Những rạn nứt này nếu không được giải quyết kịp thời có thể gây phức tạp thêm tình hình tại Trung Đông và đe dọa các nỗ lực khôi phục nền kinh tế vốn đã chìm sâu trong khủng hoảng của Liban.
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 30/10 trở thành quốc gia thứ tư trong 6 nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đưa ra các biện pháp nhằm bày tỏ phản đối phát biểu của bộ trưởng Liban. UAE thông báo sẽ rút các nhân viên ngoại giao khỏi Liban, đồng thời khuyến cáo công dân UAE không tới quốc gia Trung Đông này. Trước đó, Saudi Arabia ngày 29/10 đã triệu hồi đại sứ nước này tại Liban, đồng thời yêu cầu Đại sứ Liban phải rời Riyadh trong vòng 48 giờ. Riyadh cũng quyết định ngừng nhập khẩu hàng hóa từ Liban, một động thái được cho là sẽ giáng một đòn chí mạng vào nền kinh tế Liban hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia tuyên bố nước này có thể sẽ cân nhắc thêm các biện pháp khác nhằm vào Liban. Một số quốc gia thành viên GCC gồm Bahrain, Kuwait và nay là UAE cũng tiếp bước Saudi Arabia cô lập Liban về mặt ngoại giao.
Căng thẳng leo thang giữa Liban và các nước GCC (gồm Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait, UAE, Qatar và Oman) bắt nguồn từ bài trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Kordahi được phát trên truyền hình hôm 27/10, trong đó ông Kordahi đã chỉ trích chiến dịch quân sự của liên minh Arab do Saudi Arabia dẫn đầu chống lại lực lượng Houthi tại Yemen và cho rằng cuộc chiến kéo dài 7 năm qua tại Yemen "đã đến lúc phải kết thúc". Các nước Arab vùng Vịnh cho rằng phát biểu trên của người đứng đầu Bộ Thông tin Liban là "đáng trách và không thể chấp nhận được".
Mặc dù Saudi Arabia và các nước Arab vùng Vịnh đến nay vẫn chưa nêu điều kiện để chấm dứt căng thẳng ngoại giao với Beirut, song phía Liban đã có những tuyên bố nhằm xoa dịu tình hình. Ngoại trưởng Liban Abdallah Bou Habib nhấn mạnh Beirut hy vọng sẽ sớm giải quyết cuộc khủng hoảng với các nước vùng Vịnh và tái khẳng định cam kết về trách nhiệm của mình trước thế giới Arab. Trước đó, Thủ tướng Liban Najib Mikati đã bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Riyadh và hy vọng quốc gia láng giềng vùng Vịnh sẽ cân nhắc lại. Ông Mikati cũng cam kết Liban sẽ tiếp tục làm việc để giải quyết những gì cần phải giải quyết. Thủ tướng Mikati đã tái khẳng định cam kết của Chính phủ Liban trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Saudi Arabia, đồng thời kêu gọi các đối tác Arab "bỏ qua" cuộc khủng hoảng ngoại giao liên quan tới bình luận của Bộ trưởng Kordahi. Cả Thủ tướng Mikati và Tổng thống Liban Michel Aoun đều khẳng định các phát biểu của ông Kordahi không đại diện cho quan điểm chính thức của Chính phủ Liban. Tổng thống Aoun còn bày tỏ mong muốn có mối quan hệ "tốt nhất" với Saudi Arabia.
Hiện chỉ có Liên đoàn Arab (AL) lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự xấu đi nhanh chóng trong mối quan hệ giữa các nước vùng Vịnh với Liban, trong khi các quốc gia ngoài GCC tại Trung Đông vẫn chưa có phản ứng hay đưa ra bất cứ bình luận nào liên quan đến cuộc xung đột ngoại giao này. Tổng thư ký AL Ahmed Aboul Gheit kêu gọi các nước vùng Vịnh "cân nhắc về việc thực hiện các biện pháp đề xuất... để tránh gây thêm tác động tiêu cực đối với nền kinh tế vốn đang sụp đổ của Liban".
Căng thẳng ngoại giao giữa Liban và các nước GCC gia tăng trong bối cảnh Trung Đông vẫn đang mắc kẹt trong một loạt cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết, như cuộc xung đột ở Syria, xung đột dai dẳng giữa Palestine và Israel, hay cuộc chiến kéo dài tại Yemen. Trung Đông vẫn luôn là khu vực phức tạp về an ninh và chính trị, và là nơi thường trực những xung đột và mâu thuẫn sâu sắc không chỉ về hệ tư tưởng, mà còn cả về tranh giành ảnh hưởng và các lợi ích đan xen giữa các bên.
Hơn nữa, khủng hoảng ngoại giao xảy ra giữa lúc Liban vừa thoát ra khỏi tình trạng bế tắc chính trị với việc thành lập được nội các mới vào tháng 9/2021 sau 13 tháng bị bỏ trống. Tuy vậy, quốc gia Trung Đông này vẫn đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng. Hơn một năm sau các vụ nổ tại cảng Beirut khiến hơn 200 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương, tiến trình điều tra vụ nổ vẫn chưa có kết quả, trong khi suy thoái kinh tế-tài chính đang ngày càng tồi tệ, đe dọa sự ổn định của Liban.
Tình trạng thiếu hụt ngoại tệ ngày càng trầm trọng trong nhiều tháng qua và giá cả các mặt hàng không ngừng leo thang, ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân. Ngân hàng Thế giới (WB) miêu tả khủng hoảng kinh tế tại Liban là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của Liban được dự báo sẽ giảm 9,5% trong năm nay. Kinh tế Liban nếu tính theo đồng USD có thể chỉ còn 15 tỷ USD trong năm nay, do đồng nội tệ mất giá hơn 90% so với đồng USD. Tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức 40% và hơn một nửa dân số lâm vào cảnh nghèo đói. WB ước tính GDP thực của Liban năm ngoái đã giảm 20,3%, sau khi ghi nhận mức giảm 6,7% năm 2019. Trên thực tế, GDP của Liban đã giảm mạnh từ gần 55 tỷ USD năm 2018 xuống còn 33 tỷ USD năm 2020.
Trong khi đó, nội các mới được thành lập của Thủ tướng Mikati hiện vẫn đang loay hoay tìm cách vực dậy nền kinh tế, song đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Liban hiện rất cần các gói hỗ trợ tài chính từ cộng đồng quốc tế, nhất là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhưng để đạt được điều này, Beirut cần phải thúc đẩy các cải cách kinh tế-tài khóa sâu rộng và giải quyết triệt để vấn nạn tham nhũng.
Nếu những rạn nứt ngoại giao hiện nay tiếp tục leo thang và các nước Arab vùng Vịnh có những biện pháp bổ sung nhằm chống lại Liban, Beirut chắc chắn sẽ bị đẩy vào tình thế bị cô lập cả về chính trị, ngoại giao và kinh tế. Điều này có nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế Liban. Nền kinh tế Liban phụ thuộc rất lớn vào các nước vùng Vịnh. Saudi Arabia nói riêng và GCC nói chung là thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực và là các nhà đầu tư nước ngoài quan trọng của Liban. Khủng hoảng ngoại giao với các nước Arab vùng Vịnh có thể khiến kinh tế Liban thiệt hại khoảng 388,5 triệu USD mỗi năm.
Theo thống kê, 30% lượng hàng hóa xuất khẩu của Liban được bán sang thị trường các nước vùng Vịnh, với tổng trị giá 891 triệu USD, trong đó thị trường Saudi Arabia chiếm kim ngạch lớn nhất với 44% (388,5 triệu USD), tiếp đến là UAE và Kuwait. Các nhà đầu tư vùng Vịnh từng có vai trò then chốt trong công cuộc tái thiết đất nước của Liban sau cuộc nội chiến kéo dài 15 năm chấm dứt vào năm 1990 tại nước này. Vùng Vịnh cũng là thị trường việc làm quan trọng đối với nhiều lao động Liban.
Theo đánh giá của giới phân tích quốc tế, để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay, Liban và các nước Arab vùng Vịnh cần có những bước đi phù hợp, đặc biệt là thúc đẩy cơ chế đối thoại trên tinh thần xây dựng, tránh đẩy căng thẳng lên một nấc leo thang mới, vì sự ổn định và an ninh trong khu vực, cũng như lợi ích của các bên. Bên cạnh đó, việc giải quyết mối bất đồng giữa Beirut và các nước GCC cũng rất cần vai trò và nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, nhất là những quốc gia có vai trò quan trọng tại khu vực như Ai Cập, trong bối cảnh nội các của Liban phải tiếp tục làm việc để tránh đẩy đất nước vào tình trạng vô chính phủ.