Chuyên gia: Cơ quan tình báo Mỹ có thể đứng sau vụ nổ máy nhắn tin ở Liban

Ông Alexei Leonkov, nhà phân tích quân sự và biên tập viên tạp chí Arsenal Otechestva, cho rằng vụ nổ máy nhắn tin gần đây ở Liban có thể do hành động can thiệp vào phần mềm chịu trách nhiệm sạc thiết bị.

Chú thích ảnh
Các nạn nhân bị thương trong vụ nổ máy nhắn tin được đưa tới Trung tâm y tế AUBMC ở thủ đô Beirut, Liban để điều trị. Ảnh: REUTERS/TTXVN

“Người Mỹ và các cơ quan tình báo đồng minh đã tạo ra hệ thống giám sát Echelon được thiết kế song song với mạng lưới liên lạc, liên lạc nhắn tin, liên lạc di động và Internet toàn cầu, để giám sát và kiểm soát những người dùng mạng”, ông Leonkov bình luận về vụ nổ máy nhắn tin ở Liban.

Kể từ khi Echelon ra đời vào những năm 1960, Mỹ đã phát triển các tiêu chuẩn liên lạc quốc tế và bộ công cụ giám sát rộng rãi cho phép cộng đồng tình báo theo dõi người dùng trên toàn thế giới, như cựu nhà thầu NSA Edward Snowden đã tiết lộ vào năm 2013, khi bình luận về chương trình Prism của Mỹ.

Theo chuyên gia Leonkov, những thiết bị này có thể xác định vị trí của một cá nhân thông qua các thiết bị mà người đó sử dụng để liên lạc, bao gồm cả máy nhắn tin mà người đó mang trong túi.

Các đặc vụ Mỹ có thể xác định tọa độ của người dùng với độ chính xác lên đến một giây, vì mỗi thiết bị đều có số nhận dạng riêng và hoạt động trong một môi trường chung theo tiêu chuẩn của Mỹ.

Ông Leonkov cũng cho biết các mục tiêu được chọn có thể bị ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau, phổ biến nhất là do các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái chiến đấu có độ chính xác cao.

Theo chuyên gia này, vụ nổ máy nhắn tin gần đây có thể là do pin quá nóng, và nguyên nhân có thể là do hành động can thiệp vào phần mềm chịu trách nhiệm sạc thiết bị.

“Hầu hết các thiết bị kỹ thuật hiện nay đều có pin lithium. Những gì đã xảy ra được gọi là sự cố mất kiểm soát nhiệt, trong đó pin, theo quy luật, sẽ phát nổ. Một vụ nổ pin, tùy thuộc vào vị trí chủ sở hữu đeo máy nhắn tin này, có thể dẫn đến thương tích hoặc thương tích nghiêm trọng. Trong trường hợp ngoại lệ có thể gây tử vong”, ông Leonkov giải thích.

Vị chuyên gia này kết luận nếu máy nhắn tin ở gần động mạch, vụ nổ pin có thể gây thiệt hại khiến một người tử vong do mất máu trong vòng 5 phút.

Tối 17/9 (giờ địa phương), Bộ trưởng Y tế Liban Firass Abiad thông báo 8 người đã thiệt mạng, trong đó có một bé gái, và khoảng 2.750 người bị thương trong các vụ nổ máy nhắn tin trên khắp đất nước vào cùng ngày. Trước đó nhóm vũ trang Hezbollah cho biết các thành viên của nhóm vẫn sử dụng phương tiện liên lạc này.         

Trong một cuộc họp báo trên truyền hình, Bộ trưởng Abiad cho biết trên 200 người trong số nạn nhân bị thương đang trong tình trạng nguy kịch với các vết thương chủ yếu được báo cáo ở mặt, tay và bụng.

Ngay sau sự việc, Hezbollah đã lên tiếng đổ lỗi cho quân đội Israel đã chủ động gây ra vụ việc này đồng thời đe dọa Tel Aviv sẽ phải chịu “hình phạt thích đáng”.

Về phần mình, dù chưa lên tiếng chính thức về loạt vụ nổ máy nhắn tin nêu trên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đã họp đánh giá tình hình an ninh sau vụ việc.

Theo truyền thông trong nước, nội dung cuộc họp của Israel nhằm tập trung xây dựng các kịch bản nước này có thể phản ứng trong trường hợp leo thang căng thẳng. Trước đó ít giờ, chính quyền các địa phương ở miền Bắc Israel đã yêu cầu người dân ở gần nơi trú ẩn và đã gia cố các phòng an toàn, viện dẫn lo ngại về khả năng leo thang.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Công ty sản xuất máy nhắn tin đưa phản hồi bất ngờ sau vụ nổ hàng loạt tại Liban
Công ty sản xuất máy nhắn tin đưa phản hồi bất ngờ sau vụ nổ hàng loạt tại Liban

Ông chủ thương hiệu máy nhắn tin mà lực lượng Hezbollah sử dụng đã đưa ra phản hồi bất ngờ về loạt sản phẩm vừa gây ra các vụ nổ hàng loạt khiến khoảng 3.000 người thương vong ở Liban.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN