Đáng chú ý, trong chuyến công du kéo dài khoảng 2 tuần, Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên với chuyến thăm cấp nhà nước từ ngày 8-10/11 theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Theo Bộ Ngoại giao Indonesia, chuyến thăm này có tầm quan trọng đáng kể đối với cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Indonesia và Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực.
Ngay từ khi tranh cử Tổng thống Indonesia, ông Prabowo Subianto đã đưa ra một đường lối đối ngoại rõ ràng và quyết đoán, tập trung vào việc duy trì chính sách độc lập và tự chủ. Ông bày tỏ cam kết tôn trọng và duy trì quan hệ với các nước lớn cũng như các quốc gia Hồi giáo.
Ông Prabowo cũng thể hiện tiếp tục duy trì chính sách không liên kết của Indonesia, không tham gia vào các liên minh quân sự và giữ lập trường trung lập trong các xung đột quốc tế. Điều này phản ánh sự tiếp nối truyền thống của người tiền nhiệm Joko Widodo và con đường ngoại giao nhiều năm qua của Indonesia.
Sau những nỗ lực theo đuổi ngôi vị tổng thống kéo dài suốt 10 năm qua, giờ đây là lúc ông Prabowo thể hiện các quan điểm, chủ trương đường lối được đưa ra trước đây bằng hành động thực tế, trong đó có đường lối đối ngoại. Và việc đi thăm Trung Quốc ngay sau khi nhậm chức đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội Indonesia cũng như giới phân tích.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Indonesia, ông Beni Sukadis, Điều phối viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia (Lesperssi) nhân định, có nhiều lý do cho sự lựa chọn này. Hiện tại, Trung Quốc được coi là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Indonesia trong 5 năm qua, nhất là 2-3 năm gần đây. Trung Quốc cũng đang ngày càng nổi lên là một cường quốc và có nhiều ảnh hưởng trong khu vực cũng như trên thế giới. Vì vậy, ông Prabowo muốn dành sự ưu tiên cho việc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc và chọn đây là nước đầu tiên đi thăm cấp nhà nước.
Mặc dù về địa lý thì Trung Quốc không quá gần, nhưng nước này có thể coi là láng giềng của ASEAN và có mối quan hệ tương hỗ cao với khu vực ASEAN.
Theo ông Beni, không chỉ nhằm tăng cường về hợp tác kinh tế, chuyến thăm này còn có ý nghĩa chính trị và có mục tiêu thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Ông Prabowo đi thăm Trung Quốc cũng nhằm tăng cường hợp tác trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà hai nước đã ký kết.
Điều này cũng phù hợp với chính sách đối ngoại của ông là thúc đẩy ngoại giao kinh tế, khai thác triệt để các mối quan hệ hợp tác kinh tế với các đối tác quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời tranh thủ thúc đầy hợp tác với các nước lớn.
Sau Trung Quốc, Tổng thống Prabowo sẽ tới Peru để tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Lima từ ngày 10-16/11 và tới Brazil tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro, dự kiến diễn ra vào ngày 18-19/11.
Ông Beni Sukadis cho rằng Prabowo có quan điểm “1.000 người bạn là quá ít, nhưng một kẻ thù là quá nhiều”, vì vậy, cùng với thúc đẩy các quan hệ song phương, ông cũng muốn tăng cường các mối quan hệ đa phương, qua đó tạo nên hiệu quả đòn bẩy ngoại giao. Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Lima, Peru và hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil là những cơ hội như vậy. Việc gặp gỡ các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ thúc đẩy các cam kết hợp tác đa phương cả về mặt kinh tế và chính trị giữa Indoensia với các nước, mang lại lợi ích cho quốc gia vạn đảo.