Thủ tướng Ấn Độ Narenra Modi tới Mỹ và hội đàm chính thức với Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AFP |
Đây là chuyến thăm Mỹ thứ 5 của ông Modi trên cương vị Thủ tướng Ấn Độ và là lần đầu tiên ông trực tiếp gặp gỡ người đứng đầu Nhà Trắng. Báo chí quốc tế đã có nhiều bài bình luận về sự kiện được xem là giúp định hình quan hệ Mỹ - Ấn trong tương lai này.
Tờ Washington Post cho rằng hai nhà lãnh đạo Trump và Modi có nhiều điểm chung, là lãnh đạo của hai nền dân chủ lớn trên thế giới. Hai bên đang tích cực thúc đẩy một tuyên bố chung để cùng chia sẻ các giá trị và cam kết tăng cường hợp tác chiến lược. Việc hai nhà lãnh đạo sẽ cùng nhau ăn tối là một tín hiệu cho thấy Mỹ coi trọng mối quan hệ song phương này, và đây có thể sẽ là tiền đề để Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi xây dựng nền tảng cho mối quan hệ về sau.
Trong khi đó, trang mạng qz.com cho rằng ông Modi có thể trở thành một đối tác giúp Tổng thống Trump biến mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ thành mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Theo đó, việc nâng cấp quan hệ Mỹ - Ấn Độ sẽ là cách vừa hiệu quả, vừa an toàn, giúp tạo nền tảng trong dài hạn để một chính quyền đang đối mặt với hàng loạt thách thức và những chỉ trích của truyền thông như Washington giảm thiểu rủi ro và gia tăng ảnh hưởng của mình. Việc tăng cường quan hệ song phương với Ấn Độ cũng là điều được lưỡng viện Quốc hội Mỹ cũng như người dân hai nước hết sức đồng tình, bởi mối quan hệ đối tác gần gũi hơn với một Ấn Độ dân chủ và đang trên đà phát triển kinh tế, cùng chia sẻ nhiều lợi ích tại khu vực với Mỹ, sẽ là một thành tựu lớn cho Washington.
Điểm nhấn trong chuyến thăm lần này được nhiều báo nhận định sẽ là các thỏa thuận quốc phòng. Theo Washington Post, một trong những phép thử quan trọng và được trông đợi nhất sẽ là thỏa thuận mua 22 máy bay không người lái Guardian trị giá hơn 2 tỷ USD của Mỹ.
Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên Washington bán loại máy bay này cho một nước ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhiều chuyên gia cho rằng thông qua các thỏa thuận cung cấp công nghệ quốc phòng cho Ấn Độ, Mỹ muốn New Delhi hiện đại hóa quân đội và củng cố vai trò như một nhà lãnh đạo khu vực và một đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, cũng còn những ý kiến lo ngại về nguy cơ động thái này sẽ làm gia tăng bất ổn ở khu vực Nam Á, đặc biệt là khi căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan tại Kashmir vẫn tiếp diễn.