Hồ Đắc Thái Hoàng, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường - Đại học Huế, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Kon Tum có diện tích rừng lớn, thuộc nhóm đứng đầu của cả nước. Trong đó diện tích rừng có khả năng sinh nguồn carbon nhiều. Đặc biệt, giá carbon ở vùng Tây Nguyên nói chung và tại tỉnh Kon Tum nói riêng do có yếu tố đặc thù nên có giá đắt hơn nhiều, có thể gấp 20 lần so với rừng ở vùng đồng bằng. Nếu Tây Nguyên bán được, có khả năng sẽ bán được với giá 212.000 đồng/tín chỉ carbon.

“Mục tiêu của xây dựng và mua bán tín chỉ carbon không phải tập trung vào carbon, cũng không phải tập trung vào rừng, mà mục tiêu bao trùm là nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư xung quanh rừng. Hiện, xuất phát điểm của cư dân địa phương tại tỉnh Kon Tum đang trong tình trạng rất đặc biệt, mặt bằng đời sống của cư dân địa phương, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. Chính vì vậy, giá carbon của tỉnh Kon Tum cao hơn nhiều so với các tỉnh đồng bằng. Đặc biệt, Kon Tum là trung tâm đa dạng sinh học, nên giá trị bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh được tích lũy vào trong tín chỉ carbon”, Tiến sỹ Hồ Đắc Thái Hoàng phân tích.

Ông Hồ Công Vũ, Phó trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, năm 2018, tỉnh Kon Tum đã triển khai Dự án REDD+ tại xã Hiếu, huyện Kon Plông, với mục tiêu chống mất rừng và suy thoái rừng trên diện tích khoảng 1.200 ha, kết hợp trồng hơn 100 ha rừng trên diện tích đất rừng bị suy thoái. Đây là một hợp phần của dự án “Bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng thuộc các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai” (dự án KfW10).

Năm 2021, tổ chức Plan Vivo đã cấp chứng chỉ carbon cho dự án KfW10, là chứng chỉ carbon rừng cộng đồng đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại. Tỉnh Kon Tum có 1.238 ha tại ba thôn Vi Chring, Đăk Lom và Đăk Liêu, xã Hiếu được cấp chứng chỉ này. Theo tính toán của ngành lâm nghiệp tỉnh Kon Tum, diện tích này có thể bán ra 1.238 tấn carbon mỗi năm, tương đương 1 tấn/ha. Số tiền thu về từ việc bán tín chỉ carbon của diện tích này khoảng 150 triệu đồng, tương đương giá bán 5USD/tấn/năm.

“Nếu toàn bộ diện tích rừng có khả năng cung cấp tín chỉ carbon được cấp chứng chỉ, tỉnh sẽ có được một nguồn thu lớn. Chưa kể, nếu giá bán được cao hơn do tính chất đặc thù, số tiền thu về sẽ cao hơn nhiều. Qua đó, chi trả trách nhiệm cho các cộng đồng, giúp đời sống của người dân tại khu vực gần rừng được cải thiện đáng kể”, ông Hồ Công Vũ nói.

Còn nhiều thách thức

Tiến sỹ Hồ Đắc Thái Hoàng khẳng định, thách thức đầu tiên có thể thấy được là sự biến đổi khí hậu, tạo ra nhiều dấu hiệu thời tiết cực đoan, tác hại không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển của cây rừng. Thứ hai là tác động của các cộng đồng cư dân do nhu cầu thay đổi về mục đích sử dụng đất, kể cả các tổ chức, công ty cũng đang có sự tác động không nhỏ đến diện tích rừng. Khi đã có sự tác động vào diện tích rừng, làm giảm, làm suy thoái tài nguyên rừng sẽ trực tiếp làm giảm lượng carbon và làm thu hẹp diện tích rừng.

Ngoài ra, dù là một thị trường sôi động, đầy hứa hẹn, nhưng số lượng dự án tín chỉ carbon rừng được đăng ký tại tỉnh Kon Tum vẫn còn rất hạn chế, khi mới chỉ có dự án KfW10. Nguyên nhân là do sự phức tạp của phương pháp luận; tính chặt chẽ trong yêu cầu thu thập, giám sát dữ liệu đến những rủi ro trong quá trình thực hiện các dự án rừng.

“Tỉnh Kon Tum có điều kiện địa lý ở vị trí xa so với các tỉnh đồng bằng. Trong giai đoạn đầu, kiến thức nghiên cứu của các nhà khoa học còn hạn chế, vì đây là lĩnh vực mới đối với tất cả mọi người. Chính vì vậy, các tỉnh có điều kiện địa lý dễ sẽ được thực hiện trước để rút ra bài học để áp dụng vào tỉnh khó làm như Kon Tum. Và khi các nghiên cứu tại các tỉnh có điều kiện dễ có được kết quả thì Kon Tum cũng như các tỉnh Tây Nguyên sẽ dễ thực hiện hơn trong tương lai”, Tiến sỹ Hồ Đắc Thái Hoàng nêu ý kiến.

Theo thống kê, để chuẩn bị cho giai đoạn thực hiện các chính sách giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo ra cơ hội tiếp cận tốt hơn với chứng chỉ carbon, tỉnh Kon Tum đã thực hiện một số mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Điển hình trong đó như việc áp dụng công nghệ nông lộ phơi tại một số xã thuộc thành phố Kon Tum giúp giảm phát thải khí methane; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng cạn khác tại thành phố Kon Tum, các huyện Sa Thầy, Đăk Tô, Đăk Hà và Kon Rẫy để giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng không phát đốt thực bì để giảm phát thải khí CO2; quy trình chăn nuôi lợn khép kín xử lý phân và chất thải bằng hầm Biogas để giảm lượng khí methane…

Ông Hồ Công Vũ nhấn mạnh, để tiếp cận thị trường carbon, ngành nông - lâm nghiệp tỉnh Kon Tum sẽ tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, giảm thiểu tối đa thiệt hại rừng, suy thoái chất lượng rừng, nhất là không để cháy rừng, phá rừng làm nương rẫy. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác trồng rừng, chuyển hướng kinh doanh rừng trồng nguyên liệu sang trồng rừng gỗ lớn để tích tụ carbon.

“Chúng tôi cũng sẽ tập trung nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên bằng các biện pháp lâm sinh như nuôi dưỡng làm giàu rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng; đồng thời, định hướng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Đặc biệt, xây dựng và thực hiện 6 bước để thực hiện cấp chứng chỉ carbon rừng trong thời gian đến”, ông Vũ khẳng định.

Dư Toán (TTXVN)
Cơ hội và thách thức trong mở rộng giao dịch tín chỉ carbon rừng
Cơ hội và thách thức trong mở rộng giao dịch tín chỉ carbon rừng

Tại Tọa đàm trực tuyến Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp, nhìn từ tín chỉ carbon rừng và thực thi Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng báo Nông thôn ngày nay tổ chức ngày 21/11, các diễn giả cho rằng, rừng không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học mà còn là "kho vàng".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN