Trong cuộc họp khẩn ngày 26/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức đặt tên Omicron cho biến thể B.1.1529, được phát hiện lần đầu ở Nam Phi. Tuyên bố của WHO nêu rõ: "Dựa trên những bằng chứng cho thấy có sự thay đổi bất lợi trong dịch tễ học về dịch COVID-19..., WHO coi B.1.1.529 là biến thể đáng quan ngại và đặt tên là Omicron".
Như vậy, Omicron đang là biến thể đáng lưu ý nhất được phát hiện cho đến nay kể từ sau biến thể Delta. Ngoài Omicron, danh sách biến thể đáng lo ngại của WHO còn có biến thể Delta đang thống trị toàn cầu, cùng các biến thể Alpha, Beta và Gamma. Cũng theo WHO, các công cụ phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện tại có thể phát hiện biến thể này.
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của WHO về COVID-19, cho biết hiện các nhà khoa học “chưa biết nhiều về biến thể mới này” và sẽ mất một vài tuần để có thể đánh giá đầy đủ. Trong khi đó, đặc phái viên của WHO về COVID-19 David Nabarro nhận định Omicron rất đáng quan ngại do có khả năng né tránh "hệ thống phòng thủ" của các vaccine mà thế giới đã sử dụng từ đầu năm đến nay. Ông cho biết các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tìm hiểu cách thức lây lan và tác động của biến thể mới tới các phương pháp điều trị và vaccine hiện nay.
Theo thông tin từ Bộ Y tế Nam Phi, trong số 50 đột biến của Omicron có tới 32 đột biến nằm ở gai protein, thành phần giúp virus SARS-CoV-2 bám vào các tế bào, nhiều hơn đáng kể so với biến thể Delta đang hoành hành trên thế giới. Nhiều đột biến của biến thể mới có liên quan đến việc tăng khả năng kháng kháng thể của virus, tức là có thể làm giảm hiệu quả của vaccine và ảnh hưởng đến cách virus phản ứng đối với vaccine, phương pháp điều trị và khả năng lây truyền. Giới khoa học Nam Phi nhận định rằng Omicron là “biến thể đáng sợ nhất” mà họ từng biết tới từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Trong khi đó, các nhà khoa học Anh cho rằng biến thể mới Omicron có thể làm giảm hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 và làm tổn hại các nỗ lực chống đại dịch.
Theo Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) biến thể này có protein gai khác hẳn protein ở chủng gốc, trong khi các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay đều được bào chế dựa trên protein ở chủng virus gốc.
Giám đốc điều hành UKHSA Jenny Harries đánh giá đây là biến thể đáng lưu ý nhất được phát hiện cho đến nay và các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu khẩn cấp để tìm hiểu về khả năng lây lan, tính nghiêm trọng và phản ứng của biến thể này đối với vaccine. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho rằng biến thể mới này có số lượng đột biến rất cao, thậm chí cao gấp đôi so với biến thể Delta. Theo đó, biến thể mới này có khả năng lây lan mạnh hơn và những loại vaccine đang được lưu hành có thể ít hiệu quả hơn đối với biến thể này.
Được phát hiện lần đầu vào ngày 11/11/2021, đến nay biến thể Omicron đã xuất hiện tại Nam Phi, Botswana, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), Israel. Châu Âu cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể này đầu tiên tại Bỉ. Tình hình ở Nam Phi được coi là đáng lo ngại khi đã ghi nhận hơn 100 trường hợp dương tính với biến thể này, đNghị ặc biệt lây lan nhanh chóng trong giới trẻ ở Gauteng, tỉnh đông dân nhất của Nam Phi. Đây cũng là nhóm có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 thấp nhất tại nước này.
WHO khuyến nghị các nước vào thời điểm này cần thận trọng khi đưa ra các biện pháp đối với việc đi lại, "tiếp tục áp dụng cách tiếp cận khoa học và căn cứ vào nguy cơ khi thực hiện các biện pháp về đi lại". Mặc dù vậy, lo ngại về nguy cơ lây lan của biến thể mới, nhiều nước từ Mỹ, Canada, Brazil, Đức, Italy, CH Séc, Anh tới Thái Lan, Malaysia, Iran, Oman, Australia… đều đã ban hành các lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại tới những nơi có ca nhiễm biến thể Omicron. Người đến từ Nam Phi, Botswana và một số nước ở miền Nam châu Phi như Mozambique, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini được đưa vào danh sách đỏ của nhiều nước, theo đó bị hạn chế hoặc cấm nhập cảnh.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng đã phải hoãn hội nghị bộ trưởng dự kiến diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 29/11 tới do sự xuất hiện của biến thể này. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cũng cảnh báo nguy cơ từ “cao” tới “rất cao" của biến thể Omicron sẽ lan rộng ra châu Âu, theo đó kêu gọi các nước tiến hành phân tích chuỗi gene và truy vết các ca nhiễm biến thể mới, đồng thời hối thúc người dân tránh du lịch tới các khu vực bị ảnh hưởng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cho rằng EU cần phải hành động nhanh và dứt khoát đồng thời kêu gọi công dân của khối này tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19.
Tại những nơi Omicron đã xuất hiện, chính quyền cũng đưa ra nhiều biện pháp ứng phó.Chính phủ Nam Phi kêu gọi người dân duy trì cảnh giác và nhanh chóng tiêm vaccine ngừa COVID-19. Thủ tướng Israel ngày 26/11 đã triệu tậpcuộc họp khẩn cấp với các bộ ngành liên quan. Sau cuộc họp, một loạt biện pháp phòng chống mới đã được đưa ra: mở rộng danh sách các quốc gia trong diện “cảnh báo đỏ” ra toàn bộ châu Phi, trừ các nước Bắc Phi, người nước ngoài đến từ các quốc gia này sẽ không được nhập cảnh Israel; Cơ quan nội địa của quân đội Israel rà soát toàn bộ những người đã nhập cảnh từ các quốc gia “cảnh báo đỏ” trong tuần qua để cách ly và xét nghiệm; Đặt mua 10 triệu bộ xét nghiệp PCR phục vụ xét nghiệm chủng virus mới; Thực hiện thí điểm lắp đặt máy lọc không khí trong trường học trên cả nước; Lấy mẫu nước thải ở tất cả các địa phương để xác định nguy cơ nhiễm bệnh do biến thể mới.
Chính phủ Bỉ cũng đưa ra quyết định có tính bước ngoặt mới trong đời sống xã hội của nước này, theo đó yêu cầu các hộp đêm phải đóng cửa và khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc nhiều nhất có thể.
Có thể thấy so với thời điểm phát hiện biến thể Delta, thế giới lần này quyết định hành động nhanh và quyết liệt hơn. Hiện tại vẫn còn quá sớm để biết liệu Omicron có gây ra những hậu quả nghiêm trọng như biến thể Delta hay không, nhưng có vẻ thế giới nên chuẩn bị cho việc một lần nữa đón Giáng sinh và Năm mới trong trạng thái hạn chế.