Với rất nhiều người dùng, công cụ này đã cho họ có được trải nghiệm lần đầu tiên về những năng lực “phi thường” của một thế hệ các hệ thống AI siêu thông minh. Nhanh chóng trở nên nổi tiếng, song công cụ này cũng buộc con người phải suy nghĩ: sớm hay muộn các hệ thống AI sẽ có ngày “phản chủ”.
Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về an toàn AI diễn ra 2 ngày đầu tháng 11 tại Anh thu hút các đại biểu có ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực từ cả khối chính trị và doanh nghiệp, các chuyên gia nghiên cứu, tổ chức xã hội… để đánh giá những nguy cơ từ AI, đặc biệt là ở giai đoạn phát triển và thảo luận về cách giảm thiểu những nguy cơ này thông qua phối hợp quốc tế.
Các mô hình siêu trí tuệ nhân tạo có tiềm năng to lớn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến bộ khoa học và những lợi ích cho xã hội, song cũng gây ra những rủi ro tiềm tàng với sự an toàn của thế giới nếu không được phát triển một cách có trách nhiệm.
Trong thư gửi tới hội nghị, Nhà vua Anh Charles đệ Tam viết “AI là một trong những bước nhảy vọt đáng kể nhất về công nghệ trong lịch sử không ngừng tiến bộ của loài người, với những tiềm năng to lớn trong việc thay đổi cuộc sống của người dân trên toàn thế giới nhưng cũng cần phải đảm bảo công nghệ đang phát triển nhanh chóng này luôn an toàn và tin cậy, trong sự phối hợp toàn cầu".
Trên thực tế, các tổ chức và các nước có những bước đi riêng để hình thành các khuôn khổ nhằm quản lý công nghệ này. Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7) đã thống nhất một quy tắc ứng xử dành cho doanh nghiệp phát triển các hệ thống AI tiên tiến.
Tuần trước, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố thành lập Viện An toàn AI đầu tiên trên thế giới. Trước thềm hội nghị, Mỹ đã công bố một loạt hành động AI như thiết lập Viện An toàn AI Mỹ, có nhiệm vụ cung cấp hướng dẫn về đánh giá nguy cơ của các hệ thống AI và hướng dẫn quản lý các vấn đề phát sinh liên quan. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng vừa ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu các công ty AI gửi thông báo tới chính phủ liên bang khi bắt tay vào huấn luyện những mô hình AI có thể tiềm ẩn rủi ro và phải cung cấp các kết quả thử nghiệm độ an toàn trước khi đưa vào sử dụng...
Dù vậy, như Ngoại trưởng Anh James Cleverly khẳng định, AI không biết thế nào là biên giới và những tác động của AI với thế giới sẽ ngày càng sâu rộng hơn. Bộ trưởng Công nghệ Anh Michelle Donelan cũng nhấn mạnh không có quốc gia đơn lẻ nào có thể tự ứng phó với các thách thức và nguy cơ từ AI. Do đó, cần có sự phối hợp toàn cầu, xuyên quốc gia, liên lĩnh vực để quản lý hiệu quả những công cụ này. Ngay trong ngày đầu tiên của hội nghị, Chính phủ Anh đã thông báo Tuyên bố Bletchley về an toàn AI với chữ ký của đại diện 27 quốc gia, trong đó có những nước hàng đầu về AI như Mỹ và Trung Quốc, cùng với Liên minh châu Âu (EU).
Tuyên bố bao trùm 5 mục tiêu của hội nghị. Tất cả các bên đều nhất trí rằng cần khẩn trương tìm hiểu và cùng phối hợp quản lý những nguy cơ tiềm tàng từ AI thông qua nỗ lực chung toàn cầu nhằm đảm bảo AI được phát triển và triển khai theo cách an toàn, có trách nhiệm và vì lợi ích của cộng đồng toàn cầu; rằng việc cố ý lạm dụng AI với những năng lực đặc biệt hoặc vô ý quản lý AI chưa chặt chẽ có thể dẫn đến những nguy cơ tiềm tàng, thậm chí là thảm kịch, trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt phải kể đến như an ninh mạng, công nghệ sinh học, tin giả.
Tuyên bố nêu rõ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào tạo ra những năng lực AI có sức mạnh đặc biệt và tiềm ẩn nguy cơ phải chịu trách nhiệm đặc biệt trong đảm bảo mức độ an toàn của những hệ thống này, trong đó có việc thử nghiệm và các biện pháp phù hợp khác. Hiểu rằng AI có nhiều tiềm năng và nguy cơ mà ngay cả người phát triển cũng không nắm hết, các nước nhất trí tiếp tục phối hợp để thúc đẩy nghiên cứu khoa học về an toàn AI. Điều này sẽ giúp đảm bảo những nghiên cứu khoa học tối ưu sẽ được sử dụng để tạo ra cơ sở chắc chắn cho việc quản lý các nguy cơ mà không cản trở việc tận dụng lợi ích từ AI.
Tuy nhiên, hội nghị vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề cho phép tiếp cận nghiên cứu AI công khai hay kín. Bên ủng hộ tiếp cận công khai cho rằng thế độc quyền về nghiên cứu AI dẫn tới những hậu quả tồi tệ, cản trở nghiên cứu về an toàn AI. Trong khi đó, phe phản đối lo ngại các mô hình AI có những năng lực mạnh mẽ nhưng tiềm ẩn nguy cơ nếu được phát tán rộng sẽ dẫn tới nhiều hiểm họa khôn lường.
Bước đầu nỗ lực tháo gỡ vấn đề, các công ty AI đã nhất trí sẽ cho phép các chính phủ được tiếp cận sớm những mô hình mà công ty phát triển để đánh giá mức độ an toàn. Hội nghị cũng mở đường thành lập một ủy ban liên chính phủ chuyên nghiên cứu khoa học để thống nhất về nguy cơ và năng lực của các hệ thống AI.
Bên ngoài phòng hội nghị tại Bletchley Park, nhiều người biểu tình tập trung yêu cầu chấm dứt nghiên cứu phát triển AI với năng lực cao hơn, bởi không ít ý kiến lo ngại rằng những hệ thống AI đang được phát triển có năng lực gấp 10 đến 100 lần thế hệ AI hiện tại, sẽ còn tạo ra nguy cơ lớn hơn nữa.
Trước hội nghị, Bộ trưởng Công nghệ Anh Donelan nêu bật quan điểm rằng nếu quá lo sợ về nguy cơ từ AI, thế giới sẽ mất đi cơ hội đưa công nghệ này vào ứng dụng cho những điều tốt đẹp trong chăm sóc sức khỏe, trong giao thông và ứng phó biến đổi khí hậu, trong giải quyết bất bình đẳng. Đó mới là thảm họa lớn nhất chưa được nghĩ tới.
Tháng 3 vừa qua, một thư ngỏ yêu cầu tạm dừng huấn luyện các mô hình AI quy mô lớn đã bị nhiều công ty trong lĩnh vực này bác bỏ. Ông Mustafa Suleyman, nhà đồng sáng lập của Google DeepMind kiêm CEO của công ty khởi nghiệp Inflection AI, phản đối việc dừng huấn luyện các thế hệ AI tiếp theo, nhưng cũng cho rằng đây là một giải pháp có thể được cân nhắc nghiêm túc trong tương lai gần, ít nhất là trong khoảng 5 năm tới khi những mô hình AI thế hệ mới với năng lực cao gấp 10 - 100 lần so với hiện tại sẽ được hoàn thiện. Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ tạo những bước tiến nhất định hướng tới việc xây dựng một khuôn khổ quốc tế để một quyết định như vậy có thể được đưa vào triển khai.
Nhà vật lý học nổi tiếng Stephen Hawking từng nói “AI có thể là điều tốt nhất hoặc tồi tệ nhất đến với loài người”.
Phát biểu khép lại hội nghị, Thủ tướng Sunak khẳng định trong tương lai trước mắt, việc phát triển những công nghệ như AI sẽ giúp đổi mới nền kinh tế, xã hội và đời sống rõ rệt hơn tất cả. Dù vậy, mỗi một làn sóng công nghệ mới đều kéo theo những mối lo ngại mới và những nguy cơ mới. Nhà lãnh đạo Anh tin tưởng rằng nếu kiểm soát tốt công nghệ này, thế giới sẽ chạm tay vào phần thưởng quý giá mà AI mang lại.
Những bước đi đầu tiên được hình thành tại Bletchley sẽ mở ra chương mới trong quản lý AI, với 2 hội nghị quốc tế kế tiếp về AI do Hàn Quốc và Pháp tổ chức, giúp xây nền tảng vững chắc để thế giới an toàn trong thời đại AI.