Cơn 'khát cát' đang ăn mòn sông Mekong

Sông Mekong đang phải đối mặt với nhiều rủi ro bắt nguồn từ chính nhu cầu vô độ về cát trên toàn cầu.

Chú thích ảnh
Cát khai thác tại sông Mekong. Ảnh: BBC

Đài BBC (Anh) cho biết mỗi năm có tới 50 tỷ tấn cát được khai thác trên toàn cầu. Giáo sư Stephen Darby tại Đại học Southampton đánh giá: “Việc khai thác cát diễn ra ở tỷ lệ lớn, chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi mang quy mô công nghiệp đối với hình dạng của hành tinh”.

Giáo sư Stephen Darby đã nghiên cứu hạ lưu sông Mekong và phát hiện lòng sông ở khu vực này sụt lún vài mét trong những năm gần đây, tất cả bắt nguồn từ việc khai thác cát.

Cát luôn là vật liệu quan trọng trong công nghiệp từ sản xuất phân bón, thép, mỹ phẩm… và đặc biệt nhất là trong xây dựng.

Liên hợp quốc cho biết bởi cuộc đua xây dựng, qua hai thập niên, nhu cầu về cát đã tăng gấp 3. Trong khoảng thời gian từ 2011-2013, số cát Trung Quốc tiêu thụ còn nhiều hơn tổng lượng cát Mỹ sử dụng trong thế kỷ 20.

Cát còn được tận dụng để mở rộng diện tích, một ví dụ là Singapore đã mở rộng thêm 20% so với thời kỳ giành độc lập năm 1965.

Ông Pascal Peduzzi của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho biết: “Mỗi năm chúng ta khai thác đủ cát để xây một bức tường cao 35 m và rộng 35 m bao quanh Trái Đất”.

Chú thích ảnh
Bùng nổ xây dựng tại Trung Quốc đã gia tăng nhu cầu về cát. Ảnh: BBC

Nhưng không phải tất cả mọi loại cát đều sử dụng được. Cát sa mạc quá mịn và nhỏ để làm bê tông hoặc thủy tinh. Đó là lý do cát dùng trong công nghiệp thường được khai thác động lực học từ khu vực trầm tích cổ tại sông và biển.

Ông Pascal Peduzzi nhận định khai thác như vậy có thể gây tổn hại đáng kể: “Cát là một bộ phận của hệ sinh thái và đóng vai trò quan trọng do vậy nếu thiếu đi có thể gây ảnh hưởng tới đa dạng sinh học, làm xói mòn và tăng hóa mặn”.

Sông Mekong là nơi đánh bắt thủy sản trong đất liền lớn nhất trên thế giới, cung cấp thực phẩm cho 60 triệu người dân. Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho rằng có 800 loài cá sống trên sông Mekong và đây cũng là “ngôi nhà” duy nhất của loài cá heo Irrawaddy.

Không chỉ tại sông Mekong, khai thác cát còn gây ảnh hưởng đến Kenya và Ấn Độ. Tại hai quốc gia này còn xảy ra cả bạo lực liên quan tới cát.

Chú thích ảnh
Việc khai thác cát quá mức trên sông Mekong đã gây ra tình trạng xói mòn. Ảnh: BBC

Trước tình trạng khai thác cát quá lớn hiện nay, câu hỏi được đặt ra là liệu thế giới này có nguy cơ cạn kiệt cát ? Giám đốc Hiệp hội Sản xuất khoáng sản Anh – ông Mark Russell cho rằng điều đáng chú ý là ngày càng khó tìm thấy cát.

Một cách để giải quyết vấn đề này là tìm ra phương pháp sử dụng được cả cát sa mạc. Các nhà khoa học tại trường Cao đẳng Hoàng gia London (Anh) đã thử nghiệm sử dụng cát sa mạc để phát triển vật liệu xây dựng mà họ gọi là "Finite".

Trong khi đó, Việt Nam và Campuchia cũng tuyên bố cấm xuất khẩu cát khai thác tại sông Mekong từ 2009 và 2017.

Ông Peduzzi nêu rõ: “Chúng ta cần thông thái hơn trong cách sử dụng cát. Cát phải được coi như vật liệu chiến lược, không phải là nguồn cung cấp vô tận”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng từ việc nước sông Mekong đổi màu
Cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng từ việc nước sông Mekong đổi màu

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, Ủy hội sông Mekong Quốc tế (MRC) vừa ra thông cáo báo chí giải thích về hiện tượng nước ở một số đoạn sông Mekong đổi màu, cho rằng việc mực nước xuống rất thấp, bùn cát sông giảm và sự xuất hiện của tảo trên cát cũng như ở đáy sông có thể là nguyên nhân có thể khiến nước sông Mekong gần đây đổi sang màu xanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN