Khu vực trung tâm Bangkok hiện còn 7 ngôi chùa Việt Nam là Phổ Phước (Wat Kusolsamakorn), Quảng Phước (Wat Anamnikayaram), Từ Tế (Wat Lokanukhro), Cảnh Phước (Wat Samananamboriharn), Khánh Vân (Wat Upairadchabamrung), Túy Ngạn (Wat Chaiyaphummikaram) và Hội Khánh (Wat Mongkornsamakom).
Theo nghiên cứu của một số học giả về Phật giáo và lịch sử Đông Nam Á, khoảng năm 1776 tại Bangkok, người Việt xây dựng hai ngôi chùa đầu tiên là Chùa Cam Lô (Wat Thipvariviharn) và chùa Hội Khánh (Wat Mongkornsamakom). Tuy nhiên, hiện không còn dấu tích của chùa Cam Lô. Trong khi đó, chùa Hội Khánh vẫn tồn tại và còn đầy đủ bảng hiệu tiếng Việt ở ngoài cổng chùa cũng như bảng ghi công đóng góp của bà con Việt kiều tu tạo chùa năm 1956.
Điểm đặc biệt và chưa được nhiều người biết đến là hai trong số bảy ngôi chùa Việt ở Bangkok ẩn chứa những câu chuyện lịch sử về hai vị chân tu yêu nước, có những cống hiến đáng kể cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam.
Chùa Cảnh Phước (Wat Samananamboriharn), thường gọi là “Chùa người Việt-cầu Trắng”, nằm rất gần khu chợ Bò Bê một thời nổi tiếng về buôn bán quần áo. Khuôn viên chùa có riêng miếu đặt pho tượng vàng, kích thước bằng người thật và mặt trước đế tượng ghi chữ to, rõ bằng tiếng Thái danh tính Hòa thượng Bảo Ân.
Theo tài liệu công bố gần đây, Hòa thượng Bảo Ân tên thật là Nguyễn Văn Báo, sinh năm 1906 tại xã Vĩnh Thanh Vân, tổng Kiên Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (nay là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang). Hòa thượng qua đời năm 1964 và thi hài được an táng tại chùa Cảnh Phước. Khoảng cuối năm 1925, Hòa thượng Bảo Ân sang Thái Lan hành đạo.
Khoảng tháng 2/1946 tại Bangkok, Hòa thượng Bảo Ân được mời làm cố vấn cho các ông Trần Văn Giàu và Dương Quang Đông. Đây là bộ ba quyết định mọi hoạt động của tuyến đường xuyên Tây, bí mật thu gom vũ khí từ Thái Lan chuyển về Việt Nam. Hòa thượng Bảo Ân từng trực tiếp ngồi trên xe chở vũ khí đến tận bến cảng trong chuyến chở 10 tấn vũ khí đầu tiên về Việt Nam và cập cảng Vàm Ông Trang vào ngày 11/7/1946.
Chùa Từ Tế (Wat Lokanukhro) nằm ở khu Sampheng, điểm bán buôn dày dép, túi xách, đồ mỹ ký giữa thủ đô Bangkok. Trong cuốn “Hồ Chí Minh - Vị thánh sống”, xuất bản tại Thái Lan tháng 7/2009, tác giả Sukprida Banomyong thuật lại: Đến Bangkok bằng tàu biển (1928), Nguyễn Ái Quốc tới ngay chùa Từ Tế vì đã có liên hệ với vị sư trụ trì là người Việt Nam. Trong cộng đồng bà con Việt kiều tại Thái Lan, vị sư ấy thường được nhắc tới với cái tên rất gần gũi “sư cụ Ba”.
Tên thật của ông là Phạm Ngọc Đạt, sinh năm 1882 tại xã Sơn Bằng, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông sang Thái Lan lúc 22 tuổi. Năm 1914, ông quy tu tại chùa Khánh Thọ và được Hòa thượng Hạnh Nhơn (trụ trì chùa) cho pháp danh Thượng Trương Thiệt Hạ Bình, tên chữ là Bình Lương.
Năm 1937, Hòa thượng Bình Lương được cử trông nom chùa Phổ Phúc Phong và từng được các vị vua thứ 7 và thứ 9 của Thái Lan phong sắc vào các năm 1937, 1948. Năm 1952, Hòa thượng Bình Lương xin phép được tu tạo chùa Từ Tế, được xây dựng trước đó hơn 100 năm. Ngày nay, nếu có dịp đến thăm chùa Từ Tế, men ra bức tường ngay sau lưng gian thờ chính, vẫn còn thấy tấm bảng đá bằng ba ngôn ngữ Việt-Thái-Trung tóm tắt quá trình hành đạo của Hòa thượng Bình Lương ở Thái Lan.
Là trụ trì chùa Từ Tế, với lòng nhiệt tình yêu nước thiết tha, mong muốn nước nhà tự do, độc lập, Hòa thượng Bình Lương đã hết lòng ủng hộ cách mạng và biến chùa làm nơi nuôi dưỡng, che giấu cán bộ cách mạng hoạt động bí mật tại Thái Lan. Giai đoạn 1930-1935, Hòa thượng Bình Lương đã đón nhiều cán bộ tiền bối cách mạng tại chùa.
Từ năm 1940, chùa Từ Tế là nơi cán bộ hội họp, trú chân trước khi về hoạt động trong nước hoặc sang Lào. Sau năm 1950, bất chấp chính quyền Thái Lan khiấy áp dụng chế độ hà khắc đối với Việt kiều, Hòa thượng Bình Lương vẫn kiên quyết duy trì chùa Từ Tế để hỗ trợ cán bộ, chiến sỹ Việt Nam hoạt động cách mạng cũng như giúp đỡ nhiều thanh niên nương nhờ để ăn học.
Chuyện về các ngôi chùa và các vị chân tu như Hòa thượng Bình Lương, Hòa thượng Bảo Ân là một minh chứng về những tấm gương kiên trung yêu nước, dù ở xa quê hương nhưng vẫn đồng hành cùng khát vọng thống nhất đất nước của người dân Việt Nam. Đức độ và tài năng của các cụ được cư dân, chính quyền sở tại ghi nhận, phong sắc, góp phần giúp chữ viết và văn hóa của người Việt Nam thêm cơ hội để phát triển trong các thế hệ Việt kiều.