Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viết gì trong thư gửi học sinh Mỹ?

Trong thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể với các học sinh trường trung học của Mỹ rằng công việc của ông “mệt mỏi nhưng thú vị”. 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: news.cn

Hãng thông tấn Xinhua cho biết ông Tập Cận Bình đã viết thư hồi âm bằng tiếng Trung cho nhóm 40 học sinh trường trung học Niles North ở bang Illinois của Mỹ về sở thích cá nhân và công việc của ông.  

Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với các em học sinh Mỹ, những người vừa học tiếng Trung năm đầu tiên, rằng công việc của ông là phục vụ nhân dân. Ông miêu tả công việc của mình là “mệt mỏi” nhưng cũng “rất thú vị”. 

Trong bức thư được Xinhua đăng lại hôm 21/4, ông viết: “Tôi rất thích môn triết học, lịch sử, văn học, văn hóa, âm nhạc và thể thao. Rất nhiều sở thích của tôi được phát triển từ thời trung học và vẫn được duy trì đến bây giờ”. 

“Thế hệ trẻ là tương lai của tình hữu nghị Trung Quốc – Mỹ”, ông Tập Cận Bình viết. “Tôi hy vọng các cháu sẽ coi trọng thời gian của mình và học tập chăm chỉ, đóng góp cho tình hữu nghị giữa hai nhân dân Trung Quốc và Mỹ”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng ngỏ lời mời các em học sinh đến thăm Trung Quốc. 

Ngoài ra, ông còn chia sẻ sự ấn tượng về “cảnh quan tươi đẹp, con người mến khách và nền văn hóa đa dạng” của Mỹ.  Ông chia sẻ đã kết bạn với nhiều người Mỹ, trong đó có các bạn nhỏ. 

Thư hồi âm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được tập thể giáo viên và học sinh trường Niles North đón nhận. Theo tờ Chicago Tribune, mọi học sinh trong lớp đều được giao bài tập viết một lá thư riêng. Cuối cùng, các em đã chọn bức thư của Kendra Le đại diện cho tập thể lớp để gửi cho Chủ tịch Trung Quốc. Bức thư đã được Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Chicago Zhao Jian chuyển tận tay cho ông Tập Cận Bình. 

“Em đã bất ngờ, rất bất ngờ”, học sinh Le chia sẻ, “Đó là một niềm vinh dự khi nhận được thư của ông Tập Cận Bình”. 

Chú thích ảnh
Trường trung học Niles North. Ảnh: SCMP

Ban giám hiệu nhà trường tin rằng lá thư của ông Tập sẽ khuyến khích thêm nhiều học sinh Mỹ học tiếng Trung, tìm hiểu về nền văn hóa Trung Quốc cũng như tham gia những chương trao đổi hữu nghị giữa hai nước. 

Theo SCMP, đây không phải lần đầu ông Tập Cận Bình viết thư cho học sinh ngoại quốc – ông từng hồi âm thư cho một nhóm học sinh Italy tháng trước, khuyến khích các em trở thành “Macro Polos của thời đại mới” – lá thư gửi các học sinh Niles North được xem như thông điệp thiện chí rằng ông muốn thúc đẩy “giao lưu nhân dân” giữa Bắc Kinh và Washington. 

Chuyên gia quan hệ quốc tế Wu Xinbo tại Đại học Fudan (Thượng Hải) đánh giá ông Tập Cận Bình đang muốn thể hiện rằng ông mong muốn một quan hệ hữu nghị và tốt đẹp hơn với Mỹ tại thời điểm căng thẳng leo thang giữa hai nước trong vấn đề thương mại.

Năm 1985, ông Tập Cận Bình đến Mỹ với tư cách là một quan chức nông nghiệp cấp cơ sở. Ông đã sống cùng một gia đình bản địa – đôi vợ chồng Eleanor và Thomas Dvorchak – trong phòng con trai của họ ở vùng nông thôn bang Iowa. Năm 2012, ông quay trở lại đây với tư cách nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc. Cô con gái duy nhất của ông là Tập Minh Trạch cũng đa du học tại Đại học Harvard. 

Các Chủ tịch nước Trung Quốc trước đây cũng từng viết thư cho người Mỹ. Bốn tháng sau khi xảy ra cuộc va chạm trên không giữa một máy bay do thám của Mỹ và một tiêm kích Trung Quốc năm 2001, ông Giang Trạch Dân đã trả lời thư của một du khách người Mỹ, đề cập đến tình hữu nghị giữa hai quốc gia. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
17 nước Arab tham gia 'Vành đai, Con đường' của Trung Quốc
17 nước Arab tham gia 'Vành đai, Con đường' của Trung Quốc

Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận trị giá hàng nghìn tỷ USD với 17 nước Arab về sáng kiến “Vành đai, Con đường”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN