Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, nhóm chuyên gia của Trung tâm Quốc gia về sức khỏe và phát triển trẻ em của Nhật Bản đã phân tích dữ liệu sức khỏe của 850 trẻ em dưới 18 tuổi phải nhập viện điều trị COVID-19 do nhiễm biến thể Omicron trong 3 tháng đầu năm nay. Kết quả cho thấy tỷ lệ trẻ từ 2-12 tuổi bị sốt trên 38 độ C chiếm 39,3% và tỷ lệ trẻ bị co giật là 9,8%. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với giai đoạn từ tháng 8-12/2021, khi đó, tỷ lệ này ở trẻ em cùng độ tuổi trên nhiễm biến thể Delta là 19,6% sốt cao trên 38 độ C và 2,2% bị co giật.
Ngược lại, số trẻ nhiễm biến thể Omicron trên 6 tuổi mất vị giác lại giảm 1,4% so với trẻ nhiễm biến thể Delta ở giai đoạn trước và đa số trẻ đã tiêm 2 mũi cơ bản vaccine ngừa COVID-19 đều có triệu chứng nhẹ hơn.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại trung tâm trên - ông Kensuke Shoji, cho biết việc theo dõi thân nhiệt của trẻ em mắc COVID-19 là rất quan trọng, bởi vì nếu sốt quá cao dẫn đến co giật, rất có thể trẻ sẽ bị tổn thương não. Ngoài ra, ông khuyến nghị các phụ huynh đưa con em mình đi tiêm chủng để giảm nguy cơ mắc COVID-19 nặng.
Trước đó, ngày 11/8, Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản cũng khuyến nghị đẩy mạnh hơn việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-17 tuổi. Tại một hội nghị trực tuyến, các chuyên gia y tế hàng đầu của Nhật Bản đã nhất trí rằng việc tiêm vaccine cho trẻ em ở độ tuổi này sẽ góp phần giảm 40-80% nguy cơ mắc COVID-19 nặng có thể dẫn đến biến chứng về tổn thương não hoặc viêm cơ tim.
Về độ an toàn, hiệp hội này cho rằng, theo các số liệu thống kê trong nước, tỷ lệ bị phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở trẻ từ 12-17 tuổi tương đương với người trưởng thành, trong khi đa số phản ứng phụ ở trẻ từ 5-11 tuổi là rất nhẹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, trẻ em cần được theo dõi thường xuyên trong nhiều ngày để kịp thời xử lý tình huống nếu phát sinh phản ứng phụ.