Trong tuần, chỉ số S&P 500 giảm 5,1%, trong khi mức giảm này với Nasdaq còn mạnh hơn, lên 5,6%. Riêng trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 10/6, mức giảm điểm của hai chỉ số này lần lượt là 2,9% và 3,5%.
Đà bán tháo diễn ra sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố các số liệu kinh tế cập nhật trong ngày 10/6, cho thấy lạm phát Mỹ cán mốc 8,6% trong tháng 5 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao kỉ lục kể từ năm 1981. Giá xăng dầu và lương thực tăng cao là tác nhân đẩy chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ tăng.
Đi ngược với diễn biến trên thị trường chứng khoán Phố Wall là trái phiếu chính phủ Mỹ. Lợi suất trái phiếu hai năm đã tăng lên mức 3% trong ngày 10/6. Lần cuối cùng lợi suất trái phiếu này vượt ngưỡng tâm lý 3% là năm 2008, thời điểm diễn ra khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, khởi nguồn từ Mỹ.
Lạm phát tăng nóng làm dấy lên lo ngại Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) sẽ tiếp tục mạnh tay hơn trong trong định hướng tăng lãi suất nhằm kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng. Nhiều khả năng FED sẽ công bố quyết định tăng 0,5 điểm phần trăm lãi suất tại phiên họp trong tuần tới.
Tại cuộc thảo luận chính sách hồi tháng 5, Chủ tịch FED Jay Powell để ngỏ khả năng tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tháng 6 và tháng 7. Giới đầu tư nhận định lãi suất cơ bản sẽ được FED đưa về mức 3,2% vào cuối năm nay, sau bốn đợt tăng 0,5 điểm phần trăm trong tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 11 cùng với đó là mức tăng 0,25 điểm phần trăm trong tháng 12/2022.