Chưa đạt được hiệp ước đại dịch toàn cầu của WHO

Các cuộc đàm phán nhằm xây dựng một hiệp ước toàn cầu về cách ứng phó với các đại dịch trong tương lai đã kết thúc ngày 10/5 mà không đạt được một dự thảo thỏa thuận nào.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Các nhà đàm phán từ 194 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng hy vọng lần này sẽ đạt được một dự thảo thỏa thuận cuối cùng nhằm hướng tới thông qua văn bản ràng buộc về mặt pháp lý tại hội nghị của Hội đồng Y tế Thế giới vào cuối tháng này. Tuy nhiên, các nhà đàm phán đã ngừng thảo luận về văn kiện này, thay vào đó chuyển sang tìm kiếm cách tốt nhất để tiếp tục xây dựng hiệp ước trong vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí vài năm tới.

Hiệp ước này, cùng với một loạt văn bản cập nhật gồm các quy tắc hiện hành về ứng phó với đại dịch, nhằm củng cố khả năng phòng vệ của thế giới chống lại các mầm bệnh mới sau khi đại dịch COVID-19 cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết đã có những bất đồng sâu sắc trong suốt quá trình đàm phán, đặc biệt là về vấn đề làm thế nào để đảm bảo sự công bằng cũng như mốc thời gian đạt được thỏa thuận.

Các bên đã nhất trí sẽ thảo luận sau về một số chi tiết gây tranh cãi nhất của hiệp ước, trong đó có nội dung liên quan đến “hệ thống tiếp cận mầm bệnh và chia sẻ lợi ích”, với thời hạn 2 năm kể từ hiện tại. Hệ thống này dự kiến sẽ mã hóa việc chia sẻ dữ liệu về các chủng vi khuẩn, virus hoặc tác nhân có khả năng gây ra đại dịch, đồng thời đảm bảo rằng tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi một cách công bằng từ việc nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị và phương pháp xét nghiệm.

Dự thảo hiệp ước hiện tại bao gồm một điều khoản yêu cầu các nhà sản xuất dược phẩm quyên góp 10% số sản phẩm cho WHO và dành 10% cho cơ quan với mức giá phải chăng để phân phối đến các nước nghèo hơn trong trường hợp khẩn cấp về y tế. Một quan chức tham gia cuộc đàm phán cho biết mặc dù hầu hết các quốc gia đều ủng hộ cam kết tiếp cận vaccine công bằng hơn, nhưng tỷ lệ chia sẻ vaccine vẫn chưa được thống nhất.    

Ngày 8/5, tờ The Telegraph đưa tin Vương quốc Anh từ chối ký hiệp định về đại dịch của WHO vì cho rằng nước này sẽ phải cung cấp 20% số vaccine của mình.

Giới chuyên gia cho rằng, mặc dù việc mất đi động lực đối với hiệp ước ứng phó đại dịch có thể gây ra rủi ro nếu tình trạng trì hoãn bị kéo dài, đặc biệt là trong năm bầu cử ở nhiều quốc gia, song vẫn cần thúc đẩy hiệp ước này. Ông Michelle Childs, giám đốc vận động chính sách tại Sáng kiến Thuốc cho những căn bệnh bị lãng quên (DNDi), cho biết: “Hiện có sẵn những đề xuất có thể tạo ra sự khác biệt nếu được thúc đẩy”.

Trong khi đó, chuyên gia về luật y tế toàn cầu Alexandra Phelan tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore (Mỹ), nhận định: “Có lẽ việc thỏa thuận thất bại sẽ làm tổn thương sức khỏe và an ninh toàn cầu  nhiều hơn so với lúc quá trình này chưa bắt đầu”.

Phan An (TTXVN)
G20 công bố quỹ ứng phó với đại dịch toàn cầu trị giá 1,4 tỷ USD
G20 công bố quỹ ứng phó với đại dịch toàn cầu trị giá 1,4 tỷ USD

Bộ trưởng Y tế và Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 13/11 đã công bố một quỹ tài chính trị giá 1,4 tỷ USD để đối phó với đại dịch toàn cầu trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN