Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) gây ra bùng phát trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có nghĩa là kỳ nghỉ kéo dài. Ảnh hưởng của virus chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực, bao gồm du lịch, giao thông, giáo dục và hàng không. Một số người lo lắng rằng tiêu dùng trong nước sẽ bị hủy hoại, nhưng chuyên gia Ngụy Kiến Quốc tin rằng điều này sẽ không xảy ra.
Người tiêu dùng tiếp tục mua nông sản, bao gồm thịt và giá cả ổn định. Theo ông Ngụy Kiến Quốc, ngành thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng trong nước sẽ chịu tác động hạn chế. Thương mại điện tử xuyên biên giới có thể bị tác động mạnh với số lượng đơn đặt hàng giảm.
Trong tình huống chưa từng có này, ông Ngụy Kiến Quốc tin rằng điều quan trọng là duy trì xuất khẩu và sản xuất. Ông dự báo trong nửa cuối năm 2020, nền kinh tế của Trung Quốc sẽ hồi phục mạnh mẽ. Sau khi dập tắt dịch bệnh, chuyên gia này cho rằng Trung Quốc nên tiếp tục cải cách sâu sắc.
Dịch bệnh đã cho thấy sự thiếu sót trong các biện pháp dự phòng để chống lại tình trạng khẩn cấp ở một số khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phát huy đầy đủ khả năng quản trị và lợi thế thể chế khi toàn bộ đất nước được huy động. Đây là điều mà không một quốc gia nào có thể đạt được. Cuối cùng, chuyên gia này khẳng định khi tiềm năng thể chế của Trung Quốc có thể được phát huy đầy đủ, động lực của nền kinh tế nước này chắc chắn có thể trở lại vào nửa cuối năm 2020.
Dịch bệnh tại Trung Quốc hiện đã ảnh hưởng đến hàng loạt các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể, trong lĩnh vực hàng không, Air France và đối tác KLM đang kéo dài việc hoãn các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục tới ngày 16/3 tới. Sau thời gian này, hai hãng lên kế hoạch sẽ nối lại các chuyến bay hàng ngày tới Thượng Hải và Bắc Kinh.
Về phần mình, hãng hàng không quốc gia Tây Ban Nha Iberia quyết định tạm ngưng các chuyến bay đến Thượng Hải cho đến cuối tháng 4. Virgin Atlantic (Anh) cũng quyết định nối lại dịch vụ sau ngày 28/3. British Airways đã quyết định ngừng toàn bộ chuyến bay tới Trung Quốc, ngoại trừ Hong Kong.
Ngành kinh doanh nhà hàng và cà phê của Trung Quốc cũng không thoát khỏi những tác động tiêu cực. Các công ty sở hữu chuỗi cửa hàng ăn nhanh KFC và Pizza Hut tại Trung Quốc thông báo 30% trong số 8.790 cửa hàng của họ đã phải đóng cửa. Doanh thu tại những cửa hàng còn mở cửa đã giảm từ 40 - 50%.
Yum China Holdings Inc. cho biết công ty vẫn cung cấp 1.000 bữa ăn miễn phí cho các nhân viên y tế tại Vũ Hán, Trung Quốc, nơi hiện là tâm dịch. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa thể đánh giá đầy đủ tác động từ dịch bệnh. McDonald's và Starbucks cũng đã phải đóng cửa hàng trăm cửa hàng.
Trong lĩnh vực thời trang, thương hiệu Tapestry xa xỉ có trụ sở tại New York, Mỹ thừa nhận đã phải đóng phần lớn các cửa hàng tại Trung Quốc. Ước tính doanh thu của hãng trong nửa cuối năm 2020 sẽ bị giảm 200 - 250 triệu USD. Capri Holdings, sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Versace và Jimmy Choo cũng dự báo thu nhập trong quý này bị giảm khoảng 100 triệu USD. Khoảng 150 trong tổng số 225 cửa hàng tại Trung Quốc của hãng đã bị đóng cửa. Công ty sản xuất đồ thể thao Nike cũng chịu cảnh tương tự.