Giám đốc Viện Nông nghiệp, bà Deyanira Barrero xác nhận nấm fusarium R4T, gây căn bệnh được gọi là "bệnh Panama", đã xuất hiện tại tỉnh La Guajira của Colombia, giáp giới với Venezuela, dẫn đến 175 hécta cây chuối bị héo. Khoảng 168 hécta chuối bị ảnh hưởng đã được loại bỏ để phòng ngừa bệnh lây lan. Tình trạng chuối héo lá đã được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 7 vừa qua tại tỉnh này.
Ngày 6/8 vừa qua, tại hội nghị diễn ra ở Quito (Ecuador), 14 nước Mỹ Latinh và Caribe gồm Bolivia, Belize, Brazil, Costa Rica, Cuba, Colombia, Guatemala, Mexico, Nicaragua, Panama, Paraguay, Peru, Ecuador và CH Dominicana đã thống nhất các biện pháp phòng chống fusarium R4T.
Nấm fusarium R4T không gây hại trực tiếp cho con người. Loại nấm này tấn công vào bộ rễ của cây chuối, có khả năng lây lan nhanh và tồn tại trong đất đến 30 năm. Dịch bệnh do loại nấm này gây ra được coi là “nỗi kinh hoàng” của người nông dân trồng chuối tại nhiều nước Mỹ Latinh, không chỉ do sức tàn phá của nó đối với loại cây này, mà còn do chưa có loại hóa chất hay kỹ thuật canh tác nào có thể giúp loại bỏ được loại nấm trên.
Nấm fusarium R4T không bắt nguồn từ châu Mỹ mà có nguồn gốc từ vùng châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi, và mới được phát hiện tại Panama và Colombia trong thời gian vừa qua. Chính vì mức độ nguy hiểm của loại nấm này, nên dù mới chỉ có vài trăm hécta chuối bị lây nhiễm và cách ly, nhưng các nước trong khu vực đã coi việc chống lại loại nấm này là ưu tiên trong hợp tác nông nghiệp.
Riêng với Colombia, chuối là mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp thứ ba của nước này sau cà phê và hoa. Là một trong những nước xuất khẩu chuối hàng đầu thế giới sau Ecuador, Costa Rica và Guatemala, Colombia hiện trồng 50.000 hécta chuối, trực tiếp tạo ra khoảng 30.000 việc làm.
Năm 2018, Colombia xuất khẩu hơn 100 triệu thùng chuối với tổng trị giá 859 triệu USD, chủ yếu sang Mỹ và các nước thành viên Liên minh châu Âu.