Chuyên gia cảnh báo hình ảnh ám sát ông Abe Shinzo ảnh hưởng tâm lý người xem

Hình ảnh ghi lại cảnh ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo liên tục được phát sóng trên TV và chia sẻ trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của người xem.

Chú thích ảnh
Người dân tỏ lòng thương tiếc trước cái chết của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Ảnh: Kyodo

Theo hãng thông tấn Kyodo News, các chuyên gia khuyến cáo những người đang gặp các triệu chứng căng thẳng, mất ngủ và gặp ác mộng sau khi xem những hình ảnh trên hãy dừng xem, đọc tin tức và tới gặp chuyên gia tâm lý để điều trị trong trường hợp thấy cần thiết.

“Những hình ảnh và đoạn video ghi lại cảnh ông Abe bị bắn khi đang phát biểu ở thành phố Nara đặc biệt có thể gây hại cho trẻ em, những người có vấn đề về tinh thần và những người sống sót có hội chứng rối loạn sau chấn thương. Tôi khuyến cáo những người đó không nên xem đi xem lại những hình ảnh nhạy cảm”, Hirokazu Tachikawa, giáo sư về tâm lý thảm họa tại Đại học Tsukuba, cảnh báo.

Chuyên gia chỉ ra thêm những người có mặt tại vụ tấn công, các nhân viên y tế và những người trong nhóm tuổi cùng với cựu Thủ tướng cũng có thể bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, bà Mafumi Usui – giáo sư chuyên về tâm lý xã hội tại Đại học Niigata Seiryo – cho biết loạt hình ảnh và video về tội ác gây chấn động đăng trên các phương tiện truyền thông sẽ có thể gây ám ảnh và khắc sâu trong tâm trí mọi người.

Giáo sư Usui lấy đoạn video ghi lại cảnh tấn công khủng bố 11/9/2001 tại nước Mỹ, khi một máy bay bị không tặc đâm vào tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York, làm ví dụ điển hình.

Nghiên cứu chỉ ra việc tiếp xúc với những thông tin và hình ảnh tiêu cực như vậy có thể dẫn tới tình trạng mất ngủ và lo lắng ở một số người. Theo một chuyên gia Mỹ từng nghiên cứu về tác động của vụ khủng bố 11/9 đối với 3.500 người trong 3 năm, hình ảnh các vụ tấn công có thể gây ra “hội chứng chấn thương tâm lý tập thể”.

Kết quả cho thấy chỉ riêng việc tiếp xúc với phương tiện truyền thông đã đủ gây ra tổn hại về sức khỏe tâm lý và thể chất lâu dài của con người. Kết quả đó không phụ thuộc vào việc người tham gia khảo sát thực sự có liên quan trực tiếp đến vụ tấn công 11/9.

“Ngay cả sau một thời gian dài, mọi người vẫn có thể cảm thấy sợ hãi và bất an, cảm giác như thể các sự việc diễn ra gần đây và xung quanh họ”, Giáo sư Usui lưu ý trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương vì cảm giác về thời gian và không gian của chúng khác với người lớn.

Sau khi có đến hàng trăm người chứng kiến trực tiếp ​​vụ tấn công, chính quyền thành phố Nara đã mở đường dây nóng cho những người dân cảm thấy lo lắng và căng thẳng sau vụ ám sát. Y tá và nhân viên sức khỏe tâm thần sẽ trả lời các cuộc gọi đến và giới thiệu mọi người đến các cơ sở y tế nếu cần thiết. Đường dây nóng hoạt động đến ngày 15/7, từ 8h30 sáng đến 5h15 chiều mỗi ngày.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Japan Times)
Nghi phạm sát hại cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã từng lên kế hoạch ám sát ở Okayama
Nghi phạm sát hại cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã từng lên kế hoạch ám sát ở Okayama

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Tetsuya Yamagami, nghi phạm sát hại cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, đã từng lên kế hoạch ám sát chính trị gia này tại một điểm vận động tranh cử ở thành phố Okayama hôm 7/7 nhưng hắn đã từ bỏ kế hoạch này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN