Đây là cảnh báo mới nhất được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra. Trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu được công bố ngày 8/6, OECD nhận định thế giới đã cảm nhận rõ tác động từ xung đột ở Ukraine. Tổ chức này dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và 2023 lần lượt ở mức 3% và 2,8%, giảm mạnh so với mức 4,5% và 3,2% được OECD đưa ra trong báo cáo hồi tháng 12/2021.
OECD giảm dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ xuống còn 2,5% trong năm nay và 1,2% trong năm 2023, giảm so với mức dự báo tương ứng 3,7% và 2,4% trong kỳ báo cáo trước đó. Theo Laurence Boone, chuyên gia kinh tế trưởng của OECD, một số nền kinh tế phương Tây thậm chí còn đối diện với giai đoạn tăng trưởng âm trong năm 2022 nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng hoặc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất kiềm chế lạm phát.
Can dự quân sự của Nga tại Ukraine đẩy giá năng lượng toàn cầu tăng vọt, khi nhiều nước châu Âu tìm kiếm nguồn cung thay thế dầu mỏ, khí đốt nhập khẩu từ Nga. Xung đột cũng làm đứt gãy hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Nga và Ukraine, đẩy giá lương thực lên mức cao kỉ lục.
Đây chính là hai tác nhân chính khiến lạm phát tăng cao trên phạm vi toàn cầu. Theo ước tính của OECD, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại 38 nền kinh tế thành viên thuộc khối này sẽ tăng ở mức trung bình 9%, gấp đôi so với dự báo OECD đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái. Bà Boone nhận định lạm phát tại các nước OECD sẽ đạt đỉnh trong quý 2 và quý 3 năm nay.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng của OECD, ưu tiên lúc này là đẩy mạnh hợp tác giữa các chính phủ nhằm xử lý khủng hoảng lương thực đang đe dọa nhiều nước, nhấ là các quốc gia ở Trung Đông, Bắc Phi. “Cần đến hợp tác toàn cầu để bảo đảm rằng lương thực đến được tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý, nhất là các nước thu nhập thấp, các nền kinh tế đang nổi”, bà Boone nói.