Bệnh nhi ngồi chờ tại bệnh viện đông người ở Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP
Các tác nhân gây bệnh chính phát hiện trong các mẫu bệnh phẩm đường hô hấp là virus cúm, virus metapulmone ở người.
Bác sỹ Lý Tĩnh, Chủ nhiệm hành chính và Trưởng khoa Y tế hô hấp và nguy kịch của Bệnh viện Nhân dân Quảng Đông cho biết, các triệu chứng cảm lạnh thông thường tương đối nhẹ, chủ yếu là nghẹt mũi, chảy nước mũi, thường có thể tự khỏi sau một tuần. Tuy nhiên, dịch cúm hiện tại lại có các triệu chứng nặng hơn như sốt cao, nhức đầu, mệt mỏi rõ rệt, trong trường hợp nghiêm trọng còn có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, đặc biệt là đối với người cao tuổi, phụ nữ có thai.
Việc phát hiện và chữa bệnh ngay từ giai đoạn đầu là điều quan trọng nhất để tránh cúm phát triển thành bệnh nặng. Một khi xuất hiện triệu chứng giống cúm như sốt cao, đau nhức toàn thân, bệnh nhân, đặc biệt là người có nguy cơ cao, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám chữa.
Bên cạnh đó, người bệnh cần sử dụng thuốc kháng virus (như oseltamivir hoặc mabarosavir) trong vòng 48 giờ khi các triệu chứng xuất hiện, điều này sẽ có hiệu quả trong việc rút ngắn tiến trình và giảm nguy cơ biến chứng.
Các chuyên gia Trung Quốc cũng khuyến cáo một số điểm lưu ý để chẩn đoán sớm và điều trị cúm ngay từ giai đoạn ban đầu. Theo đó, trong mùa dịch cúm, đối với những bệnh nhân mắc bệnh nặng hoặc có yếu tố nguy cơ cao mắc cúm nặng, hoặc bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng đặc biệt nghi ngờ mắc cúm, cần lấy dịch tỵ hầu hoặc dịch hầu họng để xét nghiệm tác nhân gây bệnh nhằm khẳng định chẩn đoán.
Điều trị bằng thuốc kháng virus trong vòng 48 giờ sau khi phát bệnh có thể làm giảm biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong và rút ngắn thời gian nằm viện. Phương pháp này cũng mang lại lợi ích cho những bệnh nhân nguy kịch có thời gian khởi phát bệnh quá 48 giờ. Để giảm nguy cơ biến chứng và bệnh nặng, những bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã xác nhận mắc cúm được khuyến cáo điều trị bằng thuốc kháng virus ngay lập tức.