Ông Bert và bà Maggie xem lại album ảnh về Việt Nam ở nhà tại thủ đô Canberra, Australia. |
Tới du lịch Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2001, cho tới nay ông bà Kuijpers ở thủ đô Canberra của Australia đã tới Việt Nam 17 lần, đỡ đầu cho 3 trẻ em ở Việt Nam và một bạn sinh viên Việt Nam đang theo học đại học RMIT ở Melbourne, đưa 5 gia đình bè bạn cùng tới Việt Nam và giới thiệu cho nhiều người bạn đi du lịch Việt Nam. Tết Nguyên Đán Đinh Dậu này ông bà lại “về” Việt Nam.
Với bà Maggie thì năm 2001 là lần đầu tiên bà tới Việt Nam, còn ông Bert thực ra là trở lại vì trước đó ông từng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Việt Nam, Campuchia giai đoạn 1967-1968.
Bà Maggie cho biết: “Sau lần đầu đầy háo hức đó, Việt Nam có gì đó thực sự cuốn hút tôi mà đi bao nhiêu lần cũng không thấy chán” và thế là gần như năm nào ông bà cũng dành một khoảng thời gian nhất định để “đi du lịch Việt Nam”.
Bà Maggie ở Sapa năm 2007. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Tới Việt Nam nhiều lần, gặp gỡ nhiều bè bạn người Việt, bà chia sẻ: “Đất nước của các bạn thật tuyệt vời, rất bình yên và đặc biệt là mọi người luôn vui vẻ, thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, mặc dù tôi biết cuộc sống của các bạn còn khó khăn hơn ở đất nước chúng tôi rất nhiều”.
Ông bà kể đã đi thăm nhiều nơi như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Hội An, Vĩnh Long, Đà Lạt, Sapa, Hạ Long, Điện Biên Phủ…, và nơi thường ở dài là Vĩnh Long và Hội An. Ấn tượng sâu sắc nhất là khi thấy đồ biển và các loại thực phẩm khác được nấu trên đường phố, mùi vị thật khó quên; xem các gia đình cùng làm việc với nhau, thăm những địa danh lịch sử, nghe những câu chuyện sống động về các cuộc chiến tranh tàn khốc mà Việt Nam phải hứng chịu… Với ông bà, ngoài vẻ đẹp tự nhiên, Việt Nam còn có sức sống thật diệu kỳ, mạnh mẽ.
Bà Maggie kể mỗi chuyến đi Việt Nam đều để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc khác nhau và những trải nghiệm đặc biệt nhất có lẽ là ở tỉnh Vĩnh Long. Bà nói: “Lần đầu tiên chúng tôi tới Vĩnh Long từ Thành phố Hồ Chí Minh bằng xe khách, đi đường mà tôi không thấy có biển báo gì cả. Dọc đường đi, xe đã đón nhầm rất nhiều người và khi gần tới điểm dừng cuối, có tới gần 30 hành khách phải xuống xe vì đón nhầm xe".
Ông Bert ở Hội An. Ảnh do nhân vật cung cấp |
"Tới nay, đường xá đã được cải thiện rất nhiều, đã có xe khách du lịch, giá rẻ, đi rất thoải mái và an toàn. Chúng tôi thường ở Vĩnh Long từ 10-14 ngày. Vĩnh Long thực sự rất hấp dẫn. Tôi rất thích chợ nổi trên sông và món cá tai tượng chiên xù (theo lời miêu tả là Elephant fish) được thưởng thức vào bữa trưa khi đi thuyền trên sông. Vựa trái cây Vĩnh Long rất tuyệt với nhiều loại và thực sự tươi ngon. Tôi có rất nhiều bạn ở Vĩnh Long, thường tới mua đồ trang sức ở một tiệm quen, chất lượng rất tốt, mỗi lần tới ông chủ luôn bọc gói kỹ lưỡng và dặn tôi đi đường cẩn thận", bà Maggie hồi tưởng.
Bà còn bộc bạch: "Hiện chúng tôi nhận đỡ đầu cho con gái của ông đang theo học đại học ở RMIT ở Melbourne. Chúng tôi hỗ trợ cho một gia đình ở Vĩnh Long, trả tiền học phí cho ba trẻ em của gia đình, các bạn nhỏ học rất tốt, chúng gọi tôi là Grandma (bà) và thường xuyên liên lạc qua Facebook”.
Một nơi nữa đặc biệt yêu thích đối với ông bà là Hội An. Bà chia sẻ: “Mỗi lần tới chúng tôi thường ở đây từ 2 tới 3 tuần. Lần nào tới tôi cũng may quần áo, mua giày, túi xách. Rất đẹp và giá cả rất hợp lý, đặc biệt là quần áo. May rất nhanh và đẹp, hôm trước, hôm sau là lấy được. Thậm chí tôi đặt may cho cả con gái và cháu gái, không có số đo mà chỉ ước chừng theo người tôi, vậy mà đều rất vừa và đẹp".
Với ông bà, Hội An đã trở nên thân thuộc như có gia đình người thân ở đây, nên không bao giờ thiếu trong các chặng dừng chân khi tới Việt Nam.
Ông bà Bert với gia đình anh Châu ở Quảng Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Trong con mắt ông bà, Hà Nội cũng thật ấn tượng với những khu phố cổ. Tên phố được đặt theo nghề thủ công mà người dân ở đó làm. Bà nhớ lại: “Những người bạn ở Hà Nội đã đưa chúng tôi tới những di tích lịch sử độc đáo và thật đẹp. Hoàng thành Thăng Long, làng lụa, làng gốm, Hội Lim… Chúng tôi thường ở trong một khách sạn nhỏ gần khu phố cổ, sáng nào cũng đi vòng Hồ Gươm. Có lần nhìn thấy đôi bạn trẻ mặc áo cưới thật đẹp đi bên hồ, tôi rất ngạc nhiên, hỏi thì được biết là họ ra đây để chụp ảnh cưới. Một kỉ niệm thật vui khi ở Hà Nội là tới di tích Cột Cờ, thấy lối lên nhỏ quá, ông Bert không lên vì nghĩ mình có thể bị kẹt. Từ nơi đây nhìn xuống, rất đẹp”.
Thành phố Hồ Chí Minh đang dần trở thành một thành phố quốc tế hiện đại. Có rất nhiều điểm hấp dẫn khách du lịch như Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Khách sạn Continental, khách sạn Rex… Những tòa nhà mới xây bên cạnh những tòa nhà cổ, nếu có kiến trúc phù hợp sẽ rất đẹp, vừa hiện đại, vừa không làm mất đi những dấu ấn lịch sử.
Việt Nam còn có rất nhiều điểm hấp dẫn mà ông bà thường xuyên ghé qua như Vịnh Hạ Long, Sapa, Điện Biên Phủ, Đà Lạt, kinh thành Huế, động Phong Nha… Bà mong muống chuyến đi Việt Nam sắp tới được khám phá động Sơn Đoòng. Với ông bà, “Việt Nam thực sự có rất nhiều địa điểm hấp dẫn, có bề dày lịch sử, ẩm thực khó quên và người dân thân thiện, chăm chỉ”.
Ông Bert giúp thu hoạch lúa ở Hội An năm 2014. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Câu chuyện của ông bà Maggie không chỉ khiến tôi ngạc nhiên về những chuyến đi Việt Nam mà trong ngôi nhà của ông bà, dấu ấn Việt Nam rất đậm nét. Dẫn tôi đi quanh nhà giới thiệu những đồ lưu niệm mang về từ Việt Nam, bà Maggie nói cà phê duy nhất mà bà uống hiện nay là cà phê Việt Nam, hạt tiêu cũng mang về từ Việt Nam. Thấy chai nước mắm cùng hành khô trong ngăn tủ, tôi chợt nghĩ, nếu muốn nấu một bữa ăn Việt ở đây tôi cũng không lo thiếu gia vị.
Ngoài những đồ lưu niệm, những bức tranh, những chiếc gối tựa... mang về từ Việt Nam, những chuyến đi Việt Nam của ông bà Kuijpers còn thể hiện vô cùng sinh động trong gần 20 cuốn album ảnh do ông Bert chụp trong từng chuyến đi. Câu chuyện về Việt Nam của ông bà chưa dừng lại ở đây. Những câu chuyện mà chính tôi cũng bị hấp dẫn theo lời kể của bà về đất nước thân yêu của mình, về những vùng miền thậm chí mình chưa được đặt chân tới.