Chủ tịch WB: Cuộc khủng hoảng Eurozone bắt đầu lan sang châu Á

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick nhận định cuộc khủng hoảng nợ công tại các nền kinh tế phát triển ngày càng trầm trọng khiến sự sụt giảm niềm tin đầu tư lan rộng sang các nước đang phát triển.

Ông Robert Zoellick cho biết các thị trường chứng khoán tại các nước đang phát triển đã bị thiệt hại nặng nề và dòng vốn chảy vào các nền kinh tế này bắt đầu chậm lại kể từ tháng Tám, khi cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực Eurozone trở nên xấu đi và hãng xếp hạng tín dụng S&P lần đầu tiên hạ bậc tín nhiệm của Mỹ khỏi hạng cao nhất AAA. "Những sự kiện trên bắt đầu cho thấy những dấu hiệu về sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ Eurozone sang các thị trường đang nổi", ông nói và cho biết thêm, mặc dù cho đến nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sang các nước đang phát triển vẫn duy trì được mức tăng, song WB đang theo dõi chặt chẽ tiến trình này.

Tuy mới ở giai đoạn đầu, song số liệu về chỉ số quản lý thu mua (PMI) - thước đo niềm tin trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ - của các nước đang phát triển cũng đã có dấu hiệu sụt giảm. "Điều này khiến chúng tôi phải suy ngẫm và theo dõi sát sao các số liệu trong vòng hai tháng tới để xem xem liệu những tác động tới niềm tin tại châu Âu và Mỹ có đang bắt đầu lây lan sang châu Á và các thị trường đang nổi hay không", ông Zoellick cho biết.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, các nước đang phát triển và các thị trường đang nổi hiện là những động lực chủ chốt cho tăng trưởng toàn cầu. Bất kể một sự tăng trưởng chậm lại nào tại những nước này cũng đều có thể kéo lùi sự phục hồi vốn vẫn còn hết sức mong manh của kinh tế toàn cầu.

Ông Zoellick cũng cảnh báo sức ép kinh tế gia tăng có thể dẫn tới sự leo thang của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tại các nước. Giá cả lương thực, thực phẩm tăng cao cũng gây thêm sức ép lên các nước đang phát triển. Hiện giá thực phẩm đã tăng 26% so với một năm trước đây và đang gần sát với các mức giá cao kỷ lục cách đây 3 năm trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008.

Ông Zoellick cho rằng khối Eurozone đang phải đối mặt với những vấn đề cơ bản, không chỉ là chuyện thanh khoản mà còn là núi nợ công, sự ổn định của hệ thống ngân hàng và tính cạnh tranh của các quốc gia thành viên. "Thế giới đang theo dõi và chờ đợi châu Âu, Mỹ và Nhật Bản giải quyết các vấn đề của họ. Thế nhưng một số quan chức ở các nước phát triển lại tỏ ra như thể các cam kết của họ chỉ là công việc của riêng họ và đó là điều không nên", ông nói. "Có thể sẽ có các quỹ quốc gia sẵn sàng đầu tư vào nhiều lĩnh vực và đổ tiền vào nhiều loại tài sản, song chúng ta cũng đồng thời thấy sự do dự trong những tuyên bố của một số quốc gia khác trong việc cứu trợ châu Âu".

Các Bộ trưởng Tài chính và các Thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm 20 quốc gia phát triển hàng đầu (G20) có cuộc họp vào ngày 22/9 tại Oasinhtơn để bàn về tình hình kinh tế toàn cầu. Tiếp theo sẽ là các cuộc họp của Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB kéo dài đến ngày nghỉ cuối tuần.

TTXVN/Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN